Nuôi tham vọng đối trọng sản xuất với Trung Quốc, cường quốc đang lên của châu Á đối mặt với một thách thức cực lớn, gây nỗi lo “chưa giàu đã già”
Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có tay nghề là thách thức lớn nhất của Ấn Độ.
- 23-04-2024Bãi rác được gọi là 'Đỉnh Everest' ở Ấn Độ bốc cháy dữ dội
- 23-04-2024Thủ tướng Úc gọi Elon Musk là ‘tỷ phú ngạo mạn’
- 23-04-2024Thống đốc BOJ lên tiếng ngay trước thềm cuộc họp chính sách: Ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất nếu lạm phát tăng tốc
Ấn Độ đang đang cần rất nhiều việc làm cho hàng triệu thanh niên, nhưng hệ thống giáo dục của nước này có vẻ đang chệch hướng trong việc đào tạo nhân lực. Nếu điều này không được khắc phục, tham vọng trở thành “công xưởng của thế giới” để cạnh tranh với Trung Quốc của Ấn Độ có thể tan vỡ trước khi nó thực sự bắt đầu.
Có một số bài học rút ra từ cơn sốt gia công và phần mềm của Ấn Độ những năm 2000. Ngành công nghệ thông tin nổi tiếng của nước này đã xuất sắc trong việc đào tạo sinh viên công nghệ phần mềm và các lĩnh vực liên quan bằng cách hợp tác với các trường đại học. Theo ước tính của chính phủ, ngành CNTT Ấn Độ đang sử dụng tới 5 triệu lao động.
Nhưng đó là một con số quá nhỏ so với quy mô lao động khi mà Ấn Độ đào tạo khoảng 10 triệu sinh viên tốt nghiệp mỗi năm, theo Morgan Stanley.
Hơn nữa, khi Ấn Độ đang tìm cách chuyển hướng nền kinh tế sang sản xuất – với các khoản đầu tư từ các nhà cung ứng của Apple như Foxconn và có thể là từ Tesla, những sinh viên đó chưa hẳn là lực lượng lao động mà nước này cần. Theo dữ liệu của chính phủ, chỉ có 3,8% tổng số lao động của Ấn Độ được đào tạo nghề chính thức tính đến giữa năm 2023.
Theo số liệu từ đơn vị cung cấp dữ liệu CEIC, Ấn Độ đạt điểm cao về các chỉ số cơ bản như khả năng đọc viết. Khoảng 96% thanh niên có thể đọc và viết, và khoảng 3/4 lực lượng lao động có trình độ học vấn trung học, theo Morgan Stanley.
Nhưng đào sâu hơn vào các số liệu, đặc biệt là đối với giáo dục bậc cao, có nhiều mối lo ngại được nêu ra. Báo cáo Kỹ năng Ấn Độ năm 2023, do công ty kiểm tra trực tuyến Wheebox hợp tác với Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ và các tổ chức khác biên soạn, cho biết “khả năng tìm được việc làm” ở những sinh viên trẻ mới tốt nghiệp tăng rất ít, từ mức 46,2% của năm 2021 lên 50,3% vào năm 2022.
Theo Morgan Stanley, chỉ có 28% sinh viên tốt nghiệp trường bách khoa và 34% sinh viên tốt nghiệp trường công nghiệp có việc làm vào năm 2023 – dữ liệu không mấy tích cực cho tham vọng trở thành cường quốc sản xuất của Ấn Độ.
Các khoản trợ cấp nông nghiệp hào phóng cũng làm tăng nhu cầu đối với lao động nông nghiệp. Nói cách khác, nhiều sinh viên dù đã tốt nghiệp nhưng không có những kỹ năng cần thiết, trong khi nhiều lao động trẻ có trình độ học vấn thấp hơn lại có động lực mạnh mẽ để ở lại nông thôn. Theo Báo cáo Việc làm Ấn Độ năm 2024 của Tổ chức Lao động Quốc tế, gần 83% người Ấn Độ thất nghiệp là thanh niên.
Theo tờ Wall Streat Journal, để cải thiện tình hình, chính phủ cần tăng ngân sách cho giáo dục, phát triển kỹ năng cũng như tạo tăng cường liên kết với ngành công nghiệp để thúc đẩy đào tạo nghề. Chính phủ Ấn Độ hiện chi dưới 3% tổng sản phẩm quốc nội cho giáo dục.
Trong khi chính phủ Ấn Độ đã thực hiện nhiều biện pháp để thu hút khu vực tư nhân thì đào tạo nghề vẫn chủ yếu do chính phủ đảm nhiệm. Theo Tập đoàn Phát triển Kỹ năng Quốc gia do Bộ Tài chính quản lý, việc này ảnh hưởng tiêu cực đến số lượng và chất lượng ứng viên được đào tạo.
Ấn Độ không có thời gian để giải quyết những vấn đề này: Tự động hóa nhà máy ngày càng trở nên nhanh chóng hơn và tỷ lệ sinh của Ấn Độ đang giảm dần, điều này cuối cùng sẽ bắt đầu làm giảm lợi tức nhân khẩu học của nước này.
Trung Quốc đã già đi trước khi nhiều người dân giàu có, ngay cả sau một trong những giai đoạn bùng nổ kinh tế ngoạn mục nhất trong lịch sử. Ấn Độ vẫn còn nhiều việc phải làm để tránh số phận tương tự.
Theo WSJ
Nhịp Sống Thị Trường