Nữ luật sư bỏ việc ở tuổi 30 để làm đầu bếp, dành 12 tiếng nấu ăn mỗi ngày: "Làm việc mình thích, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy kiệt sức"
Bận rộn trong ngôi nhà màu trắng trên đảo, Stefanie cảm thấy hạnh phúc với quyết định "nhảy việc" ở tuổi 30.
- 26-07-2024Từng nhận lương 3 triệu đồng/tháng, cô gái 9x đổi đời sau nhiều lần nhảy việc: Tuổi 30 làm CEO, ở nhà 300m2
- 11-07-2024Ông Hoàng Nam Tiến: "Nếu lúc nào gặp khó khăn cũng muốn nhảy việc thì cả đời bạn không thành công"
- 10-06-2024Thanh niên 30 tuổi kiếm 40 - 50 triệu đồng/tháng trăn trở: Bạn gái lương 8 triệu đồng, tôi nên đầu tư cho kinh doanh hay học tiếng Trung để ‘nhảy việc’?
- 16-04-2024"Chim khôn chọn chỗ mà đậu, chim dại chê tổ mà xa": NHẢY VIỆC thể hiện rõ nhất NHÂN CÁCH của một người!
Stefanie sinh ra và lớn lên ở Hồng Kông (Trung Quốc). Cuối năm 2019, cô và gia đình đã dành tâm huyết để tân trang một ngôi nhà nghỉ dưỡng tại đảo Lamma – một viên ngọc ẩn mình giữa núi và biển cả bao la. Hai căn nhà màu trắng tinh khôi này như hai nét phác thảo hoàn hảo, hòa mình vào vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên.
Không gian nghỉ dưỡng này chỉ có thể tới bằng con thuyền đưa du khách lướt qua những con sóng, tiến vào một thế giới yên bình, thư thái, tránh xa khỏi những xô bồ, bộn bề ngoài kia.
Vào cuối tháng 8 năm 2019, chốn nghỉ dưỡng OOAK Lamma của gia đình Stefanie được sửa sang (OOAK có nghĩa là độc nhất).
Sau 5 năm cống hiến trong ngành luật, Stefanie đã quyết định từ bỏ công việc ổn định để theo đuổi đam mê ẩm thực. Cô chọn con đường trở thành đầu bếp chuyên nghiệp và ngôi nhà màu trắng tại đảo Lamma - tổ ấm của gia đình mình - nay đã trở thành studio ẩm thực, nơi cô thỏa sức sáng tạo và chia sẻ hương vị cuộc sống qua từng món ăn tỉ mỉ chuẩn bị cho bạn bè và người thân. Dù ánh đèn vẫn thường le lói đến tận đêm muộn, niềm đam mê và sự yêu thích công việc làm bếp của Stefanie không hề suy giảm, thậm chí còn mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Bức tranh tường do mẹ của Stefanie và giáo viên dạy vẽ của cô hoàn thành (bên trái); Stefanie hái thảo mộc trên mái nhà (bên phải).
Stefanie chia sẻ những kinh nghiệm quý báu từ quyết định đổi nghề ở tuổi 30, đồng thời tiết lộ bí mật về loại thực phẩm mang lại năng lượng thần kỳ, biến căn nhà nghỉ dưỡng của cô thành nơi đẳng cấp, hơn hẳn một nơi ở bình thường.
Stefanie tâm sự hãy luôn theo đuổi đam mê thực sự của bạn, bởi khi làm việc với niềm đam mê, dù 12 tiếng mỗi ngày trôi qua trong bếp cũng giống như bạn đang tận hưởng kỳ nghỉ của mình.
Đầu bếp đặc biệt ở "Nhà Trắng" giữa đảo
Khi Stefanie khởi động chiếc lò nướng, hương thơm ngào ngạt của hạt đậu phộng lan tỏa khắp gian bếp. Cô chia sẻ rằng: "Mình đã đưa gạo Ý vào công thức nấu ăn đặc biệt của mình. Mình nấu cơm cho tới khi nó chuyển sang trạng thái mềm nhũn, sau đó tán nhuyễn nó ra. Kết quả là món tráng miệng có cấu trúc mềm dẻo và phong phú hơn. Đây chính là món ưa thích của ba mình. Ông ấy thường hay khoe với bạn bè rằng: 'Nhất định phải thử món soufflé mà con gái tôi làm đấy'".
