MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ồ ạt rút BHXH một lần: Giảm tuổi nghỉ hưu hay giảm số năm đóng bảo hiểm?

07-05-2022 - 16:40 PM | Xã hội

Người lao động ngoài quốc doanh không thể duy trì làm việc đến 62 tuổi và đặc biệt nếu có thì tiền lương hưu cũng không sống nổi khi họ về già.

Xung quanh tình trạng rút BHXH một lần mà Báo Người Lao động đã liên tục phản ảnh, chúng tôi tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp xác đáng của bạn đọc nhằm giúp hoàn thiện hơn chính sách BHXH, hướng đến mục tiêu đảm đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người lao động.

Các chuyên gia về an sinh cho rằng đối tượng rút BHXH một lần chủ yếu ở nhóm công nhân với thu nhập thấp, không có tích lũy, nên khi mất việc thì đối mặt nhiều khó khăn về kinh tế. Khi đứng trước lựa chọn phải đi vay để lo cuộc sống và nhận BHXH 1 lần, NLĐ thường chọn phương án sau. Thậm chí, nếu chưa đủ 1 năm sau khi nghỉ việc, NLĐ còn chọn biện pháp thế chấp sổ BHXH để nhận được ngay số tiền chỉ bằng 50%-60% số tiền đáng lẽ họ được nhận, trong khi quy định đóng BHXH tối thiểu 20 năm mới được nhận lương hưu khiến nhiều NLĐ khó đạt.

Bạn đọc Huỳnh Quang Khải đặt câu hỏi: "Đóng BHXH 32 năm nhận lương hưu 55% hay chờ 10 năm nhận 75% lương (đủ 60) hãy làm bài tính sẽ biết tại sao người lao động (NLĐ) muốn rút 1 lần?". Cùng góc nhìn, bạn  đọc Hoàng Dần khăng khăng rút BHXH 1 lần vì đồng lương không theo kịp giá cả leo thang, rút 1 lần trang trải cuộc sống và làm được nhiều việc hơn là chờ hưu . BHYT thì cho mấy viên thuốc không bao giờ hết bệnh, muốn khỏi bệnh thì phải mua thuốc ngoài danh mục BHYT. Thôi thì đến đâu hay đến đó".

 Ồ ạt rút BHXH một lần: Giảm tuổi nghỉ hưu hay giảm số năm đóng bảo hiểm?  - Ảnh 1.

Phân tích thêm, một bạn đọc tên Nam viết: "Tại sao người lao động phải rút BHXH 1 lần, bởi vì đóng BHXH đối với người lao động ngoài quốc doanh không thể duy trì đến 62 tuổi và đặc biệt nếu có thì tiền lương hưu cũng không sống nổi khi họ về già. Theo bạn đọc Nguyễn Thanh Tuy, quyền lợi của người lao động khi không muốn bảo lưu BHXH thì họ rút, bởi khi không có công việc ổn định lấy tiền đâu mà duy trì BHXH, chế tài với các doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi người lao động thì chưa sát sao. Khoảng ngoài 40 tuổi là các doanh nghiệp họ tìm mọi cách để không sử dụng lao động độ tuổi này rồi. 

Tương tự, bạn đọc tên Liêm nói: "Sở dĩ NLĐ nhất là NLĐ ngoài khu vực nhà nước rút BHXH một lần ngày nhiều là vì họ thấy mình không có cơ hội được hưởng lương hưu. Thực tế, ngoài 50 tuổi thì người lao động bị chủ doanh nghiệp sắp xếp cho nghỉ việc rồi.

 Ồ ạt rút BHXH một lần: Giảm tuổi nghỉ hưu hay giảm số năm đóng bảo hiểm?  - Ảnh 2.

Theo bạn đọc Lê Hoàng Nhân, Luật BHXH hiện giờ có nhiều bất cập nên không giữ được người tham gia. Một người đóng 20 năm bây giờ hưởng mức lương bình quân như người đóng 10 năm. Vậy thì không rút 1 lần mới lạ. Một bạn đọc giấu tên viết: Lương năm 2000 thì 500.000 đồng mua được 1 chỉ vàng, bây giờ 7,000,000 mua được một chỉ nhưng lương khi nghỉ hưu thì tính trung bình cộng lại dù có nhân hệ số nhưng cũng không phù hợp. vì vậy mức lương người lao động nhận lương hưu thường thấp. chỉ nên căn cứ vào mức lương vài tháng trước khi nghỉ là phù hợp.

Xung quanh vấn đề về tuổi nghỉ hưu, theo bạn đọc Anh Thương, tuổi nghỉ hưu của người lao động phổ thông 60- 62 là không phù hợp. Muốn người dân tham gia BHXH nên giảm tuổi nghỉ hưu cho đối tượng này thấp hơn, chỉ tăng với công, viên chức và những người làm việc văn phòng. Đồng quan điểm,  bạn đọc Dương Thị Cúc, điều người lao động cần là giảm tuổi nghỉ hưu chứ không phải giảm năm đóng bảo hiểm. Tương tự, bạn đọc tên Hải cũng cho rằng điều người lao động muốn là giảm số tuổi được nhận bảo hiểm.

Thời gian tối thiểu hưởng lương hưu quá dài

Mới đây, tại hội thảo tham vấn ý kiến quốc tế về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật BHXH do BHXH Việt Nam phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức, ông Christophe Lemiere, Quản lý Chương trình Phát triển con người tại Việt Nam, cho rằng tỉ lệ tham gia BHXH bắt buộc tại Việt Nam thấp là do quy định thời gian tối thiểu hưởng lương hưu dài (20 năm).

Việt Nam cũng là nước duy nhất cho phép NLĐ rút BHXH một lần, từ đó làm tăng áp lực lên hệ thống an sinh xã hội, đồng thời nhà nước phải hỗ trợ thu nhập cho lượng lớn người dân là người cao tuổi không tham gia vào hệ thống an sinh xã hội. "Để chính sách BHXH phát triển bền vững, Chính phủ cần tăng diện tham gia BHXH bắt buộc, hạn chế số người rút BHXH một lần, hỗ trợ 30%-50% mức đóng BHXH tự nguyện cho nhóm người nghèo thì mới có thể đạt mục tiêu 60% lực lượng lao động tham gia BHXH vào năm 2030" - ông Christophe Lemiere nhấn mạnh.

Theo An Khánh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên