MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nữ 'người sắt' Lâm Túc Ngân kể cuộc đấu trí chinh phục Ironman khắp 5 châu

08-02-2024 - 12:27 PM | Sống

"Người Việt Nam đầu tiên chinh phục Ironman & Ironman 70.3 khắp 5 châu" - trang Facebook của cô gái 29 tuổi Lâm Túc Ngân ghim bài viết này ở vị trí cao nhất.

Ironman, như tên gọi, là cuộc thi của những "người sắt", nơi thử thách sức mạnh thể chất, sự dẻo dai, sức chịu đựng và ý chí. Tham gia và hoàn thành được đủ 3 môn cũng là một thành tích đáng nể, chưa nói đến thứ hạng. Đây không phải môn thể thao phong trào.

Nữ 'người sắt' Lâm Túc Ngân kể cuộc đấu trí chinh phục Ironman khắp 5 châu- Ảnh 1.

Lâm Túc Ngân - "Người Việt Nam đầu tiên chinh phục Ironman & Ironman 70.3 khắp 5 châu"

Đam mê thôi chưa đủ

Không phải cứ chạy bộ, đạp xe và bơi được là đủ để thực hiện 3 môn phối hợp của Ironman. Môn thể thao thách thức giới hạn này không phải chỉ có đam mê là được.

Tập luyện 3 môn phối hợp đòi hỏi sự nghiêm túc mà ở đó người tham gia không thể chỉ nói chuyện đam mê mà không có sự tính toán. Đây là bài toán đầu tư. Thử thách về sức bền không chỉ áp dụng với bản thân vận động viên mà trước tiên là cho… túi tiền của họ.

“Thời gian, tiền bạc - cho thiết bị, trang phục - để theo đuổi môn này rất lớn. Tôi may mắn luôn được sự hậu thuẫn từ gia đình, công ty, anh chị bạn bè trong cộng đồng từ những ngày đầu tiên” , Lâm Túc Ngân chia sẻ.

Vé đăng kí tham dự một giải Ironman khoảng 900 USD. Giải đấu lớn nhất là Ironman World Championship, vé tham dự mà VĐV phải đóng sau khi giành được suất là trên 1.500 USD (khoảng 36 triệu đồng).

Tuy nhiên, để được góp mặt ở giải vô địch thế giới, vận động viên bắt buộc phải tham dự các giải Ironman khác trong hệ thống và tranh được suất, có nghĩa là phải nhân “900 USD” lên nhiều lần.

Đó vẫn chưa phải khoản chi tốn kém nhất khi theo đuổi Ironman. Clement Vanacker, vận động viên chuyên nghiệp người Pháp, cho biết anh tốn khoảng 5.000 USD mỗi năm cho trang thiết bị phục vụ việc tập luyện và thi đấu. Trọn bộ "đồ nghề" cho dân chơi 3 môn phối hợp có thể tốn đến gần 20.000 USD nếu là loại tốt nhất.

Nữ 'người sắt' Lâm Túc Ngân kể cuộc đấu trí chinh phục Ironman khắp 5 châu- Ảnh 2.

Nữ 'người sắt' Lâm Túc Ngân kể cuộc đấu trí chinh phục Ironman khắp 5 châu- Ảnh 3.

Nữ 'người sắt' Lâm Túc Ngân kể cuộc đấu trí chinh phục Ironman khắp 5 châu- Ảnh 4.

"Môn thể thao thách thức giới hạn này không phải chỉ có đam mê là được"

Đối với Lâm Túc Ngân, khi tham dự các giải quốc tế, cô còn tốn thêm chi phí đi lại, ăn ở, visa. Vé máy bay từ Việt Nam sang châu Âu, châu Mỹ thì đương nhiên không rẻ. Tự túc hết các khoản chi phí này - không chỉ một lần, một năm, mà trong nhiều năm - có lẽ là hơi “nặng”.

Lâm Túc Ngân thường vận động tài trợ từ các nhãn hàng. Đôi khi cô cũng phải tạm ứng các khoản từ gia đình, bạn bè để đầu tư trước, và hoàn trả sau đó. Ngân xem đó như việc đầu tư vào một dự án, những khoản tiền này cần phải được tính toán hợp lý, đã là đầu tư thì sẽ là bài toán lợi nhuận.

Lâm Túc Ngân tâm sự: “Xác định vận động viên là nghề nghiệp, tôi phải tính bài toán tối ưu chi phí. Chi phí tôi bỏ ra để đầu tư cho bản thân đi thi được xem là một khoản đầu tư, sau đó các thương hiệu hợp tác thì sẽ là ‘hòa vốn’ và sau đó là lợi nhuận. Điểm hòa vốn sẽ được dự toán một các hợp lý nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro. Đam mê là một chuyện nhưng khi có thể đem lại lợi ích kinh tế lại có thể giúp mình duy trì dài lâu”.

