MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nữ chuyên viên tín dụng xuất sắc chia sẻ "bí kíp" vượt chỉ tiêu, chỉ nằm ở 2 từ đơn giản

07-03-2019 - 16:23 PM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều người nói con gái làm tín dụng sẽ rất vất vả vì áp lực chỉ tiêu lại không có thời gian cho gia đình. Nhưng tôi lại thấy mình càng may mắn hơn vì đã chọn đúng nghề và được sống với nghề, được học nhiều điều mới mẻ từ công việc này.

Phụ nữ đang ngày càng đạt được nhiều thành tựu hơn và khẳng định được tài năng cũng như vai trò của mình trên nhiều lĩnh vực. Với ngành tài chính ngân hàng, các banker là nữ giới đóng vai trò rất quan trọng khi đây là lực lượng lao động chiếm đến gần 60% tổng số cán bộ ngân hàng ở Việt Nam (theo một cuộc khảo sát vào năm 2017).

Từ các ngân hàng thương mại cho đến cơ quan quản lý NHNN, sự hiện diện của nữ giới ở các vị trí quản lý, lãnh đạo ngày càng tăng và dấu ấn của họ cũng rất ấn tượng.

Còn ở các vị trí nhân viên, chuyên viên, thành tích của nhiều cán bộ nữ cũng rất đáng nể. Nhân dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với một nữ nhân viên ngân hàng có thành tích xuất sắc nhiều năm liền tại Indovina Bank - ngân hàng liên doanh đầu tiên ở Việt Nam.

Đó là bạn Bùi Thị Trúc Lam – Chuyên viên QHKH cá nhân chi nhánh Bến Thành IVB, một nữ chuyên viên trẻ và được xếp loại hoàn thành xuất sắc công việc nhiều năm liền. Ở Lam toát lên sự năng động, giàu năng lượng và luôn luôn cầu tiến. Lam quan niệm rằng không nên xem chỉ tiêu là áp lực mà hãy xem đó là mục tiêu mà mình hướng đến và cố gắng mỗi ngày để đạt được. Cô gái này cũng tiết lộ "bí quyết" để trở thành nhân chuyên viên tín dụng xuất sắc của mình.

-------------------

Xin chào Trúc Lam, nghề ngân hàng, đặc biệt là vị trí chuyên viên quan hệ khách hàng luôn được xem là nhiều áp lực về chỉ tiêu và thời gian. Tại sao bạn lại lựa chọn công việc này?

Nếu nói đến chỉ tiêu, tôi nghĩ đó không phải là áp lực, mà đó là thước đo đánh giá hiệu suất công việc của từng cá nhân. Nói như vậy cũng không có nghĩa là tôi luôn đạt xuất sắc về chỉ tiêu, nhưng ít ra tôi biết được mục tiêu mà mình hướng đến trong công việc và cố gắng hết sức mỗi ngày để đạt được các mục tiêu đó.

Về thời gian, cũng tùy theo từng vị trí và công việc, đối với vị trí chuyên viên quan hệ khách hàng cá nhân thì giờ giấc của tôi rất chủ động, không phải ngồi văn phòng suốt 8 tiếng mỗi ngày. Tôi có thể đi ra ngoài gặp khách hàng trò chuyện, trao đổi về nhu cầu vay vốn của khách và tư vấn cho khách hàng các gói vay phù hợp nhất. Công việc giúp tôi có cơ hội gặp gỡ được nhiều người, trong đó có những anh chị rất đáng ngưỡng mộ và có nhiều điều thú vị để tôi có thể học hỏi.

Nữ chuyên viên tín dụng xuất sắc chia sẻ bí kíp vượt chỉ tiêu, chỉ nằm ở 2 từ đơn giản - Ảnh 1.

Bùi Thị Trúc Lam – Chuyên viên QHKH cá nhân chi nhánh Bến Thành IVB tặng quà cho khách hàng

Cơ duyên đến với ngành ngân hàng của bạn như thế nào? Vị trí chuyên viên quan hệ khách hàng là có phải công việc đầu tiên?