Vào khoảng năm 2018, cô cùng gia đình đã ấp ủ giấc mơ sở hữu một tổ ấm nhỏ bé ngay bên cạnh bờ biển, vắng lặng, tách biệt khỏi sự ồn ào náo nhiệt của đô thị, một chốn đi về bình yên dành cho những phút giây sum họp. Dù cuộc sống thường nhật có thể ngập tràn những bận rộn, không gian này vẫn luôn mở rộng vòng tay, chào đón từng thành viên trong gia đình quay về, chia sẻ những phút giây quý giá bên nhau. Trong quá trình sửa nhà, cô đã chuyển hướng sự nghiệp và trở thành một đầu bếp tài ba. Căn nhà bên biển ấy giờ đây cũng biến thành sân khấu riêng cho những màn trình diễn ẩm thực đầy mê hoặc của cô, nơi cô dành tâm huyết trao trọn vẹn hương vị món ăn đến người thân và bạn bè.
Nhà nghỉ dưỡng ẩn mình trong lòng vịnh của đảo Lamma, nơi những ngôi nhà phân tán san sát với núi và biển, hầu như chỉ dùng để cư trú, thưa thớt đâu đó vài căn. Quang cảnh núi non hùng vĩ và tiếng sóng biển vỗ về những đụn đá đã thế chỗ cho không gian chật hẹp, đông đúc giữa lòng thành phố Hồng Kông, nơi tiếng còi xe cộ và đèn giao thông không ngừng nhấp nháy giờ đây tựa như đã "nghỉ hưu".
Stefanie chia sẻ: "Dù việc di chuyển đến những hòn đảo xa xôi này chỉ có thể thông qua thuyền, nhưng chỉ trong vòng 10 đến 15 phút sau khi khởi hành từ bến tàu ở Hồng Kông, bạn đã có thể đặt chân đến thiên đường yên bình này. Không gian ở đây rộng lớn và thời gian trôi qua thong thả, tạo nên một cảm giác yên bình và thư thái đến lạ thường, một cảm nhận trái ngược hẳn với nhịp sống hối hả thường thấy ở trung tâm Hồng Kông.
Có những chiếc bè nuôi cá ngay trên mặt nước trước nhà. Đây là một khung cảnh rất "Hồng Kông". Mỗi khi Stefanie bước vào bếp, thỉnh thoảng cô cũng nhìn thấy những chú cá nhảy lên khỏi mặt nước.
Đi thuyền đến đây và sau khi đến bến tàu riêng, bạn có thể nhìn thấy hai ngôi nhà màu trắng, mỗi ngôi nhà cao 2 tầng. Ngoài nhà có hai con nai được làm bằng sắt, nơi này còn được gọi là thôn Lư Châu.
Ngôi nhà của chúng tôi mở ra không gian sinh hoạt ấm cúng ngay từ tầng một là phòng khách. Phía sau là khu vực bếp và phòng ăn. Tầng hai là nơi riêng tư, mỗi bên là một phòng ngủ, tách biệt nhưng vẫn kết nối thông qua sân thượng mở rộng giữa những khoảng không, tạo điểm nhấn cho việc giao lưu và chia sẻ.
"Công cuộc tái tạo ngôi nhà này chính là dự án chung của gia đình chúng tôi, một sự kết hợp của bố mẹ, anh trai và tôi - mỗi người đều đóng góp một phần tâm huyết của mình. Chúng tôi luôn quan niệm rằng, ngôi nhà nằm giữa vùng vịnh hữu tình này phải là một phần của thiên nhiên, một sự mở rộng gắn kết với không gian bên ngoài, đem đến những góc nhìn đẹp đẽ, một nơi để thư giãn và tận hưởng những điều thú vị của cuộc sống" - Stefanie hào hứng chia sẻ.
Rất nhiều gỗ tàu cũ được sử dụng trong và ngoài nhà, chẳng hạn như sàn của bến thuyền.
Ba mẹ của Stefanie đều là kiến trúc sư. Ba chịu trách nhiệm chính về việc thiết kế ngôi nhà. Ông đã đặt một lượng lớn gỗ tàu cũ lên bến tàu, các bức tường bên ngoài và bên trong.
Những phần có thể mở cửa sổ và sử dụng vách kính nên "mở" ra biển càng nhiều càng tốt. Ghế sofa và đồ nội thất hầu hết được làm bằng màu xanh lam, làm đậm thêm màu sắc của biển cả.
