MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ồ ạt vốn từ “thiên đường thuế” vào Việt Nam: Chú ý mấy doanh nghiệp báo lỗ liên tục!

"Cần chú ý đặc biệt tới các trường hợp công ty thông báo lỗ, nhưng không phá sản mà tiếp tục mở rộng sản xuất".

Việc 189 tổ chức, cá nhân Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama vừa được công bố mới đây thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận. Nhiều người đặt dấu hỏi, có hay không việc trốn thuế, rửa tiền...

Song song, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ồ ạt chảy vào Việt Nam thông qua các “ thiên đường thuế ” cũng gây không ít nghi ngờ về việc chuyển giá, gây thất thu, tiêu cực cho nền kinh tế.

Nhằm làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế thế giới - Viện nghiên cứu chính trị thế giới:

Thưa ông, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, có hoạt động ở các thiên đường thuế thì sẽ có gì bất thường không?

Nếu họ đăng ký thành lập doanh nghiệp và làm ăn tại những quốc gia, vùng lãnh thổ được coi là “thiên đường thuế” thì không ảnh hưởng gì tới chúng ta cả.

Ông mang tiền sang đó bán phở hay bán gì bên đó thì tùy.

Hay đối với trường hợp họ giải trình là mua lại các công ty có trụ sở ở các vùng đó cũng vậy. Muốn biết bất thường hay không thì phải xem lại giao dịch làm ăn như thế nào ở đây. Còn nếu cứ thấy tên họ trong “hồ sơ Panama” thì chưa nói lên điều gì cả.

Còn trong trường hợp họ thành lập công ty ở bên đó rồi quay về Việt Nam đầu tư. Đây chính là cơ sở để người ta nghi ngờ rằng ông trốn thuế, rửa tiền…

Đây là hình thức mà người ta gọi mở công ty offshore mà dịch ra là công ty vỏ bọc. Họ lập công ty ở những nơi quản lý thuế lỏng lẻo nhất, dễ dãi nhất về thuế rồi chuyển tiền về Việt Nam đầu tư, hoặc sau đó có thể từ Việt Nam và “bắn” đi những nơi khác để đầu tư, kinh doanh.

Tại sao cứ nhắc tới “thiên đường thuế” nhiều người lại nghĩ ngay đến chuyện rửa tiền, trốn thuế… Bởi vì những nơi này, rất dễ dãi, lỏng lẻo về thuế má… Việc lập công ty tại những “thiên đường thuế” nhằm “lách” thuế không phải mới.

Theo tôi, để biết họ có bất thường gì không thì trước hết, Bộ Kế hoạch và đầu tư phải rà soát xem họ có đăng ký và được nhận giấy phép đầu tư, mở công ty ở nước ngoài cũng như các hoạt động liên quan hay không rồi các cơ quan khác như Ngân hàng Nhà nước, cơ quan thuế… vào cuộc.

Rõ ràng, việc những người Việt Nam xuất hiện trong danh sách “hồ sơ Panama” không thể bị làm ngơ được.

Đưa vào tầm ngắm doanh nghiệp báo lỗ liên tục nhưng không chịu phá sản

Đó là người Việt mở công ty offshore ở “thiên đường thuế”, còn dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam từ các “thiên đường thuế” khá lớn thì sao thưa ông? Nhiều quan ngại về vấn đề chuyển giá, gây thất thoát cho nền kinh tế của Việt Nam là rất lớn?

Khi nào thì được coi là chuyển giá. Tôi lấy ví dụ như này cho dễ hiểu.

Một công ty A, trụ sở, đại bản doanh của nó ở Panama, hoặc bất kỳ “thiên đường thuế” nào. Hóa đơn chứng từ nó ghi nhập nguyên liệu từ đây về Việt Nam để sản xuất ô tô. Giá trị lô hàng là 100 triệu USD, nhưng trên thực tế giá thành của cái mặt hàng nguyên liệu đó nó chỉ khoảng 80 triệu thôi.

Họ để lại 20 triệu USD ở bên kia, giá đó tính vào Việt Nam đắt lên thì tất nhiên lợi nhuận ở Việt Nam còn rất thấp. Chính phủ Việt Nam chỉ đánh thuế được trên cái phần lợi rất ít thôi.

Nếu họ bán cái ô tô đó có giá 110 triệu chẳng hạn, thì Chính phủ Việt Nam chỉ đánh được thuế trên 10 triệu, trong khi đó đáng nhẽ phải là 30 triệu. Như vậy, những doanh nghiệp này vừa tránh được thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam vừa không phải nộp thuế tại các “thiên đường thuế”.

Nếu giờ muốn điều tra, chứng minh họ chuyển giá, công cuộc này rất phức tạp. Cần chú ý đặc biệt tới các trường hợp công ty thông báo lỗ, nhưng không phá sản mà tiếp tục mở rộng sản xuất.

Khi điều tra, phải lần theo địa chỉ công ty đó đăng ký ở đâu, kiểm tra, rà soát hóa đơn chứng từ… Nếu công ty đặt ở đó chỉ là cái tên vỏ bọc, mà không có bất kỳ dấu hiệu gì của một công ty bình thường: không nhân viên, không văn phòng thì cũng có vấn đề rồi.

Trong trường hợp công ty không chứng minh được mọi thứ rõ ràng, sẽ quy vào tội chuyển giá. Khi có tội, theo luật chúng tôi sẽ trừng phạt. Muốn làm được như vậy thì anh phải có đủ trình độ tiếng Anh, năng lực, kinh nghiệm, thông thạo về luật pháp…

Tuy nhiên, tôi cũng cần phải lưu ý rằng, những “thiên đường thuế” có tính bảo mật rất cao, rất khó tiếp cận được nguồn thông tin, nên muốn điều tra không phải đơn giản.