Tôi đến ngân hàng không phải cơ duyên mà là cả một quá trình được chuẩn bị từ những năm phổ thông. Vì gia đình tôi có người cũng từng làm việc trong ngành Ngân hàng, chính là bà của tôi. Từ nhỏ tôi đã ao ước được giống bà. Cũng như các bạn khác, khi mới vào ngân hàng, tôi chỉ là một nhân viên viên quan hệ khách hàng, tôi phải mất gần 2 năm để cố gắng để lên chuyên viên.

Còn về công việc quan hệ khách hàng, cũng có nhiều người hỏi tôi, tại sao không làm giao dịch viên hay kế toán, mà lại chọn vị trí này, tôi vốn dĩ là một người thích tìm tòi khám phá nhiều cái mới, nên tôi chọn vị trí quan hệ khách hàng cá nhân là lựa chọn ưu tiên hàng đầu, và đến bây giờ tôi cũng không hối tiếc về quyết định này.

Thời điểm vào làm việc tại Indovina bank, bạn có đang cân nhắc hay nhận được đề nghị ở các ngân hàng khác?

Khi đang làm tại Indovina, tôi thường xuyên nhận được các đề xuất qua email từ nhiều ngân hàng khác với đa dạng vị trí, mức lương khá hấp dẫn. Có lần tôi cũng từng đắn đo suy nghĩ về các đề nghị trên, nhưng suy cho cùng, ngân hàng nào cũng có áp lực không ít thì nhiều, điều đầu tiên là tôi nên thay đổi bản thân để phù hợp với môi trường, chứ không phải đi tìm môi trường phù hợp với bản thân.

Ngoài công việc, điều không kém phần quan trọng đó là môi trường làm việc, ở đây mọi người rất vui vẻ hòa đồng, tôi xem IVB như một ngôi nhà thứ hai, đồng nghiệp như người thân của tôi, cũng vì thế, bây giờ tôi không còn đắn đo về quyết định thay đổi chỗ làm.

Nhiều người vẫn nói phụ nữ làm ngân hàng rất khổ, áp lực về chỉ tiêu lại không có thời gian cho gia đình. Bạn nghĩ sao?

Theo tôi, làm việc gì cũng vậy, đều cũng có áp lực và khổ cả, quan trọng nhiều hay ít. Ở vị trí một chuyên viên tín dụng, tôi thấy không có gì là khổ cả, còn áp lực thì ít nhưng mục tiêu thì nhiều, nó không ngừng thúc đẩy tôi cố gắng hơn từng ngày.

Mỗi lần tiếp xúc với khách hàng, tôi cảm thấy mình càng may mắn hơn vì đã chọn đúng nghề và được sống với nghề, được nghe nhiều điều mới mẻ, khách hàng chia sẻ tận tình về hướng kinh doanh, cuộc sống và áp lực hiện tại của họ diễn ra thế nào… Qua đó tôi được học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm về công việc lẫn cuộc sống.

Nhân viên ngân hàng hay nói vui với nhau là "gái ngân hàng đẹp nhưng…ế nặng", bạn có chạnh lòng hay để ý đến điều đó?

Hiện tại tôi chưa có người yêu, từ 6h30 tôi đã đến cơ quan đến tối 7 – 8 giờ, nhiều khi thời gian ở ngân hàng còn nhiều hơn thời gian ở nhà, lấy đâu thời gian hẹn hò cũng như tìm hiểu một bạn khác giới. Hơn nữa, tôi đang có kế hoạch phát triển bản thân nên hiện tại tôi chỉ muốn tập trung vào sự nghiệp.

Nữ giới so với nam giới làm chuyên viên quan hệ khách hàng thì có lợi thế hay bất lợi gì?

Về điều này, không chỉ bạn hỏi tôi, mà còn rất nhiều bạn bè cũng đã từng thắc mắc. Nữ giới thời đại 4.0 không còn phải ngồi nhà nội trợ hay lao vào bếp mỗi ngày như trước, mà họ có thể kiếm tiền, thậm chí là nhiều hơn đàn ông. Bởi thế, đàn ông làm được thì phụ nữ cũng làm được.