Trò chơi tâm lý

Chuyện quan trọng phải nói 2 lần: Ironman không phải môn thể thao mà bất cứ ai cũng có thể lao vào chỉ với niềm đam mê và những câu khẩu hiệu. Những “người sắt” có thể chỉ là dân phong trào, nhưng cách họ “chơi” môn thể thao này không phải như vậy.

“Đối với tôi, ba môn phối hợp là trò chơi tâm lý với chính mình. Để chơi được, phải hiểu rõ mọi thứ về bản thân”, Lâm Túc Ngân chia sẻ.

“Mọi người hay hiểu nhầm tôi là một vận động viên chuyên nghiệp, nhưng không phải vậy. Tôi chỉ là người chơi theo phong trào nhưng cách tôi ‘chơi’ khá chuyên nghiệp”.

“Chơi” 3 môn phối hợp kiểu phong trào không dễ, thậm chí khó hơn dân chuyên nghiệp. Họ chỉ có một mình, không ê-kíp và có nhiều thứ phải tính toán hơn là chỉ lao vào thử thách giới hạn về thể chất.

Có một kỹ năng ít được nhắc tới trong việc thi đấu thể thao nhưng trong trường hợp của những người như Lâm Túc Ngân lại có một vai trò không nhỏ. Đó là kỹ năng… quản trị.

Cân bằng cuộc sống cá nhân với việc luyện tập và đầu tư cho cuộc chơi đòi hỏi rất nhiều sự tập trung và nghiêm túc chẳng phải chuyện đơn giản.

Nữ 'người sắt' Lâm Túc Ngân kể cuộc đấu trí chinh phục Ironman khắp 5 châu- Ảnh 5.

Nữ 'người sắt' Lâm Túc Ngân kể cuộc đấu trí chinh phục Ironman khắp 5 châu- Ảnh 6.

Nữ 'người sắt' Lâm Túc Ngân kể cuộc đấu trí chinh phục Ironman khắp 5 châu- Ảnh 7.

“Tôi là kiểu người luôn lập các kế hoạch, các phương án dự phòng để bản thân không rơi vào thế bị động”, Lâm Túc Ngân chia sẻ.

“Ý chí mạnh mẽ là yếu tố quan trọng trong việc vượt qua khó khăn, nhưng không phải lúc nào chúng cũng đủ để giải quyết mọi tình huống. Trong thể thao, sự chuẩn bị cẩn thận, luyện tập thể lực, trao dồi kỹ năng, sự tập trung và kế hoạch đóng vai trò rất quan trọng. Đó là điều mà tôi muốn thẳng thắn với cộng đồng người chơi triathlon để họ không bị lầm tưởng bởi những lời hô hào”.

Nhấn mạnh vào yếu tố đam mê và những câu chuyện truyền cảm hứng phần nào đó tạo ra mặt trái của việc xây dựng phong trào ở các môn thể thao.

Những lời hô hào đó chỉ có tác dụng ở giai đoạn khởi đầu và làm quen. Với những người dấn sâu vào cuộc chơi và bắt đầu đặt ra cho mình những mục tiêu, thử thách tăng dần, lao vào bằng bản năng mà không có sự tính toán là một sai lầm rất lớn.

Đó là thông điệp mà Lâm Túc Ngân - tự đặt mình vào sứ mệnh người mở đường - muốn truyền đến cộng đồng.

Nữ 'người sắt' Lâm Túc Ngân kể cuộc đấu trí chinh phục Ironman khắp 5 châu- Ảnh 8.

Cộng đồng triathlon (3 môn phối hợp) tại Việt Nam chưa phát triển mạnh và dấu ấn tại các giải quốc tế không nhiều. Nữ vận động viên sinh năm 1994 là gương mặt người Việt hiếm hoi xuất hiện ở các giải Ironman quốc tế.

Tháng 9/2023, Lâm Túc Ngân hoàn thành mục tiêu chinh phục Ironman ở 5 châu lục. Cô gái 29 tuổi không coi đó là cột mốc của riêng cá nhân mình.

Nhìn lại các giải đấu thế giới, chỉ có một mình tôi mang cờ Việt Nam. Năm vừa rồi có thêm chị Vũ Phương Thanh (người Việt Nam đầu tiên vô địch ultra-triathlon quốc tế). Hai chị em đi cùng hỗ trợ cho nhau rất vui. Đối với tôi, chuyện này không chỉ là thành tích cá nhân mà còn mang ý nghĩa gắn kết đồng bào, thể hiện hình ảnh quốc gia trong cộng đồng quốc tế ”, Lâm Túc Ngân chia sẻ.


Theo Trịnh Trang - Ngọc Anh/VTC News

VTC

Trở lên trên