Đó là vấn đề chuyển giá. Còn nếu họ mang tiền vào Việt Nam đầu tư hay nước nào đây, thậm chí là lỗ rồi họ bảo làm ăn có lãi rồi mang tiền đó đầu tư vào Mỹ. Đây chính là hành động rửa tiền. Rồi còn nhiều những hình thức gian lận thuế khác có thể phát sinh, từ những nơi như thế này.

Cho nên vì sao, giới đầu tư họ mới thích đăng ký ở những nơi này là vậy. Nếu cơ quan các nước này không hợp tác, thì nhiều khi cơ quan điều tra cũng phải “chịu”.

Dù sao thì việc “hồ sơ panama” được công bố cũng chính là cơ hội rất lớn để quốc tế, trong đó có Việt Nam điều tra rõ ràng, minh bạch về vấn đề này.

Thế nếu điều tra họ trốn thuế, rửa tiền hay không thì cứ theo dòng tiền chảy để điều tra, thưa ông?

Tiền vào công ty vỏ bọc có thể là bất hợp pháp, nhưng thông qua việc đầu tư và cho vay lại, nó sẽ trở thành hợp pháp.

Muốn làm rõ có bất hợp pháp không, cần truy nguồn tiền ở đâu? Tại sao tiền lại bắt nguồn từ đây mà đi? Ví dụ như nguồn tiền từ Việt Nam sang Mỹ chẳng hạn. Thuế vụ Mỹ nghi ngờ, họ sẽ sang Việt Nam xem. Xem ở đây làm ăn có gì ghê gớm mà tại sao vẫn báo lãi như vây.

Sau đó, nó sẽ truy tiếp, nếu không phải lãi, làm ăn không hiệu quả thì nguồn tiền này ở đâu ra. Nếu “tòi” ra là từ mấy nơi như “thiên đường thuế” thì điều tra tiếp.

Từ câu chuyện này có nên kiểm soát chặt hơn dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam không, thưa ông?

Chúng ta đang thiếu vốn, họ mang vốn vào Việt Nam là quý, nhưng chúng ta phải quản lý dòng vốn đó như thế nào, để nó không “đầu độc” môi trường kinh doanh.

Chính phủ phải có ranh giới nhất định, tuyệt đối không được dung túng, quốc tế sẽ lên án ngay. Thu hút FDI làm sao, đừng để biến thành nơi dòng tiền phi pháp đổ vào là được.

Không dung túng ở đây là gì, là khi quốc tế điều tra một số công ty thì anh phải cung cấp các tài liệu mà họ yêu cầu. Cần có phải luật cấm các cơ quan làm méo số liệu. Hoặc đơn giản như đối với ngân hàng: nếu một ông nào đó rút với số tiền lớn trên bao nhiêu, thì phải báo với cơ quan chức năng…

Rà soát các dự án đến từ các “thiên đường thuế”

Nhiều dự án đầu tư vào Việt Nam với quy mô lớn hiện nay do các doanh nghiệp đăng ký ở các “thiên đường thuế” như BritishVirgin Islands (BVI), Cayman Islands, Panama, Singapore, Hong Kong... thực hiện.

Riêng British Virgin Islands (BVI) là một quần đảo có diện tích chỉ khoảng 153 km2, GDP hơn một tỷ USD song các doanh nghiệp đăng ký tại đây đã đầu tư 19,3 tỷ USD sang Việt Nam.

Ngay đối với một số công ty có gốc của Mỹ như Tập đoàn Intel, Coca Cola, Procter&Gamble, ConocoPhillips... cũng đang rót vốn vào Việt Nam thông qua các chi nhánh, công ty con, có đăng ký tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác như BVI, Singapore, Hong Kong...

Trao đổi với BizLIVE, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp đội đầu tư nước ngoài cho biết: Không phải đến giờ người ta mới bàn về những con số này. Có thời điểm, BVI vươn lên đứng thứ hai trong tổng sổ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, ai cũng ngầm hiểu, các nhà đầu tư “mượn” BVI đăng ký thành lập doanh nghiệp vào Việt Nam, hưởng ưu đãi thuế tại những khu vực này.

“Tất nhiên, cần nhấn mạnh, không chỉ riêng ở Việt Nam, mà họ còn mang tiền đi đầu tư ở rất nhiều nước khác trên thế giới”, ông Toàn nói.

Ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng, nếu bị các doanh nghiệp này lách luật để chuyển giá thì đó sẽ gây hệ quả hết sức tiêu cực lên nền kinh tế.

Tuy nhiên chuyển giá thì không chỉ từ các “thiên đường thuế”, bất kỳ doanh nghiệp từ nước nào vào cũng có thể xảy ra nguy cơ này. Để giảm thất thoát cho nền kinh tế, cần nhấn mạnh vai trò thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý.

Cụ thể, để quản lý đầu tư FDI, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nên kiểm tra, rà soát tất cả các dự án, không loại trừ đến từ đâu, xem dự án nào dừng hoạt động, bị bán, đã bị cho phá sản… để từ đó có các chính sách, giải pháp phù hợp.

Riêng đối với các dự án đến từ các “thiên đường thuế”, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng nên có tổng kết đánh giá riêng trong các lĩnh vực như tỷ lệ vốn giải ngân trên vốn đăng kí, vốn rút khỏi dự án trên vốn đang ký, số dự án không thực hiện và chậm triển khai… và đặc biệt là chấp hành pháp luật tại Việt Nam.

Theo Mạnh Nguyễn

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên