Nữ tỷ phú Việt kể 'đám cưới 150 đầu bếp, nhiều chuyên cơ chưa từng thấy'
Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam kể về đám cưới “lớn nhất bà từng thấy” của tỷ phú Ấn Độ.
Thúc đẩy tư nhân phát triển
Phát biểu mở đầu Diễn đàn “Doanh nghiệp doanh nhân tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” do Ban Kinh tế Trung ương và Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam đồng tổ chức ngày 19/12, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, kể về đám cưới lớn nhất bà từng thấy của tỷ phú Ấn Độ.
“Mới đây một đám cưới của cặp đôi Ấn Độ tổ chức tại Khách sạn Sheraton, Đà Nẵng có tới 150 đầu bếp, và rất nhiều chuyên cơ. Đây là đám cưới lớn nhất mà tôi từng thấy” bà Nga nói. "Việc ngày càng có nhiều du khách tổ chức đám cưới tại Việt Nam chứng tỏ danh tiếng của du lịch Việt Nam ngày càng tăng. Cho nên, Việt Nam cần đẩy mạnh quảng bá và đầu tư cho phát triển du lịch; đồng thời nên xác định làm du lịch vì danh tiếng chứ không chỉ vì lợi nhuận”.
Nhiều tỷ phú chọn Việt Nam tổ chức đám cưới.
Bà Nga dẫn chứng câu chuyện này để nhấn mạnh việc cần xây dựng chiến lược phát triển du lịch vừa thu hút du khách phổ thông, vừa thu hút khách cao cấp.
Để nền kinh tế tư nhân phát triển, bà Nguyễn Thị Nga đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, cho rằng, ngoài các chính sách vĩ mô, cần đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, nên cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các lĩnh vực mà Nhà nước vẫn độc quyền như đường sắt, hạ tầng hàng không,...
Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may TP.HCM, lo lắng khi không chủ động được nguyên phụ liệu. Hiện có đến 80% nguyên phụ liệu cho ngành dệt may Việt Nam là nhập khẩu. Nhưng với các hiệp định thương mại đã ký, doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện nghiêm các quy định về nguồn gốc xuất xứ.
Báo cáo gần đây cho thấy ngành dệt may Việt Nam nhập 90% nguyên liệu bông; 100% sơ xợi tổng hợp từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc. Đây là những thị trường không tham gia CPTPP, vì thế nếu tiếp tục duy trì nhập sẽ không được hưởng các ưu đãi thuế quan đã ký.
Điều này gây ảnh hưởng đến giá, dẫn tới tỷ suất lợi nhuận của ngành dệt may Việt Nam rất thấp; nếu không có chính sách hỗ trợ, tỷ suất lợi nhuận có thể giảm và bằng 0.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng LienvietPostBank, lại đi sâu vào chủ đề chuyển đổi số trong nền kinh tế Việt Nam.
Dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cuộc cách mạng 4.0 mang đến cơ hội cho Việt Nam thay đổi, thực hiện khát vọng phồn vinh, ông Thắng chia sẻ: Để hiện thực được khát vọng bước lên con tàu 4.0, hội nhập kinh tế cần đến 3 thành tố.
Một là thể chế, nền tảng kiến tạo sự đổi mới. Thứ hai, chúng ta cần công nghệ, đổi mới sáng tạo, cải tiến ứng dụng sử dụng công nghệ cao. Thứ ba là con người, thành tố này bao gồm vai trò tiên quyết của doanh nghiệp Việt Nam.
Công nghệ cao đưa sản xuất đi lên |
Cải cách thể chế để phát triển hùng mạnh
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Tổng giám đốc Trung Nguyên International, nhận xét: “Thương trường vất vả, các doanh nhân phải ngày đêm chiến đấu, nỗ lực để phát triển doanh nghiệp, làm giàu cho gia đình cũng là làm giàu cho đất nước. Sự nghiêm minh của pháp luật giúp các doanh nghiệp yên tâm phát triển”.
"Là người Việt Nam, tôi luôn mong muốn giúp sức cho ngành cà phê Việt Nam, và giúp được nhiều hơn cho đất nước. Mong Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là tăng cường sự nghiêm minh của pháp luật để bảo vệ cho doanh nghiệp yên tâm phát triển trong nước cũng như vươn tầm quốc tế", bà nói thêm.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam (nay là Bộ Công Thương), cho rằng: Môi trường kinh doanh luôn bị hạn chế bởi thể chế, chính thể chế tạo ra khuôn khổ và giới hạn của cải cách môi trường kinh doanh. Chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp và giờ chúng ta phải đi xa hơn, thế nhưng cải cách cái gì tập trung vào đâu hiện chưa rõ.
Cải cách thể chế cần phải tập trung vào: Cải cách chế độ sở hữu, một là chế độ hạn điền của Luật Đất đai, không tạo được khu vực sản xuất lớn, hình thành chuỗi giá trị; Doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng hơn 30% GDP và vẫn độc quyền trong nhiều lĩnh vực, điều này hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân.
Ngoài ra, cải cách cơ chế quản trị quốc gia cũng vô cùng quan trọng. Theo quan điểm của ông Trương Đình Tuyển, tổ chức là sự sáp nhập và hình thành yếu tố hình thể, tổ chức như một cơ thể sống, tổ chức là đường dẫn cơ chế chính sách từ nhà nước đến người dân và doanh nghiệp. Cơ chế quản trị quốc gia trong đó có bộ máy tổ chức cực kỳ quan trọng.
“Tôi mong rằng chúng ta sẽ làm điều này rất nghiêm túc. Nghiên cứu lịch sử phát triển quốc gia, thời đại nào giải quyết tốt nhất những vấn đề này đều phát triển hùng mạnh”, ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh.
Vietnamnet