MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ồ ạt rút BHXH một lần: Giảm số năm đóng mà không giảm tuổi nghỉ hưu là vô lý

Ồ ạt rút BHXH một lần: Giảm số năm đóng mà không giảm tuổi nghỉ hưu là vô lý

Theo bạn đọc Báo Người Lao Động, chỉ có cách giảm tuổi để nhận lương hưu, và điều chỉnh số năm tham gia bảo hiểm phù hợp thì mới công bằng cho người lao động, tùy đó việc rút BHXH 1 lần sẽ giảm đi.

Tại chương trình đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với công nhân tổ chức cuối tuần qua, phản hồi trăn trở của công nhân về việc sửa đổi Luật BHXH, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết Bộ này đang chủ trì, hiện đã hoàn tất xong hồ sơ thủ tục với 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm và Quốc hội cho phép năm 2023 sẽ trình Quốc hội. Trong các nhóm này sẽ giảm dần thời gian đóng BHXH. "Trước đây, chúng ta quy định 20 năm. Dự thảo rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ít, trên tinh thần công bằng, chia sẻ - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết.

Xung quanh ý kiến này, nhiều bạn đọc Báo Người Lao Động cho rằng thiếu khả thi. Một bạn đọc Liêm bày tỏ: "Bộ LĐ-TB-XH vẫn còn né tránh trả lời vấn đề cốt lõi của NLĐ đang quan tâm. Nếu không giảm tuổi nghỉ hưu và cũng không cho NLĐ rút BHXH một lần khi họ đã đủ thời gian đóng BHXH theo quy định thì họ sẽ sống bằng gì?". Tương tự, bạn đọc Võ Tuấn Hải chia sẻ: "Nếu không giảm tuổi hưu hoặc không cho hưởng hưu theo số năm tham gia, thì tôi kiểu gì cũng xin nghỉ để rút 1 lần dù đang có việc ổn định, thu nhập tốt. Vì càng giảm năm đóng thì điều kiện rút 1 lần càng khó, mà chờ hưu thì càng lâu, còn công việc thì không biết khi nào sẽ thất nghiệp. Đây là lo lắng của nhiều NLĐ trong đó có tôi U50 đóng BHXH 14 năm".

Ồ ạt rút BHXH một lần: Giảm số năm đóng mà không giảm tuổi nghỉ hưu là vô lý - Ảnh 1.

Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Quốc Anh góp ý: "Chỉ có cách giảm tuổi để nhận lương hưu, và điều chỉnh số năm tham gia bảo hiểm phù hợp thì mới công bằng cho người lao động, tùy đó việc rút bhxh 1 lần sẽ giảm đi. Nếu nói công nhân thì 18 tuổi đi làm 38 tuổi đủ 20 năm BHXH chả nhẽ đợi 22 năm thì mới được lãnh hưu, rút hết cho rồi, rồi tính tiếp? Nếu người học đại học thì 22 tuổi đi làm, 42 tuổi đủ 20 năm đóng bhxh, thì những người này có dậm chân tại chỗ để chờ hưu không?".

Cùng góc nhìn, bạn đọc Phạm Thanh bày tỏ: "Tôi thiết nghĩ cơ quan soạn thảo có hướng giảm xuống 15 năm và tiến đến 10 năm, để tạo đều kiện cho người lao động tham gia BHXH có cơ hội, nhưng thiết nghĩ rằng thời gian tham gia ngắn như vậy thì cách tính bao nhiêu % lại không thấy đề cập, đây là điều mấu chốt để người lao động thấy và hiểu, tôi nghĩ tiền nào của đó mới công bằng, và muốn công bằng thì cơ quan soạn thảo nên công bố rõ ràng mức hưởng khi đã đủ thời hạn tham gi. Theo tôi 20 năm tham gia bảo hiểm không phải là quá dài, vì đa số người lao động đều đi làm từ 20 đến 25 tuổi, như vậy nếu tham gia 20 năm thì hoàn toàn hợp lý, còn hiện nay người lao động rút bảo hiểm 1 lần không phải là thời gian tham gia quá dài mà là cách tính % cũng như tuổi tới hưu quá bất cập, làm cho người lao động không yên tâm tham gia chờ hưu, giờ hạ năm tham gia chắc càng làm chi người lao động rút bảo hiểm 1 lần càng nhiều vì đã hạ năm đóng đồng nghĩa với việc chờ đợt đến lãnh hưu tăng lên, nên cơ quan soạn thảo nếu quan tâm đến người lao động thì phải đi sâu vào vấn đề làm sao cho người lao động thấy và yên tâm khi tham gia BHXH chờ đến hưu....".

Ồ ạt rút BHXH một lần: Giảm số năm đóng mà không giảm tuổi nghỉ hưu là vô lý - Ảnh 2.

Một bạn đọc giấu tên viết: "Chúng tôi hỏi ông Bộ trưởng là khi nào giảm tuổi nghỉ hưu, vậy thôi, đóng 10 năm mà chờ thêm 32 năm nữa à, lẽ ra tăng tuổi theo lộ trình là nên áp dụng cho nhóm đối tượng mới tham gia theo luật mới thôi, không thể ...cào cái ào như vậy được. Giảm số năm đóng mà không giảm thực tuổi nghỉ hưu như luật cũ thì cũng chả có ý nghĩa gì". Bạn đọc Nguyễn Văn Trực phân tích: "Vì sao NLĐ ồ ạt rút BHXH một lần? Vì NLĐ biết sắp tới sẽ giảm số năm đóng để được hưởng hưu từ 20 năm xuống 15 năm! Vì sao lại thế? Vì BHXH đã có một chính sách vô lý là người đóng càng nhiều thì hưởng lương càng ít. (theo quy định hiện hành nữ đóng 15 năm, nam đóng 20 năm thì được hưởng 45%. Như vậy trung bình một năm đóng hưởng 3% trong khi những năm tiếp theo chỉ hưởng 2% chưa nói tính bình quân cả thời gian đóng thì rõ ràng người đóng càng nhiều càng thiệt). BHXH cần thiết kế sao cho NLĐ đóng càng nhiều càng có lợi thì không ai dại gì đi rút cả!

Nên rút ngắn tuổi nghỉ hưu

Từ những bất cập trên, nhiều bạn đọc đề nghị Bộ LĐ-TB-XH nên thành lập ban khảo sát và lấy ý kiến người lao động về việc thực hiện các chế độ của BHXH trong thực tế hiện nay. Tập hợp và đánh giá những cái được, phù hợp, cái chưa được không phù hợp... để tham mưu cho chính phủ điều chỉnh kịp thời đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng thực tế của người lao động. Mục đích làm sao cho người lao động cảm thấy hài hòa và thoải mái thì khó vạn lần dân liệu cũng xong". Bạn đọc Minh Nguyễn cũng cho rằng việc rút ngắn tuổi nghỉ hưu xuống dưới 60 tuổi thì sẽ giải quyết nhiều vấn đề và mới nhân văn. Bạn đọc Đặng Văn Trung bày tỏ: "Nên rút ngắn tuổi nghỉ hưu và năm đóng bảo hiểm để phù hợp với người lao động, đề nghị nghiên cứu cho phù hợp, đóng thế nào thì hưởng như thế".

Theo An Chi

Người Lao Động

Trở lên trên