Còn cụ thể ở vị trí chuyên viên quan hệ khách hàng, điều đầu tiên là sợi dây kết nối giữa khách hàng và ngân hàng, nên việc giao tiếp rất quan trọng, phụ nữ thường ăn nói nhỏ nhẹ, tâm lý và tinh tế hơn đàn ông.

Nữ chuyên viên tín dụng xuất sắc chia sẻ bí kíp vượt chỉ tiêu, chỉ nằm ở 2 từ đơn giản - Ảnh 2.

Tất nhiên cũng có nhược điểm, chẳng hạn như đôi khi khách hàng nhiệt tình, mời đi cà phê hoặc đám tiệc thì tôi không thể uống được nhiều bia rượu, giờ giấc thì tôi càng hạn hẹp hơn, năm nay tôi 27 tuổi, nhưng nói thật, tôi chưa bao giờ đi quá 11h đêm.

Làm việc ở một ngân hàng liên doanh, theo bạn có gì khác với ngân hàng nội?

Tôi chưa từng làm tại ngân hàng nội nên cũng chưa trải nghiệm được sự khác biệt. Để đưa ra một sự so sánh có lẽ không khách quan cho lắm.

Tiếp xúc với nhiều khách hàng, có câu chuyện nào làm bạn ấn tượng nhất ?

Một lần, tôi đi dự buổi bốc thăm căn hộ Capella Asian để hỗ trợ tư vấn cho khách hàng. Trong buổi tiệc hôm đó, tôi gặp chị khách hàng khiến tôi khá ấn tượng. Do dự án này thuộc Ngân hàng tài trợ, nên chúng tôi có ngồi có một bàn dành cho Ngân hàng.

Chị ấy tiến lại với vẻ mặt khá buồn rầu, theo lời chị kể, chị đã đặt cọc căn hộ (giá trị căn hộ 1,7 tỷ), nhưng sau khi gom góp lại chị còn 500 triệu, không biết lần thanh toán gần nhất lấy tiền đâu trả? Nên chị vay muốn vay số tiền còn lại, sau khi được tôi tư vấn hồ sơ, chị xin số liên hệ và hẹn ngày đến ngân hàng để gửi hồ sơ.

Trong chương trình hôm ấy, có phần bốc thăm trúng thưởng, dành cho những khách hàng đặt cọc hôm đó, nếu ai may mắn được nhận giải thì phải mang theo hồ sơ đặt cọc, giải nhất là 10 chỉ vàng, 2 giải nhì là 7 chỉ vàng, 3 giải ba là 5 chỉ vàng.

Sau một hồi lâu, tôi bỗng nghe anh MC đọc tên chị ấy, nhưng vấn đề ở đây là chồng của chị đã mang hồ sơ đặt cọc đi xuống nhà xe, nếu như giám khảo đọc tên 3 lần mà người may mắn không lên nhận giải thì sẽ kêu tên người tiếp theo. Tuy nhiên, cả khán phòng đều đợi anh chồng từ nhà xe chạy lên, khi nhận giải chị ấy đã rớt nước mắt. Nhìn cảnh đấy, tôi cũng rất mừng và hạnh phúc cho khách hàng của mình.

Được biết năm vừa qua bạn là nhân viên Sale xuất sắc của ngân hàng. Bạn có thể chia sẻ "bí kíp" để gặt hái được thành tích đó? Yêu cầu nào là quan trọng nhất?

Để trở thành một nhân viên sale xuất sắc, tôi luôn nhớ hai điều này, một là "trung thực", hai là "chân thành".

Trước khi tư vấn cho khách hàng, bạn phải hiểu rõ bạn đang bán sản phẩm gì? Ưu điểm và nhược điểm? Hãy xem khách hàng như người thân của mình, giới thiệu cho họ những sản phẩm và mức ưu đãi lãi suất tốt nhất để giúp họ có nguồn vốn đầu tư đúng lúc, kịp thời.