Góc yêu thích của Stefanie nằm bên cạnh ngôi nhà, nơi có một chiếc bục gỗ được tái chế từ vật liệu gỗ đóng tàu xưa cũ. "Ngay cạnh nhà, một cây cổ thụ đứng sừng sững như một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ. Tôi mê mẩn việc đứng trên bục gỗ, phóng tầm mắt qua 'khung cửa sổ' tự nhiên này và ngắm nhìn bức tranh biển rộng lớn bên ngoài. Đằng xa, những tòa nhà chọc trời mờ ảo hiện lên, tạo nên một quang cảnh đầy mê hoặc" , Stefanie chia sẻ.
Bức tranh tường do mẹ của Stefanie và giáo viên dạy vẽ của cô hoàn thành.
Trong mỗi phòng ngủ, có một bức tranh chiếm toàn bộ bức tường. Nó được hoàn thành bởi mẹ cô với sự cộng tác của giáo viên hội họa Marco Szeto.
Stefanie tự xưng là "bếp trưởng" của gia đình, luôn đảm nhận vai trò chủ chốt trong không gian ẩm thực của nhà mình. Cô đã mời những chuyên gia đến thiết kế và lắp đặt các trang thiết bị bếp hiện đại. Không gian bếp và bàn ăn được tích hợp trong cùng một phòng, tạo nên một sự gắn kết mật thiết giữa người nấu và người thưởng thức, mọi người có thể tương tác và chia sẻ với nhau suốt bữa ăn.
"Với tôi, việc nấu nướng là một hành trình nghệ thuật. Từng đĩa thức ăn nhanh chóng lần lượt xuất hiện trên bàn, dưới ánh mắt của mọi người đang thưởng thức và tò mò về món tiếp theo. Đôi khi, bếp của tôi nhộn nhịp đến nỗi chứa hơn mười chiếc bánh soufflé cùng một lúc. Và không gì sánh bằng cảm giác mở cửa lò, để hơi nóng bốc lên, và nghe thấy tiếng thốt lên "Ồ!" từ mọi người - đó là khoảnh khắc hạnh phúc, khi tôi biết mình đã chạm đến trái tim của họ qua từng món ăn".
Stefanie có được niềm vui từ khu vườn trên cao, nơi cô bạn thân thiết đã tạo nên một không gian xanh mát. Mái nhà là nơi tươi tốt của các loại thảo dược dùng trong bếp và hoa ăn được, chúng không chỉ thêm hương vị cho món ăn mà còn dễ dàng thu hoạch. "Ở đây nắng rất nóng, lại có bão nên tôi cố gắng trồng những loại cây đơn giản. Đơn giản nhưng có thể đưa con người đến gần với thiên nhiên hơ n", Stefanie chia sẻ.
Sống với đam mê 12 tiếng mỗi ngày
Cuối năm 2019, việc cải tạo nhà nghỉ dưỡng đã hoàn thành. Stefanie còn nhớ rõ trưa ngày 22/12/2019, cô nấu bữa ăn đầu tiên tại đây cho gia đình và người thân. Đó cũng là lúc cô chính thức khẳng định mình trong vai trò của một đầu bếp chuyên nghiệp.
"Khi người thân và bạn bè ghé thăm, họ thường mong được thư giãn trên những chiếc ghế sofa ngoài trời, nhìn ngắm biển xanh và thưởng thức cà phê. Tôi không ngần ngại mà nói rằng, suốt ba năm nay, tôi ít khi có cơ hội tận hưởng những khoảnh khắc bình yên ấy. Với mong muốn trở thành một đầu bếp, tôi đã hình dung ra một không gian lý tưởng để có thể chia sẻ những món ăn của mình một cách thoải mái nhất, đó là lý do tại sao tôi chỉ đón tiếp những lời mời từ bạn bè tại nhà nghỉ của mình. Tôi chuẩn bị bữa tối cho khoảng 10 đến 12 người một lúc, với thực đơn do chính tôi thiết kế. Hiện tại, tôi đặt chân đến đây hàng tuần, dành trọn 5 ngày ở nhà nghỉ và làm việc ít nhất 12 tiếng mỗi ngày, trước khi trở về thành phố vào mỗi đêm".
Stefanie đã dành 5 năm tuổi trẻ để theo đuổi sự nghiệp luật sư tại Hồng Kông sau khi tốt nghiệp trường đại học. Tuy nhiên, niềm đam mê ẩm thực từ thuở nhỏ luôn thôi thúc trong cô. Trong suốt thời gian qua, Stefanie đã miệt mài suy tư về quyết định đặt cược tất cả sự can đảm của mình vào việc theo đuổi đam mê ấy.
