Ồ ạt rút BHXH một lần: Nên bỏ quy định trừ 2%/ năm khi về hưu trước tuổi
Theo số đông bạn đọc Báo Người Lao Động, nên trả lại tuổi nghỉ hưu như trước đây, nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi. Bộ LĐ-TB-XH cũng nên tính toán thật kỹ các nhóm chính sách để làm sao người lao động có thể sống bằng lương hưu.
- 08-07-2022Lộ diện những địa phương thu nhiều tiền nhất từ du lịch 6 tháng đầu năm
- 08-07-2022Đà Nẵng sẽ hình thành hệ thống chợ điểm du lịch đẳng cấp
- 08-07-2022Du lịch gặp khó: Giá xăng 'ăn' hết lãi
Bộ LĐ-TB-XH đang hoàn tất hồ sơ thủ tục 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm, dự kiến trình Quốc hội vào năm 2023. Trong các nhóm này sẽ giảm dần thời gian đóng BHXH, cụ thể là rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ít. Xung quanh đề xuất này, Báo NLĐO đã mở diễn đàn "Ồ ạt rút BHXH một lần" và nhận được nhiều ý kiến đồng tình của số đông bạn đọc. Nhiều bạn đọc bức xúc chỉ ra những bất cập của Luật BHXH hiện hành và đề xuất các giải pháp để hoàn thiện chính sách, từ đó hạn chế tình trạng rút BHXH một lần.
Bạn đọc Nguyễn Xuân Đông bày tỏ: "Cơ quan soạn thảo luật nên vi hành xuống các doanh nghiệp ngoài nhà nước để trải nghiệm với người lao động và chịu khó lắng nghe họ. Chỉ cần hỏi người lao động 3 câu, cụ thể: 1.Anh/chị có được tham gia BHXH không? 2.Sức khỏe có tốt không? 3. Tỉ lệ người làm việc 40 tuổi, 50 tuổi, 60 còn được bao nhiêu?". Tương tự, bạn đọc Lê Văn Mỹ nhận xét: "Diễn đàn Ồ ạt rút BHXH một lần của Báo Người Lao Động đã phản ánh rất nhiều sự bất cập của Luật BHXH hiện hành. Chuyên mục này rất hay và rất thiết thực với người tham gia BHXH, đặc biệt với người tham gia BHXH là công nhân, lao động …thuộc lĩnh vực doanh nghiệp nói chung, các công ty tư nhân, nhà máy sản xuất nói riêng… Để sàng lọc và tập hợp các ý kiến đa số và tập trung, tôi mong Báo Người Lao Động có bảng thống kê các mục yêu cầu để các bạn đọc và người tham gia BHXH biểu thị ý kiến của mình trên từng mục, làm cơ sở để Báo NLĐ chuyển trình cho cơ quan BHXH các cấp nguyên cứu xem xét có giải pháp kịp thời cho lần chỉnh sửa, bổ sung Luật BHXH sắp tới. Làm như vậy sẽ giúp cho người tham gia BHXH yên tâm tham gia, và được hưởng quyền lợi của mình sau này phù hợp với những gì mình đã đóng góp. Với Quỹ BHXH thì không bị mất cân đối, ổn định lâu dài".
Theo một bạn đọc tên Liêm, việc cào bằng tuổi nghỉ hưu giữa người làm việc trong phòng lạnh với người lao động ngoài trời, lao động trong nhà máy, xí nghiệp chính là những bất cập của chính sách BHXH hiện hành. Cùng góc nhìn, một bạn đọc giấu tên bức xúc: "Mỗi người mỗi mỗi hoàn cảnh khác, điều kiện sống khác, điều kiện làm việc khác, công việc mỗi người mỗi khác lại bắt mọi người làm việc đến một điểm chung là độ tuổi nghỉ hưu như nhau. Kiểu bắt ông đi bộ phải về đích cùng ông đi ô tô ấy. Rồi tiền lương trích đóng BHXH là theo vật giá từng thời điểm đóng, vậy mà thời điểm nghĩ hưu hệ số tiền lĩnh lương hưu lại chia bình quân, vật giá có bình quân đâu".
Theo bạn đọc Hùng Nguyễn, càng giảm năm đóng thì càng tạo điều kiện để họ rút 1 lần mà thôi. nên quy định đóng đủ 20 năm là được quyền nghỉ hưu dù họ bao nhiêu tuổi. Như vậy đảm bảo NLĐ sẽ không rút 1 lần như bây giờ. Với bạn đọc Trần Anh, không nên quy định tuổi nghỉ hưu, sức khỏe và điều kiện công việc không giống nhau, nên đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Hiện nay các thành phần lao động trực tiếp và lao động kỹ thuật tại các thành phần kinh tế 50 tuổi là hiệu suất lao động giảm do sức khỏe sẽ bị các công ty lấy đủ lý do để đào thải cho nghỉ, người lao động không có khả năng đóng tiếp bảo hiểm nên sẽ rút một lần.
