MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nữ giảng viên Đại học Oxford: ‘Đứa trẻ hạnh phúc sẽ trở thành người lớn hạnh phúc!’

30-10-2023 - 20:57 PM | Sống

“Trường học và giáo viên có ảnh hưởng lớn đến hạnh phúc cũng như kết quả học tập của trẻ. Sức khoẻ cảm xúc của giai đoạn tuổi thơ là yếu tố dự báo tốt nhất cho hạnh phúc của giai đoạn trưởng thành”, bà Louise Aukland - Giảng viên Đại học Oxford nhấn mạnh.

Tại đất nước Anh xa xôi, kể từ năm 2020, Đại học Oxford giới thiệu chương trình quốc tế Oxford, trong đó Wellbeing - Hạnh phúc được giảng dạy như một môn học xuyên suốt trong toàn bộ chương trình học của học sinh. Chương trình quốc tế Oxford tin rằng, việc tạo ra các công cụ để có thể huấn luyện các kỹ năng thực hành hạnh phúc quan trọng không kém gì việc tạo ra môi trường hạnh phúc.

Mới đây, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - Bộ Giáo dục & Đào tạo phối hợp với Quỹ Happy Lof Schools tổ chức Tọa đàm Trường học Hạnh phúc - Happy Lof Schools tại Việt Nam hướng đến mục tiêu xây dựng mô hình Trường học Hạnh phúc giúp mọi học sinh được nuôi dưỡng những giá trị về cả phẩm chất tinh thần lẫn hành vi tốt đẹp.

“Đứa trẻ hạnh phúc sẽ trở thành người lớn hạnh phúc” là thông điệp truyền cảm hứng mà bà Louise Aukland luôn nhấn mạnh. Bà Louise Aukland hiện đang là giảng viên, đồng tác giả môn Wellbeing của chương trình quốc tế Oxford. Đồng thời, bà là chuyên gia đánh giá tác động (Khoa thần kinh lâm sàng University of Oxford Nuffield Department of Clinical Neurosciences). 

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với bà Louise Aukland về “Sống hạnh phúc” - môn học đặc biệt nuôi dưỡng nên một đứa trẻ giàu lòng yêu thương, sống có trách nhiệm, có hoài bão ước mơ trong cuộc đời.

Nữ giảng viên Đại học Oxford: Tôi tin rằng đứa trẻ hạnh phúc sẽ trở thành người lớn hạnh phúc - Ảnh 1.

Trường học hạnh phúc - Nền tảng để trẻ phát triển toàn diện

- Môn học Wellbeing (Sống hạnh phúc) gồm mấy trụ cột, thưa bà?

Wellbeing là một môn học trong Chương trình Quốc tế Oxford của NXB Đại học Oxford.

Wellbeing bao gồm 4 cấu phần:

- Chăm sóc cơ thể: Tìm hiểu và xây dựng các thói quen tốt cho cơ thể, như chăm sóc giấc ngủ, ăn uống lành mạnh để phát triển cả thể chất lẫn tinh thần.

- Chăm sóc tâm trí: Nhận biết cảm xúc bản thân, kiểm soát những thành kiến tiêu cực và thúc đẩy những suy nghĩ lạc quan tích cực.

- Chăm sóc các mối quan hệ tích cực: Phát triển và duy trì tình bạn, thể hiện tình cảm yêu thương và kết nối trong gia đình cũng như xây dựng mối liên hệ với mọi người xung quanh

- Nhìn nhận bản thân và thế giới: Nhận biết điểm mạnh của mình và đặt mục tiêu phát triển bản thân. Hiểu mình là một phần của xã hội và có thể đóng góp tích cực cho môi trường xung quanh.

- Việc mang Wellbeing về Việt Nam sẽ áp dụng ra sao, thưa bà? Liệu có thay đổi gì để phù hợp với học sinh Việt Nam? 

