"Nuôi dạy con cái bằng lợi thế gia đình": Chia sẻ gây bão từ chuyên gia tiếp thêm động lực cho hàng ngàn phụ huynh trong việc đồng hành cùng con
Gia đình trí thức; Gia đình doanh nhân; Gia đình bất lợi; Gia đình bình thường, trung lưu... đều có lợi thế riêng trong việc nuôi dạy con, chỉ cần bố mẹ lưu ý những điều sau đây.
- 21-09-2021Rửa bát sai cách không khác gì "nuôi" cả ổ vi khuẩn trong nhà, ăn vào miệng là tự đầu độc bản thân: Chị em cần nhớ kỹ 5 sai lầm sau
- 21-09-2021Tỷ phú Phạm Nhật Vượng quan niệm “Tiền chỉ là công cụ, gia đình mới là hạnh phúc tuổi già”, còn các doanh nhân khác thì sao?
- 18-09-2021Chàng trai 29 tuổi đột nhiên phát hiện ung thư, bác sĩ cảnh báo nguyên nhân do thường xuyên ăn 1 món đậu phụ: Cẩn trọng trước những thói quen hại chết cơ thể
Chúng ta ai cũng biết môi trường gia đình ảnh hưởng như thế nào tới giáo dục trẻ em, và mỗi gia đình là một hoàn cảnh khác biệt. Làm thế nào để tận dụng hoàn cảnh gia đình một cách tối đa cho việc giáo dục con cái? Xin chia sẻ về cách thức các gia đình khác nhau dùng chính hoàn cảnh của gia đình như một lợi thế trong việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái từ chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên.
1. Gia đình trí thức
Đặc điểm chung của gia đình trí thức là cha mẹ có học vấn cao, thường làm những công việc đòi hỏi trình độ chất xám cao. Gia đình trí thức thường có lối sống giản dị, gương mẫu, coi trọng học vấn, các giá trị văn hóa tinh thần và cha mẹ có thể là những tấm gương tốt cho con cái trong việc học tập và cống hiến xã hội vì bản thân họ đã từng học tập, làm việc thành công và được xã hội công nhận.
Những cha mẹ trí thức thường ham hiểu biết, tin vào giá trị của học tập, của đọc sách và điều đó lan tỏa một cách tự nhiên sang thế hệ thứ hai.(Ảnh minh họa)
Những cha mẹ trí thức thường ham hiểu biết, tin vào giá trị của học tập, của đọc sách và điều đó lan tỏa một cách tự nhiên sang thế hệ thứ hai. Tiếp xúc hay đến nhà một gia đình trí thức rất thú vị, vì họ thường có triết lý sống riêng, có văn hóa gia đình riêng, có chuẩn mực cao cũng như đặt kỳ vọng cao vào con cái.
Đặc điểm chung của giáo dục con cái trong gia đình trí thức là nghiêm khắc một cách có hiểu biết, nhưng ân cần, nhẹ nhàng với con cái, và giáo dục có phương pháp, có nguyên tắc chứ không tùy tiện. Dù ở phương Đông hay phương Tây, gia đình trí thức cũng lưu giữ những giá trị rất tương đồng.
2. Gia đình doanh nhân
Lợi thế đặc biệt của cha mẹ doanh nhân là năng lực giải quyết vấn đề trong thực tiễn. Trẻ em được cha mẹ doanh nhân huấn luyện thường có bản lĩnh, khả năng thích ứng cao, khả năng giải quyết vấn đề khó khăn cao. Doanh nhân là một nghề áp lực, và phép thử với sự thành công của họ không phải là lý thuyết mà là thực tế cuộc sống.
Doanh nhân cũng thường là những người kiếm được tiền nhiều hơn trong xã hội, do vậy họ thường dạy cho con cái về cách kiếm tiền, cách sử dụng tiền. (Ảnh minh họa)
Doanh nhân cũng thường là những người kiếm được tiền nhiều hơn trong xã hội, do vậy họ thường dạy cho con cái về cách kiếm tiền, cách sử dụng tiền, cách thức cạnh tranh, cách vượt lên thất bại. Rất nhiều gia đình doanh nhân lớn ở Việt Nam nuôi dạy con cái rất chu đáo, con cái vào học những trường danh tiếng hàng đầu tại Anh, Mỹ và tiếp tục thành công khi kế thừa việc quản lý kinh doanh của gia đình.
3. Gia đình bất lợi
Trẻ em trong các gia đình bất lợi như không có đủ cha mẹ, hay hoàn cảnh kinh tế khó khăn, vv… có thể biến hoàn cảnh thành lợi thế nếu các em được định hướng tốt từ cha mẹ, người thân, hoặc những người quan tâm khác. Tôi từng có cơ hội thực hiện một số chương trình trao học bổng cho học sinh khó khăn ở những vùng vô cùng khó khăn, nhưng thật bất ngờ, tôi nhận thấy có những cha mẹ nghèo khó ở những nơi xa xôi như vậy lại làm những điều hết sức khoa học và có tính giáo dục cao cho con.
