MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Núi lửa có nguy cơ phun trào khi Triều Tiên thử hạt nhân?

04-05-2017 - 08:58 AM | Tài chính quốc tế

Khi Triều Tiên thử hạt nhân, vụ nổ sẽ truyền năng lượng tới Trái đất, tiềm ẩn nguy cơ khiến núi lửa ở biên giới Trung Quốc - Triều Tiên phun trào.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có thể khiến Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử bom nguyên tử lần thứ 6, làm dấy lên quan ngại về những tác động địa chấn có thể khiến núi lửa Paektu, phía Trung Quốc gọi là Changbaishan, phun trào.

Bruce Bennett, một chuyên gia phân tích quốc phòng cao cấp của Tập đoàn Rand, lo ngại: “Đó sẽ là một vụ phun trào cực lớn, có thể giết hàng nghìn, thậm chí là hàng chục nghìn người Trung Quốc và Triều Tiên sống gần đó. Tuy chúng tôi chưa thể khẳng định quả bom hạt nhân của Triều Tiên sẽ đánh thức ngọn núi nhưng đó là điều đáng quan ngại”.

Theo Chương trình Núi lửa Toàn cầu Smithsonian, có khoảng 1,6 triệu người sống trong vòng bán kính 100 km xung quanh ngọn núi lửa. Trong khi đó, Paektu chỉ nằm cách bãi thử hạt nhân Punggye-ri 130 km. Nếu một vụ thử bom hạt nhân dưới lòng đất đủ lớn, nó có thể đánh thức ngọn núi lửa đang ngủ yên.

Núi lửa Paektu giữ vị trí quan trọng trong lịch sử Triều Tiên cổ đại. Nó được cho là nơi sinh của Dangun, người sáng lập vương triều Triều Tiên đầu tiên. Tuy nhiên, các nhà khoa học không thực sự biết nhiều về Paektu khi không được chính phủ Triều Tiên tạo điều kiện nghiên cứu.

Tiến sĩ địa chất học Amy Donovan là một trong số các nhà khoa học quốc tế, bao gồm những người Triều Tiên, chịu trách nhiệm nghiên cứu Paektu kể từ sau trận động đất những năm 2000. Theo Donovan, núi lửa Paektu chỉ có thể phun trào nếu Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân có sức công phá từ 50 tới 100 kilotons, lớn gấp nhiều lần so với vụ thử gần nhất là 10 kt.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đứng trên ngọn núi Paektu lúc mặt trời mọc. Ảnh: KCNA

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đứng trên ngọn núi Paektu lúc mặt trời mọc. Ảnh: KCNA

Núi lửa Paektu phun trào lần cuối cùng vào năm 1903. Tuy nhiên, năm 946, núi lửa này từng có đợt phun trào lớn kỷ lục, được coi là “vụ phun trào thiên niên kỷ”. Hiện nay, miệng núi Paektu là một hồ nước thơ mộng. Tuy nhiên, do không được nghiên cứu đầy đủ, các nhà khoa học không thể khẳng định mức độ nguy hiểm của Paektu.

Dù không tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu nhưng núi lửa Paektu là một phần quan trọng trong các hoạt động tuyên truyền của Triều Tiên. Gần đây, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải bức ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đứng trên núi Paektu lúc mặt trời mọc.

Núi lửa Paektu gắn liền với tên tuổi nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành, người cha lập quốc của Triền Tiên. Trong quá khứ, ông Kim Nhật Thành dùng ngọn núi để làm nơi ẩn náu khi chống lại quân đội Phát xít Nhật. Truyền thông Triều Tiên thường gọi nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành là “Người anh hùng huyền thoại núi Paektu” hay “Chỉ huy vĩ đại của núi Paektu”. Trong khi đó, Nhà lãnh đạo Kim Jong Il được sinh ra ở núi Paektu. Vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên được tiến hành dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong Il.

Dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong Un, chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng được đẩy mạnh với các vụ thử diễn ra liên tiếp. Trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang leo thang, nhà lãnh đạo Kim Jong Un có thể ra lệnh tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6. Bình Nhưỡng cũng liên tục thử tên lửa đạn đạo và thu nhỏ vũ khí hạt nhân thành đầu đạn để tăng cường khả năng tấn công.

Thiên Thanh

CNN

Trở lên trên