Hiện ở Việt Nam, chương trình Quốc tế Oxford đang được giảng dạy tại 15 trường dân lập và tư thục. Bất kỳ chương trình học nào khi giới thiệu vào trường học cũng cần phải thích ứng với hoàn cảnh của trường tại địa phương, kỳ vọng của nhà trường, cha mẹ và học sinh cũng khi cộng đồng. Về cơ bản, Wellbeing như những định nghĩa vốn có sẽ phù hợp với mọi học sinh trên toàn thế giới.

- Bà chia sẻ “Hạnh phúc là trải nghiệm hài lòng và có mục đích theo thời gian?”, bà có thể giải thích cụ thể hơn về quan điểm này không?

Định nghĩa “Your experience of pleasure and purpose over time” (Hạnh phúc là trải nghiệm hài lòng và có mục đích theo thời gian) dựa trên những nghiên cứu của Giáo Sư Paul Dolan - người đã định nghĩa hạnh phúc với 2 cấu phần chính: Sự hài lòng - điều làm bạn hài lòng, và Mục đích – điều bạn thấy quan trọng và có ý nghĩa (không phải lúc nào cũng làm bạn hài lòng). 

Sự đóng góp có tính tương đối của các hoạt động mang lại niềm vui hoặc có mục đích có thể khác nhau vào những thời điểm khác nhau trong cuộc sống. Hạnh phúc chủ quan cũng có thể thay đổi theo thời gian.

Nữ giảng viên Đại học Oxford: Tôi tin rằng đứa trẻ hạnh phúc sẽ trở thành người lớn hạnh phúc - Ảnh 2.

- Hạnh phúc sẽ được thể hiện như thế nào trong một lớp học, thưa bà?

Thứ nhất, trẻ có cảm giác thuộc về, nghĩa là: Phát huy được điểm mạnh, tạo ra đặc tính chung, nhận ra những giá trị và tôn vinh những khác biệt, tham gia vào sự kiện của nhóm, của khối hoặc của lớp, tham gia các sự kiện ngoại khoá và sự kiện cộng đồng. 

Thứ hai, trẻ được tiếp cận toàn trường.

Thứ ba, trẻ được củng cố nhận thức và tự điều chỉnh: Hiểu về thông điệp của cảm xúc, thường xuyên kiểm tra, thiền, điều chỉnh hơi thở.

Thứ tư, lớp học sẽ thực sự là một nơi an toàn để tới và tự điều chỉnh. 

Sức khoẻ cảm xúc - Yếu tố dự báo cho hạnh phúc của người trưởng thành

- Hạnh phúc với mỗi học sinh là khác nhau. Có em hạnh phúc là khi đạt điểm cao, có em hạnh phúc là được thầy cô khen ngợi, có em hạnh phúc khi mỗi ngày được gặp bạn bè trò chuyện... Như vậy, “hạnh phúc” theo tính cá nhân hóa sẽ được triển khai thế nào, có gặp bất cập gì không, thưa bà?

Đúng vậy, hạnh phúc sẽ khác nhau ở mỗi học sinh. Trải nghiệm của chúng ta về những sự kiện cũng sẽ khác nhau vì mỗi người có một góc nhìn riêng. Học sinh có thể phản ứng khác nhau với cùng một trải nghiệm. Cách chúng ta cảm nhận về các sự kiện sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới cảm giác hạnh phúc chủ quan. 

Tuy nhiên, khoa học về hạnh phúc xác định các thành phần khác nhau của cuộc sống góp phần tạo nên hạnh phúc, an lành và thịnh vượng. Lấy ví dụ về mô hình PERMA (Positive emotions - Cảm xúc tích cực; Engagement - Tham gia; Relationships (positive) - Mối quan hệ tích cực; Meaning - Ý nghĩa của cuộc sống; Accomplishment - Thành tự), chúng ta có thể dạy người trẻ lý thuyết và kỹ năng, bộ “công cụ” cơ bản để giúp họ cá nhân hóa hạnh phúc của mình trong các tình huống khác nhau. 

Chẳng hạn cần tập trung vào những cảm xúc tích cực, biết cách phát triển các mối quan hệ tích cực, cách nhận biết và đối phó với lo lắng và căng thẳng (tự nhận thức và tự điều chỉnh). Và tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa: Đứa trẻ hạnh phúc sẽ tạo nên một người lớn hạnh phúc. 

- “Đứa trẻ hạnh phúc sẽ tạo nên một người lớn hạnh phúc”, như vậy chắc chắn sức khoẻ tinh thần rất quan trọng với mỗi người ngay từ khi còn là đứa trẻ?

Trường học và giáo viên có ảnh hưởng lớn đến hạnh phúc cũng như kết quả học tập của trẻ. Sức khoẻ cảm xúc của giai đoạn tuổi thơ là yếu tố dự báo tốt nhất cho hạnh phúc của giai đoạn trưởng thành. Và điều này quan trọng hơn tất cả mọi phẩm chất từ nhỏ tới năm 25 tuổi. 

So với sức khoẻ cảm xúc và hành vi, thành tích học tập là yếu tố ít quan trọng hơn để dự báo cho hạnh phúc của người trưởng thành. 

Nữ giảng viên Đại học Oxford: Tôi tin rằng đứa trẻ hạnh phúc sẽ trở thành người lớn hạnh phúc - Ảnh 3.

- Dù được xây dựng trên nền tảng hạnh phúc nhưng trẻ cũng cần có khó khăn, thách thức, thậm chí vấp ngã để trưởng thành. Đó có thể là khó khăn đầu đời như: Bị điểm kém, bị thầy cô khiến trách, cha mẹ phê bình,… Vậy làm thế nào để trẻ cảm thấy hạnh phúc trong khó khăn, để trẻ có động lực phát triển?

Dạy cho người trẻ biết thử thách hay khó khăn là cơ hội để học hỏi; để đánh dấu sự kiện nào đó mà khi thất bại xảy ra thì cá nhân có thể học cách đối phó hoặc thậm chí tạo ra thành công từ thất bại này. Hãy dạy trẻ về tư duy phát triển và khả biến thần kinh (neuroplasticity) – sự lặp lại, làm việc chăm chỉ và hỗ trợ dẫn tới sự tiến bộ. 

Đối với những tình huống khó khăn và nằm ngoài tầm kiểm soát cá nhân, hãy dạy các chiến lược giúp trẻ có thể quản lý phản ứng trước tình huống, thử thách. Nhờ đó, các biểu hiện về thể chất hoặc cảm xúc tiêu cực không làm ảnh hưởng xấu đến trẻ trong thời gian dài.

Nữ giảng viên Đại học Oxford: Tôi tin rằng đứa trẻ hạnh phúc sẽ trở thành người lớn hạnh phúc - Ảnh 4.

- Ở bậc Tiểu học, thầy cô thường dạy trẻ yêu mến các bạn của mình bằng cách bắt tay, khoác vai,… hay nói lời cảm ơn. Vậy với các em ở độ tuổi dậy thì cần thực hiện hành động gì để tránh sự ngại ngùng, thưa bà?

Những giáo viên giỏi hiểu rõ học sinh của mình và biết khi nào những hoạt động vui chơi không được chào đón hay khiến các em cảm thấy không thoải mái. Giáo viên cần trao một số quyền tự chủ để học sinh được chủ động tham gia, đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên - khi các em đang phát triển ý thức về bản thân, quan điểm và giá trị của riêng mình. Một môi trường học tập an toàn đảm bảo mọi học sinh đều cảm thấy an toàn và được tham gia (hoặc có cảm giác thuộc về - sense of belonging).

Nếu như người lớn đang cố gắng thay đổi cách suy nghĩ, chẳng hạn như phát triển các mối quan hệ tích cực và lòng biết ơn, đừng mong đợi kết quả nhanh chóng, hãy kiên định, thử thực hành thường xuyên và làm gương về những hành vi mà bạn muốn thấy ở học sinh, chẳng hạn như: Công bằng, cởi mở, nhất quán và tôn trọng.

Xin cảm ơn bà vì cuộc trò chuyện!

Theo Ứng Hà Chi

Phụ nữ số

Trở lên trên