Ví dụ: Trong nhà có góc học tập được ưu tiên, từng tấm bằng khen hay huy chương của con cái được trưng bày trang trọng khiến đứa trẻ tự hào, cha mẹ luôn cho con cái hiểu đúng hoàn cảnh của mình thay vì chiều chuộng hay gây ảo tưởng, cha mẹ đặt kỳ vọng cao, mong mỏi cao ở con cái nhưng không gây áp lực, cha mẹ sống tự nhiên, chan hòa với hoàn cảnh và cộng đồng nhỏ xung quanh, cha mẹ tích cực dạy con về nề nếp, ăn nói, sắp xếp tổ chức công việc nhà…
Thậm chí tôi biết những nhà rất nghèo, khi con đạt thành tích tốt trong năm học, họ chạy xe rất xa, rất vất vả để con được một phần thưởng là "nhìn thấy biển". Đằng sau những việc làm bình thường của những cha mẹ như vậy là những phương pháp giáo dục rất khoa học, rất tích cực mà chúng ta không ngờ tới.
Những đứa trẻ trong các gia đình bất lợi lại được trao cho vũ khí mạnh mẽ để trưởng thành, đó là động lực thành công, bản lĩnh, sự bền bỉ, sức chịu đựng, ý chí vươn lên. Việt Nam còn là một nước nghèo với thế giới, trong một chừng mực nào đó cha mẹ Việt Nam có thể tận dụng lợi thế của một nước nghèo để nuôi dạy một công dân toàn cầu từ Việt Nam theo cách tương tự.
4. Gia đình bình thường, trung lưu
Lợi thế của gia đình trung lưu là hoàn cảnh có tính đại trà như nhiều gia đình khác, và đó cũng là một lợi thế trong giáo dục trẻ. Trẻ có được sự bình thường khác hẳn với trẻ trong những gia đình đặc biệt hoặc cực đoan, như cha mẹ là quan chức, tỷ phú, ngôi sao nghệ thuật – thể thao nổi tiếng. Điều này thúc đẩy trẻ dễ dàng hòa nhập với cuộc sống thường ngày thông qua nếp sống của cha mẹ, do trẻ không phải là cậu ấm cô chiêu, miệng ngậm thìa vàng, thìa bạc gì cả.
Rất nhiều trẻ trở thành xuất sắc từ các gia đình bình thường, với cha mẹ giữ được cuộc sống hài hòa, trung dung, ổn định. (Ảnh minh họa)
Rất nhiều trẻ trở thành xuất sắc từ các gia đình bình thường, với cha mẹ giữ được cuộc sống hài hòa, trung dung, ổn định về điều kiện kinh tế, các mối quan hệ xã hội. Trẻ từ các gia đình như vậy có thể học được nhiều về lối sống hòa đồng, ổn định và cân bằng về tâm lý.
Chuyên gia Bùi Khánh Nguyên
Mọi gia đình đều có những lợi thế của mình trong việc giáo dục trẻ. Trong khi chúng ta tích cực học hỏi, bắt chước những cái hay của gia đình khác, thì đừng quên những lợi thế ngay trong nhà mình, những người thân của mình có thể là rất lớn trong việc giáo dục đứa trẻ riêng của nhà mình.
Mọi gia đình đều có những lợi thế của mình trong việc giáo dục trẻ. Trong khi chúng ta tích cực học hỏi, bắt chước những cái hay của gia đình khác, thì đừng quên những lợi thế ngay trong nhà mình, những người thân của mình có thể là rất lớn trong việc giáo dục đứa trẻ riêng của nhà mình. Những nguồn lực trong gia đình như nghề nghiệp, tài năng, sở thích, sự thành công, thất bại của cha mẹ, ông bà, anh chị em, cô dì chú bác… đều là vô giá để giáo dục trẻ em nếu được tận dụng tốt.
Ngoài ra, cũng xin lưu ý là sự phân chia ở trên chỉ có tính tương đối, chúng ta có thể thuộc nhóm này hay nhóm kia trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời, do vậy, rơi vào hoàn cảnh nào cũng nên biến hoàn cảnh đó thành lợi thế, theo cách của câu tục ngữ này: "When life gives you lemons, make lemonade" (Khi cuộc sống cho bạn một trái chanh, hãy tìm cách pha một cốc nước chanh".
Anh Bùi Khánh Nguyên tốt nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại thương TP. HCM, Thạc sỹ Truyền thông, Đại học Stirling (Vương quốc Anh), và MBA của Đại học Hawaii (Hoa Kỳ) tại Việt Nam. Anh hiện làm việc cho một ngân hàng nước ngoài, đồng thời theo đuổi việc nghiên cứu về giáo dục song ngữ trong chương trình Master (TESOL) của Đại học Benedictine liên kết tại Việt Nam.
Năm học 2017 – 2018, anh lựa chọn trở thành diễn giả độc lập về giáo dục. Các mảng anh nghiên cứu sâu trong giáo dục là giáo dục song ngữ và các trường quốc tế. Anh cũng quan tâm đến các lĩnh vực khác như chính trị, luật, truyền thông, tâm lý học, quan hệ quốc tế, kinh doanh…
Pháp luật & Bạn đọc