"Tôi nghĩ, đồ ăn không chỉ là thức ăn mà còn là kho báu của ký ức", Stefanie chia sẻ. "Khi còn học tiểu học, tôi đã sống cùng ông bà ngoại ở một ngôi nhà nhỏ. Mỗi tối, có một cụ già thường đứng bán những chiếc bánh to phía gần nhà tôi. Ông bà tôi thường mua cho tôi những que bột chiên giòn tan" , cô nhớ lại. "Có thể giờ đây món ăn ấy không còn xuất hiện nữa, nhưng hương vị của nó, cùng với bầu không khí ấm áp của những ngày đông và những niềm vọng mộng lớn lao, vẫn in đậm trong tâm trí tôi sau hơn ba thập kỷ".
Trong quãng thời gian làm luật sư, Stefanie đã phát động một sáng kiến tuyệt vời: Cuối mỗi tuần, cô đứng bếp nấu những bữa ăn ngon lành cho đám bạn thân. Tất cả số tiền thu được từ những bữa tiệc này, sau khi trừ đi chi phí cho nguyên liệu, sẽ được chuyển thành những khoản đóng góp ý nghĩa cho các tổ chức phi lợi nhuận địa phương.
Dự án không những giúp Stefanie rèn luyện kỹ năng nấu nướng của mình, mà còn mang lại cơ hội cho cô chung tay hỗ trợ cộng đồng. Hơn nữa, qua mỗi bữa tiệc, Stefanie cũng kết nối được với nhiều người mới, mở rộng mạng lưới quan hệ của mình.
Sau quá trình gây quỹ kéo dài hơn hai năm, cô nhận thấy mỗi ngày cô đều nghĩ xem cuối tuần sau sẽ nấu món gì, đồng thời cảm thấy kiến thức ẩm thực của mình còn nhiều hạn chế. Đến năm 2015, cận kề tuổi 30, cô quyết định từ bỏ công việc luật sư để chuyển hướng sang lĩnh vực đam mê – ẩm thực Pháp. Cô chọn "Le Cordon Bleu" tại London, Anh – một trường dạy nấu ăn danh tiếng, để theo đuổi khóa học trong suốt một năm. Tại đây, cô được tiếp xúc với vô số kiến thức chuyên sâu và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, cô đã có cơ hội làm việc tại các nhà hàng Michelin danh tiếng.
Làm việc trong những nhà hàng hàng đầu đòi hỏi không chỉ sự sáng tạo mà còn cả sức khỏe dẻo dai. "Trong khoảng thời gian thực tập tại nhà hàng Michelin, tôi đã trải qua những ngày dài 17 tiếng làm việc không ngừng nghỉ, bắt đầu từ 8 giờ sáng và chỉ kết thúc khi đồng hồ điểm qua 1 giờ sáng hôm sau. Áp lực từ đầu bếp là vô cùng lớn, buộc tôi phải không ngừng thích nghi và cải thiện bản thân cả về mặt thể chất lẫn tinh thần để đáp ứng được những yêu cầu khắt khe nhất".
Stefanie quay về Hồng Kông mang theo kỳ vọng về một cuộc sống lý tưởng, nhưng hàng ngày vẫn gặp phải những trở ngại bất ngờ. Dù ở trong khu nghỉ mát được ví như thiên đường mang lại hạnh phúc ngập tràn cho bất kì ai ghé thăm, cô tiếp tục đương đầu với những thách thức: Từ những trận bão bất chợt, sự cố hỏng hóc thiết bị bếp không thể sửa ngay lập tức, cho đến việc duy trì phương tiện đi lại duy nhất là thuyền, hoặc cảm giác tự hoài nghi khi thực đơn mới không nhận được sự phản hồi nồng nhiệt từ bạn bè.
Stefanie nhớ lại lời khuyên của thầy giáo mình tại Le Cordon Bleu, rằng sự kiên trì là chìa khóa để tồn tại trong ngành nghề đầy khốc liệt này - không phải là ai nấu ngon hơn hay có tài năng hơn, mà là ai có ý chí mạnh mẽ để vượt qua mọi khó khăn. "Đó chính là bài học quý giá nhất mà tôi học được. Bất cứ khi nào tôi gặp khó khăn, tôi chỉ nghĩ về điều này và kiên trì thực hiện nó" - Stefanie chia sẻ.
