Nữ nhân viên bảo hiểm chiếm đoạt hơn 2,7 tỷ đồng từ chuyển khoản hộ
Nguyễn Thị Lan Phương (51 tuổi, trú tại phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội) từng là nhân viên của Công ty Bảo hiểm nhân thọ. Trong thời gian làm nhân viên công ty này, Phương đã lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt của người quen 149.775 USD (tương đương hơn 2,7 tỷ đồng).
- 10-09-2018Thị trường bảo hiểm Việt Nam đang rất hấp dẫn, M&A sẽ rất sôi động trong thời gian tới?
- 05-09-2018Vụ cướp ở Vietcombank Khánh Hòa: Đã mua bảo hiểm nên không bị tổn thất về tài chính
Sau khi gây án, Phương bỏ trốn 9 năm mới bị bắt theo lệnh truy nã. Ngày 10-9, TAND TP Hà Nội mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử vụ án này.
Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, qua quan hệ xã hội, ông Bùi Ngọc Bích (57 tuổi, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) quen biết chị Nguyễn Cẩm My (37 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Cuối năm 2009, chị My nhờ ông Bích tìm người quen để chuyển giúp 149.775 USD cho ông Hồ Viết Lan (quê Thái Nguyên, đang cư trú ở nước ngoài) vào tài khoản của ông Lan mở tại TienphongBank. Thời điểm này, ông Bích quen biết Phương đang làm nhân viên của Công ty Bảo hiểm nhân thọ. Từ sự quen biết này, Phương tự giới thiệu có quan hệ thân thiết với nhiều cán bộ ngân hàng.
Bị cáo Phương tại phiên xử.
Do tin Phương nên ông Bích không yêu cầu viết giấy biên nhận. Nhận tiền, Phương hứa sẽ chuyển khoản ngay cho ông Lan nhưng nhiều ngày sau, Phương cũng không chuyển tiền như đã hứa. Khi ông Bích hỏi thì Phương nói dối là do trục trặc nên giờ mới làm được thủ tục chuyển tiền.Thấy vậy, ông Bích đã nhờ Phương chuyển hộ số tiền trên vào tài khoản của ông Lan. Hai bên thoả thuận chi phí “hoa hồng” chuyển tiền sẽ tính sau. Ngày 15-12-2009, ông Bích nhận số tiền trên từ chị My và giao luôn cho Phương để nhờ chuyển khoản giúp.
Và để ông Bích tin tưởng nên đến lúc này, Phương mới viết giấy biên nhận đã nhận số tiền 149.775 USD, đồng thời tự tạo các bản telex giả bằng tiếng Anh với nội dung đã chuyển tiền, rồi gửi vào email của ông Lan. Hơn một tuần kể từ khi giao tiền cho Phương, ông Bích được ông Lan thông báo vẫn chưa nhận được tiền chuyển.
Nghi ngờ Phương có hành vi gian dối nên ông Bích đến Ngân hàng TienphongBank tìm hiểu thì mới biết, số tiền trên Phương vẫn chưa hề làm thủ tục chuyển tiền. Khi bị ông Bích phát hiện ra sự việc, Phương thừa nhận chưa chuyển tiền và hứa sẽ hoàn trả lại cho ông đủ số tiền trên.
Tuy nhiên sau đó, Phương đã bỏ trốn cho đến ngày 16-4-2018 thì bị bắt theo lệnh truy nã. Quá trình điều tra, ông Bích đã tự bồi thường cho chị My, đồng thời yêu cầu Phương phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của ông.
Tại phiên xử, bị cáo Phương khai nhận, sau khi nhận số tiền trên từ ông Bích thì chồng cũ của bị cáo kể về việc do chơi cờ bạc bị thua và nợ nhiều người. Vì không có tiền trả nợ nên chồng cũ của Phương bị chủ nợ đe doạ sẽ làm hại vợ con và người thân trong gia đình. Sau khi kể khổ, chồng cũ của Phương hỏi vay tiền trong thời gian một tháng để giải quyết nợ nần.
Vì đang nuôi con nhỏ và sợ chủ nợ của chồng sẽ làm ảnh hưởng đến hai mẹ con nên Phương đã đưa toàn bộ số tiền đã nhận từ ông Bích cho chồng cũ vay. Quá trình điều tra lời khai này của Phương, cơ quan điều tra xác định, tháng 7-2011, do bị tai biến nên chồng cũ của Phương đã chết.
Ngoài lời khai của Phương thì không có tài liệu nào chứng minh việc Phương cho chồng cũ vay số tiền đã nhận từ ông Bích. Vì thế cơ quan điều tra xác định, Phương đã lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt của ông Bích số tiền trên.
Quá trình điều tra vụ án này, cơ quan điều tra còn nhận được đơn của ông Nguyễn Tiến Bằng (SN 1968, trú tại phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tố cáo Phương vay ông 15.000 bảng Anh nhưng không trả. Sau đó, ông Bằng đã nhiều lần tìm Phương để đòi tiền nhưng không gặp và cũng liên liên lạc được qua điện thoại. Liên quan đến lời khai của ông Bằng, cơ quan điều tra tạm tách rút tài liệu liên quan để tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý sau. Trước khi phiên tòa diễn ra, bị cáo Phương mới bồi thường được một ít số tiền đã chiếm đoạt cho bị hại.
Kết thúc phiên xử, Hội đồng xét xử xác định, hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của bị cáo Phương là rất nghiêm trọng. Không chỉ chiếm đoạt của bị hại số tiền rất lớn, bị cáo còn bỏ trốn một thời gian rất dài với mục đích trốn tránh trách nhiệm trả nợ.
Vì thế cần phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc để giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung. Với phán quyết trên, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Phương 16 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (khoản 4, Điều 175 BLHS năm 2015). Ngoài hình phạt tù, Hội đồng xét xử còn buộc bị cáo phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt cho bị hại.