'Nữ hoàng' cá tra đã rót hơn 160 tỷ vào các cổ phiếu BĐS, đã bán bớt NLG và KBC trong quý 1/2024, lỗ lớn với DXS
Tại thời điểm 31/3, tổng tài sản của Vĩnh Hoàn tăng nhẹ 1,3% so với thời điểm đầu năm, đạt hơn 12.092 tỷ đồng.
- 15-05-2024Kẹt giữa kho báu bô xít - Kỳ 2: Gián đoạn vì vướng mặt bằng
- 15-05-2024Doanh thu Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long được dự báo 'phình to' gấp đôi ngay sau khi siêu dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động từ 2025
- 15-05-2024Doanh nghiệp đầu tiên sản xuất malt bia tại Việt Nam báo lỗ năm thứ 4 liên tiếp
CTCP Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán: VHC) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2024, trễ 1 tháng rưỡi so với quy định về công bố thông tin. Trước đó, Sở giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đã có 2 văn bản nhắc nhở VHC vào ngày 3/5 và 10/5.
Theo giải trình, VHC cho biết doanh nghiệp cùng các công ty con đang trong thời gian phải cung cấp hồ sơ cho Bộ Thương mại Mỹ cho kỳ kiểm tra hành chính lần thứ 20 đối với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam vào thị trường Mỹ nên xin gia hạn công bố báo cáo tài chính chậm nhất vào ngày 15/5/2024.
Theo báo cáo mới công bố, doanh thu thuần quý 1/2024 của Vĩnh Hoàn đạt 2.856 tỷ đồng, tăng 29% so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu xuất khẩu vào 3 thị trường chính đều tăng trưởng dương. Tuy nhiên, do giá vốn tăng cao, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 22,5% còn gần 170 tỷ đồng.
Năm 2024, Vĩnh Hoàn xây dựng kế hoạch kinh doanh với 2 kịch bản. Ở kịch cao, doanh thu mục tiêu đạt 11.500 tỷ đồng, tăng 14,6% so với mức thực hiện năm 2023. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ dự kiến đạt 1.000 tỷ đồng, tăng 8,8%.
Ở kịch bản cơ bản, doanh thu mục tiêu đạt 10.700 tỷ đồng, tăng 6,6% so với mức thực hiện năm 2023. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ dự kiến đạt 800 tỷ đồng, giảm 12,9%. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn đã hoàn thành 21,2% kế hoạch cơ bản và 17% kế hoạch cao.
Tại thời điểm 31/3, tổng tài sản của Vĩnh Hoàn tăng nhẹ 1,3% so với thời điểm đầu năm, đạt hơn 12.092 tỷ đồng. Trong đó, giá trị hàng tồn kho đạt gần 3.467 tỷ đồng, giảm 7,9%. Doanh nghiệp đang trích lập hơn 407 tỷ đồng giảm giá hàng tồn kho tại thời điểm cuối quý I.
Các khoản tiền và tương đương tiền của Vĩnh Hoàn giảm gần 57% còn 100 tỷ đồng. Ngược lại, đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 12,3%, đạt hơn 2.323 tỷ đồng. Giá trị tiền gửi ngân hàng ngắn hạn tại thời điểm 31/3 đạt 2.190 tỷ đồng, tăng 14% sau 3 tháng.
Trong đó, Vĩnh Hoàn đang đầu tư hơn 160 tỷ đồng vào kinh doanh chứng khoán, giảm 11,7% so với thời điểm đầu năm.Mức giảm trên đến từ cổ phiếu NLG (giảm 13%), KBC (giảm 37%) và khác (giảm 28%). Khoản đầu tư cổ phiếu DXS giữ nguyên giá gốc hơn 60 tỷ đồng.
Doanh nghiệp thủy sản đang trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh gần 27 tỷ đồng, thấp hơn gần 30% so với đầu năm (39 tỷ đồng). Đa phần số tiền trích lập dự phòng này của Vĩnh Hoàn được dùng cho khoản đầu tư vào cổ phiếu DXS.
An ninh Tiền tệ