Mua nguyên liệu và đi thuyền ra đảo; Thời gian để ngồi nói chuyện và cười thật là hiếm hoi
Mặc dù có đến bốn hoặc năm người giúp việc, nhưng mỗi sáng vào khoảng 10 giờ, trong ngày làm việc của mình, cô vẫn tự mình đến chợ để tìm kiếm những nguyên liệu tươi ngon nhất, rồi lên thuyền tiến về hòn đảo yên bình và khởi đầu công đoạn chuẩn bị cho một bữa tối đầy hương vị.
Khi mặt trời dần buông xuống khoảng 6 giờ tối, thực khách lần lượt tới nơi. Họ được đón tiếp với những cuộc trò chuyện thân mật và giới thiệu về từng món ăn đặc sắc trước khi bước vào một bữa tối thượng hạng trôi qua hơn hai giờ đồng hồ.
Đến 10 giờ đêm, khách lại lên đường trở về. Có những lúc, Stefanie cần ở lại hơn một chút để dọn dẹp và chuẩn bị cho ngày mới, nhưng bình thường cô sẽ về tới nhà ở thành phố vào khoảng nửa đêm. "Một số người mới tôi gặp ở đây hóa ra là những người bạn rất tốt. Họ thường xuyên đến thăm. Tôi đã học được nhiều hơn những gì tôi tưởng tượng".
"Mặc dù rất bận rộn, thậm chí mỗi ngày đều nấu ăn nhưng khi ngước mắt nhìn ra ngoài, tôi có cảm giác như đang đi nghỉ mát. Tôi mong tình yêu này sẽ không bị suy giảm. Niềm đam mê dành cho món ăn chắc chắn sẽ được mọi người trân trọng và những ai thưởng thức chúng sẽ cảm nhận được tình cảm ấy. Làm việc mình thích, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy kiệt sức".
Nấu ăn không phải là tất cả cuộc sống của Stefanie trong ngôi nhà này.
Cô chia sẻ: "Có những khoảnh khắc, sau khi hoàn thành công việc, tôi tìm kiếm những phút giây thảnh thơi bên chiếc piano trong phòng ngủ. Chỉ cần khoảng hai mươi phút đắm chìm trong âm nhạc, tôi đã cảm nhận được sự thanh bình vô cùng. Tôi luôn nỗ lực đưa thêm niềm đam mê vào không gian sống của mình. Gần đây, niềm vui mới mẻ mà tôi tìm thấy chính là nghệ thuật cắm hoa, và đôi khi, tôi lại dành thời gian để tạo nên những bình hoa rực rỡ, tự tay làm đẹp cho tổ ấm của mình. Trước đây, mọi người thường nhấn mạnh việc giữ cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Nhưng ngày nay, xu hướng chú trọng tìm kiếm sự hài hòa, làm sao cho công việc và những niềm đam mê trong cuộc sống có thể tồn tại song hành, đang dần trở nên phổ biến".
03 "Tôi không muốn đây chỉ là một ngôi nhà đẹp"
Stefanie lạc bước giữa nhịp sống sôi động của chợ Cửu Long, nơi mang dáng vẻ của một "thành phố thu nhỏ" với hương vị đến từ muôn nơi trên thế giới. Trong khu chợ quen thuộc này, cô lần lượt ghé thăm những sạp hàng yêu thích: Từ quầy hải sản địa phương nơi cô chọn lựa nghêu tươi ngon, đến tiệm tạp hóa mang phong cách Thượng Hải với những lát xúc xích và giăm bông Kim Hoa thơm ngon, và không thể bỏ qua cửa hàng của người Triều Châu, nơi những sản vật đặc sắc luôn sẵn sàng chào đón. Dọc theo hành trình mua sắm, Stefanie còn kịp trò chuyện, trao đổi những câu chuyện thân tình cùng các tiểu thương.
"Khi tôi học tại Le Cordon Bleu, một bài kiểm tra cuối học kỳ mà tôi nhớ mãi là việc chế biến món súp cá mang đậm phong cách miền Nam nước Pháp. Giáo viên của tôi từng nói, tiêu chí đánh giá món súp không đơn thuần nằm ở kỹ thuật, mà còn ở việc liệu bạn có thể gợi lên hương vị đặc trưng của vùng Provence hay không.
Mặc dù một số bạn cùng lớp bật cười, cho rằng ý tưởng đó không tưởng, nhưng thực chất thầy đang muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu sâu sắc văn hóa và nguồn gốc của từng món ăn mà chúng ta thực hiện, không chỉ đơn giản là tuân thủ công thức".