Nữ chuyên viên tín dụng xuất sắc chia sẻ bí kíp vượt chỉ tiêu, chỉ nằm ở 2 từ đơn giản - Ảnh 3.

Nhưng chắc hẳn cũng có lúc gặp khó khăn, áp lực, khi ấy bạn làm thế nào để vượt qua?

Việc khó khăn, thì không thể nào tránh khỏi, để vượt qua được điều đó tôi tập trung vào việc học để phát triển bản thân sau giờ làm việc, hoặc chơi thể thao vào sáng sớm.

Kể từ khi gắn bó với ngân hàng đến nay, bạn tâm đắc điều gì nhất?

Nhắc đến điều này thì chắc sẽ không thể kể hết bằng lời. Điều đầu tiên phải nói đến là thu nhập bởi đây là điều thiết thực nhất mà ai trong số chúng ta đều đi làm vì nó.

Thỉnh thoảng, tôi cùng đám bạn đại học gặp nhau, trò chuyện với họ, thật bất ngờ vì qua những câu chuyện, tôi biết được lương và thưởng của IVB khá tốt trên thị trường việc làm của ngành ngân hàng.

Bên cạnh đó, môi trường làm việc cũng cũng không kém phần quan trọng. "IVB sếp Hùng", cái tên gọi lưu trên danh bạ mà tôi ưu ái đặt cho anh Trưởng phòng của tôi. Ngày mới vào làm, tôi rất ấn tượng với anh, anh có thể dành nửa ngày để nói chuyện với một bạn nhân viên mới để giúp người mới hòa nhập tốt hơn. Một vài lần khi tôi viết sai thông tin hồ sơ, anh bèn la tôi một trận, nhưng la xong thì thôi, anh rất hiền và dễ thương, lại rất biết quan tâm đến nhân viên.

Ai cũng có mục tiêu, mục đích trong công việc, vậy vị trí cao nhất trong ngân hàng mà bạn mong muốn đạt được là gì? Trong 3-5 năm tới bạn đặt mục tiêu thế nào?

Trong một vài năm tới, tôi mong muốn sẽ được cất nhắc lên vị trí trưởng bộ phận. Để đạt được mục tiêu đó, tôi đang nỗ lực từng ngày để đạt chỉ tiêu tháng và vượt chỉ tiêu cho cả năm kinh doanh. Để nâng cao năng lực, tôi dự định sẽ tham gia khóa đào tạo ngắn hạn về thẩm định và đầu tư bất động sản. Đến bây giờ, IVB giống như gia đình thứ hai của tôi, nên tôi vẫn sẽ gắn bó lâu dài với ngân hàng.

Nếu được hỏi ý kiến về việc chọn nghề ngân hàng với các bạn nữ, nhất là các bạn học trung học và đang là sinh viên, bạn sẽ khuyên họ thế nào?

Các bạn trung học nói riêng, giới trẻ nói chung, tôi thấy bây giờ định hướng của các bạn còn chưa vững, các bạn chưa biết được ngành nghề mà các bạn yêu thích cũng như những điểm mạnh của bản thân là gì. Nên các bạn cần xác định rõ 2 yếu tố này để có thể sớm chọn con đường đúng cho bản thân mình.

Ai cũng thường nói, học là một chuyện, làm là một chuyện. Nhưng nếu ở những năm Đại học, kiến thức cơ bản không nắm vững thì khó có định hướng. Nên việc học tốt trong trường là rất quan trọng, đó chính là cái nền, cái móng cho bạn có thể xây dựng được một tòa nhà vững chắc hay không trong tương lai.

Trong Ngân hàng có cũng nhiều bộ phận nhỏ với các phòng ban và vị trí khác nhau, công việc cũng khác nhau – vì thế cơ hội làm việc tại Ngân hàng là dành cho tất cả mọi người. Tôi tin rằng môi trường Ngân hàng sẽ giúp các bạn trưởng thành và chuyên nghiệp hơn rất nhiều.

Cảm ơn bạn về những chia sẻ này!

Hải Vân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên