Nữ giáo viên khiến triệu người khâm phục bằng bài giảng chống bạo lực học đường chỉ với 1 gói mì tôm: "Đừng vỡ vụn như mì ăn liền, hãy cứng như hòn đá"
Bất kỳ ai đang bị bắt nạt đều phải mạnh mẽ như hòn đá và đấu tranh để khiến hành vi đó dừng lại.
- 13-12-2023Thiên tài đầu tư Charlie Munger dạy con 3 bài học quý: Khi mượn xe của người khác phải trả lại với 1 thứ
- 02-12-2023Nữ ca sĩ lấy chồng hào môn, ở nhà 100 tỷ, chuyên tâm dạy con cái hơn là đi hát: "Tôi rất nghe lời chồng"
- 13-11-2023Tăng Thanh Hà khoe "góc đặc biệt" của cậu út Mason còn chia sẻ 1 điều khiến nhiều cha mẹ nức nở khen: Thích cách chị dạy con!
Một giáo viên tiểu học ở Trung Quốc đã nhận được nhiều lời khen ngợi trên mạng vì bài giảng chống bắt nạt sống động và giàu trí tưởng tượng mà cô giảng cho lớp của mình.
Theo đó, nữ giáo viên Jian Dan, đến từ tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc, thực hiện bài giảng này tại một lớp học tiểu học vào sáng 29/11 vừa qua. Cô cho biết, mình có con từng là nạn nhân của bạo lực học đường."Thằng bé bị bạn cùng lớp bắt nạt, chúng liên tục giẫm đạp lên người con tôi. Điều này khiến cho nó phải ôm chặt chiếc cặp sách cả ngày ở trường vì sợ hãi", nữ giáo viên kể lại.
Để giáo dục về bạo lực học đường, cô Jian đã mời các học sinh trong lớp chơi một trò chơi, trong đó cô yêu cầu mỗi em dùng tay bóp vụn một gói mì ăn liền, đập vỡ một quả táo và đập vào một hòn đá.
Trong khi các em bẻ gói mì một cách dễ dàng, vài bé trai khỏe mạnh có thể làm vỡ quả táo thì dù có đập mạnh đến đâu, mọi người cũng không thể làm tổn thương tảng đá.
Sau cùng, cô Jian nói với cả lớp: "Đừng vỡ vụn như mì ăn liền, hãy cứng như hòn đá". Khi cả lớp còn đang ngơ ngác, cô nói rằng bất kỳ ai đang bị bắt nạt đều phải mạnh mẽ và đấu tranh để khiến hành vi đó dừng lại, thay vì dung túng cho hành vi đó.
Jian lý luận với các học sinh của mình rằng tất cả các bạn cùng lớp đều là con ngoan trong mắt cha mẹ. Và các em không bao giờ nên bắt nạt những học sinh điểm thấp hơn hoặc những học sinh yếu hơn mình vì điều đó sẽ khiến các em tổn thương và làm tan nát trái tim cha mẹ.
Cô khuyến khích học sinh của mình đứng lên chống lại bạo lực học đường và nhờ cô giúp đỡ nếu các em bị đối xử bất công.
Câu chuyện ngụ ngôn của cô nhận được phản hồi tích cực từ học trò. Đặc biệt khi clip giảng bài của cô được chia sẻ trên mạng xã hội đã thu hút tới 600.000 lượt thích.
"Người thầy không chỉ có trách nhiệm truyền đạt kiến thức mà còn có trách nhiệm giáo dục nhân cách con người. Bạn là một giáo viên tuyệt vời", một người trên Douyin nói.
Một người khác nói: "Những đứa trẻ thật may mắn khi có được một giáo viên như bạn".
Theo báo cáo của UNESCO và WHO năm 2019, trên toàn cầu, cứ 3 em học sinh trong độ tuổi 13-15 thì có hơn 1 em từng bị bắt nạt. Tỷ lệ học sinh tham gia đánh nhau cũng gần với con số này.
Còn theo thống kê của UNICEF năm 2018, một nửa số học sinh từ 13 đến 15 trên toàn thế giới – ước tính khoảng 150 triệu học sinh – cho biết đã từng bị bạo lực bởi các bạn đồng trang lứa ngay trong nhà trường và ở các khu vực xung quanh trường học.
Cứ 10 sinh viên tại 39 quốc gia công nghiệp thì có 3 em thừa nhận đã từng bắt nạt bạn đồng trang lứa.
Năm 2017, đã có 396 vụ tấn công tại trường học được ghi nhận hoặc được xác nhận ở Cộng hòa Dân chủ Công-gô, 26 vụ ở Nam Sudan, 67 vụ tại Cộng hòa Ả Rập Syria và 20 vụ tại Yemen.
Gần 720 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học sống ở các quốc gia nơi mà trừng phạt thân thể trong nhà trường không bị cấm.
Tuy trẻ em gái và bé trai có nguy cơ bị bắt nạt như nhau, nhưng các bé gái có nhiều khả năng trở thành nạn nhân của các hình thức bắt nạt tâm lý hơn còn các bé trai có nguy cơ bị bạo lực và đe dọa về thể chất.
Báo cáo cũng ghi nhận rằng bạo lực học đường liên quan đến sử dụng vũ khí, chẳng hạn như dao và súng, vẫn tiếp tục xảy ra và cướp đi nhiều sinh mạng. Báo cáo cũng cho biết trong một thế giới kỹ thuật số ngày càng gia tăng, những kẻ chuyên đi bắt nạt đang phổ biến nội dung bạo lực, gây tổn thương và xúc phạm người khác chỉ với một cái nhấp chuột.
Hiện nhiều trường học ở Trung Quốc đã mời cảnh sát đến giảng về chủ đề này trong bối cảnh nhận thức chống bắt nạt ngày càng tăng trong những năm gần đây.
Theo SCMP, Unicef
Đời sống & pháp luật