Bạn đọc Trần Bình đề xuất: "Nên để người lao động tự quyết định tuổi nghỉ hưu của mình căn cứ vào sức khỏe, môi trường làm việc, đáp ứng nguyện vọng của những người lao động ở các khu vực khác nhau như hành chính sự nghiệp và lao động ngoài quốc doanh. Nếu BHXH giữ nguyên tuổi nghỉ hưu cần có thay đổi linh hoạt hơn. Cụ thể quy định tuổi nghỉ hưu đối với nam từ đủ 57 tuổi đến 62 tuổi và nữ đủ 55 tuổi đến 60 tuổi. Quy định tuổi nghỉ hưu linh hoạt như trên và bỏ quy định trừ 2%/ năm khi về hưu trước tuổi sẽ giải quyết được hài hòa các vấn đề cho cả những người lao động ở môi trường lao động vất vả không có điều kiện sức khỏe làm việc khi tuổi cao và cả những lao động ở các khu vực có điều kiện làm việc khi tuổi cao. Sẽ không có những băn khoăn về tuổi nghỉ hưu ở các khu vực khác nhau, và từ cách tính % tiền lương khi nghỉ hưu ai đóng nhiều hưởng nhiều khoản vượt quá số năm để hưởng tối đa 75% tiền lương hưu bình quân, sẽ hỗ trợ những người có số năm đóng BHXH ít vì thực tế số lao động mà làm được hết tuổi thường là những người có môi trường làm việc thuận lợi, điều kiện lao động không cần nhiều sức khỏe".
Theo nhiều bạn đọc, việc giảm số năm đóng BHXH xuống 15 năm và tới 10 năm là không cần thiết vì tuổi lao động rất dài và cũng phải cần có từ 20 năm đóng BHXH trở nên để có thu nhập khi về hưu có một mức sống tối thiểu. Giảm số năm đóng BHXH trong khi tuổi nghỉ hưu hiện nay quá cao, nếu không thay đổi linh hoạt để người lao động đã đóng BHXH được 30 đến 35 năm có thể nghỉ hưu. Như hiện nay nhiều người 35 năm đóng BHXH mà còn chưa nghỉ hưu được thì viễn cảnh đóng BHXH 10 đến 15 năm thì đợi đến bao giờ.
Bạn đọc Võ Tuấn Hải bày tỏ: "Quyền được bảo đảm an sinh xã hội được ghi nhận tại Điều 34, Hiến pháp năm 2013. thừa nhận chủ thể thụ hưởng quyền được bảo đảm an sinh xã hội là "Công dân" chứ không chỉ bó hẹp vào hai đối tượng là viên chức nhà nước và những người làm công ăn lương. Thuật ngữ "An sinh xã hội" chính thức được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Vậy xin cho hỏi cách tính về vấn đề thụ hưởng chế độ BHXH phân biệt đối xử giữa lao động trong và ngoài quốc doanh có vi phạm vào hiến pháp không, vì điều 52 hiến pháp quy định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật". Bạn đọc Nguyễn Bình viết: "Nhân viên nhà nước được hưởng lương hưu dựa trên 5 năm cuối công tác, trong khi người lao động bên ngoài thì lại tính trung bình của tất cả các năm làm việc. Vấn đề bất bình đẳng giữa các đối tượng là nguyên nhân gây vỡ quỹ vì người đóng ít hưởng nhiều và ngược lại. Thiết nghĩ tuổi hưu cho cả nam và nữ là 60 là đúng và ai muốn làm thêm thì làm đơn xin kéo dài chứ không được áp đặt cho mọi đối tượng".
Càng nâng tuổi nghỉ hưu thì số năm hưởng lương hưu càng ít
Góp ý hoàn thiện chính sách, bạn đọc Trần Hoa đề nghị phải lấy lương bình quân là như nhau, không phân biệt đó là lao động khối DN nào. "DN tôi là DN công ích, thời gian từ 2015 trở về trước được tính là cơ quan nhà nước khi tính lương hưu thì tính nửa nọ nửa kia. Từ 2015 về trước tính lương hưu thì lấy bình quân 5 năm cuối, từ năm 2015 trở lại đây thì lấy bình quân toàn bộ thời gian rỗi cộng với bình quân 5 năm cuối của khu vực nhà nước lên lương hưu rất là thấp, cách tính này vô cùng bất công, đề nghị sửa đổi" – bạn đọc này bức xúc. Theo bạn đọc Thanh Tùng, càng nâng tuổi nghỉ hưu thì số năm hưởng lương hưu của NLĐ càng ít, sức khỏe càng giảm, số năm còn sống càng ngắn. Cần xem lại cách tính lương hưu công bằng giữa các đối tượng nghỉ hưu! Làm sao để người lao động khi nghỉ hưu được nhận mức lương đủ sống!
Người lao động