Về phần bữa trưa sau này, chúng ta sẽ thưởng thức những nguyên liệu đã được lựa chọn kỹ lưỡng. Mặc dù món khai vị được chế biến theo phong cách ẩm thực Pháp, bạn vẫn có thể cảm nhận được hương vị tinh tế của biển cả thuộc về Trung Quốc.
Món khai vị: Nghêu tươi. Những chiếc đĩa này được các thợ gốm địa phương làm theo yêu cầu riêng và có các cạnh giống như sóng biển.
Nghêu sau khi được rửa sạch, nhẹ nhàng chần qua nước sôi, sau đó thái thành những lát mỏng, tẩm ướp với dầu tiêu đậm đà hương vị Tứ Xuyên, rồi để nghỉ trong một thời gian ngắn để hương vị thấm đượm. Bày biện lên đĩa bên cạnh lá rau diếp xanh mướt và dưa ngọt mát, đặc biệt được điểm tô bằng vài giọt nước bơ thơm béo và những bông hoa ăn được rực rỡ. Nghêu vẫn giữ được độ tươi nguyên và mềm mại tự nhiên, hòa cùng chút cay nồng nơi đầu lưỡi, hạt tiêu Tứ Xuyên thức tỉnh từng giác quan, làm nên một món khai vị không thể quên.
"Trước đây khi làm việc tại một số nhà hàng, dù ở London, Đài Trung hay Hồng Kông, tôi luôn trân trọng những giây phút được chứng kiến mỗi khi đầu bếp sử dụng nguyên liệu địa phương dựa trên ẩm thực Pháp. Chính vì thế, mỗi khi tôi chế biến món ăn, tôi cũng không ngừng nỗ lực để khéo léo kết hợp những sản vật quê hương mình, từ đó tạo ra sự hòa quyện độc đáo, mang dấu ấn riêng không lẫn vào đâu được".
Bản sắc địa phương không chỉ hiện hữu qua thức ăn. Trong quá trình chuyển đổi căn nhà thành khu nghỉ dưỡng, Stefanie đã từng bước làm quen với những người hàng xóm trên đảo. Cô kết bạn với Nick Poon, một nghệ sĩ gốm sứ của đảo Lamma, người được mời tạo ra những chiếc đĩa ẩm thực với đường viền uốn lượn như những con sóng biển. Stefanie còn đặt hàng một thợ thủ công ở Sài Gòn (Việt Nam) chế tác nến thơm, với mùi hương đặc trưng phản ánh hương vị của một món ăn trên thực đơn, đựng trong chậu gốm đất sét, tượng trưng cho sự hòa quyện giữa Sài Gòn và Lamma. Những người hàng xóm cùng vịnh, sống trong những ngôi nhà trắng tinh khôi, thường đến thăm bằng thuyền để cùng nhau thưởng thức bữa tối...
"Tôi không muốn nơi này chỉ là căn nhà xinh đẹp, một quán ăn ngon hay một khu nghỉ mát thuần tuý để thư giãn. Tôi khao khát mang đến cho gia đình và bạn bè một trải nghiệm trọn vẹn về cuộc sống địa phương. Tôi muốn thu hút những người cùng tâm huyết, biến không gian này thành điểm đến của nghệ thuật đa dạng và phong phú".
Món tráng miệng: Bánh madeleine.
Kết thúc bữa trưa, Stefanie đã chuẩn bị đồ tráng miệng: Những chiếc bánh madeleine mềm mại và thơm lừng cùng với hương vị đậm đà của sô-cô-la hảo hạng, mỗi thành phần đều được sắp xếp tỉ mỉ trong chiếc bát sứ ba tầng. Hương vị rượu Trung Hoa thấm đượm trong sô-cô-la khiến nó chảy mịn trên đầu lưỡi, mang đến cảm giác tan chảy ngây ngất. Phần đáy của bánh madeleine được tô điểm bằng lớp gừng cát mịn màng và những lá trà Da Hong Pao thượng hạng - một sự kết hợp màu sắc và hương vị. Bánh chứa đựng hương vị ngọt ngào của mật ong thuần khiết, nguồn gốc từ một trang trại ong bé nhỏ tọa lạc trên đảo Lamma xinh đẹp. Qua bữa trưa, không gian núi non và biển cả bao la của đảo Lamma dường như hiện hữu ngay trong từng miếng tráng miệng mà thực khách đến đây thưởng thức.
Đời sống và pháp luật