MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ô tô hạng sang nhập về Việt Nam sụt giảm vì thuế

Theo thống kê 6 tháng đầu năm, xe nhập từ Pháp vào Việt Nam chỉ 15 chiếc, trong đó tháng 4 duy nhất 1 xe, tháng 5 và 6 không có xe nào. Số lượng xe ít thứ hai đến từ Canada với 34 chiếc, xe Anh có nhỉnh hơn với 230 chiếc, Nga 402 chiếc, Đức 670 chiếc.

6 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu gần 51.000 ô tô nguyên chiếc các loại, kim ngạch đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 2,9% về số lượng nhưng giảm tới 15% về giá trị so với cùng kỳ 2016. Điều này cho thấy các DN ô tô có xu hướng nhập khẩu chuyển dịch sang các dòng xe trị giá thấp, rẻ.

Con số trên vừa được Tổng cục Hải quan công bố. Theo đó, xét về nguồn gốc xuất xứ, 6 tháng đầu năm xe Thái Lan vẫn thống lĩnh ngôi vị số 1 tại thị trường Việt Nam với 19.170 xe; Tiếp theo là Indonesia 10.484 xe, cao hơn hẳn so với từ các nước còn lại, như Ấn Độ 5.158 xe, Hàn Quốc 5.029 xe, Trung Quốc 3.473 xe, Nhật Bản 2.089 xe, Hoa Kỳ 1.600 xe...

Đáng nói, xe sang đến từ các nước châu Âu, châu Mỹ đang sụt giảm mạnh. Theo thống kê 6 tháng đầu năm, xe nhập từ Pháp vào Việt Nam chỉ 15 chiếc, trong đó tháng 4 chỉ 1 xe, tháng 5 và 6 không có xe nào. Số lượng xe ít thứ hai đến từ Canada với 34 chiếc, xe Anh có nhỉnh hơn với 230 chiếc, Nga 402 chiếc, Đức 670 chiếc.

Xét về trị giá khai báo Hải quan, xe Ấn Độ có giá trung bình rẻ nhất, chỉ 105 triệu đồng/chiếc, trong khi xe Thái Lan 400 triệu đồng/chiếc. Xe Pháp có giá đắt nhất, trung bình 1,75 tỷ đồng/chiếc. Sau khi nhập vào Việt Nam cộng thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt… giá xe còn đội lên gấp 2-3 lần.

Xe Đức có mức giá trung bình khoảng 1,4 tỷ đồng/chiếc, trong khi xe Anh cũng đắt không kém với 1,39 tỷ đồng/chiếc. Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, giá xe nhập khẩu từ các nước châu Âu đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016 (chẳng hạn, xe Đức năm 2016 chỉ có giá trung bình 670 triệu đồng/chiếc).

Theo khảo sát của phóng viên, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xe sang trên các trục đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Khuất Duy Tiến, Dương Đình Nghệ, Phạm Hùng... mấy tháng nay đều trong tình trạng ế ẩm.

Anh C., đại diện một doanh nghiệp kinh doanh dòng xe sang Ranger Rover, BMW,... ở đường Khuất Duy Tiến than thở: Hầu hết xe của công ty bán đều là xe sang đã qua sử dụng, dung tích xi lanh từ 3.0 trở lên. Tuy nhiên, từ khi thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) được áp dụng mức giá mới vào 1/7/2016, xe bị đội giá lên cao gấp 2-3 lần giá nhập, do đó dù doanh nghiệp đã hạ giá vài chục đến cả trăm triệu đồng, bán cắt lỗ nhưng khách hàng không mấy mặn mà.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp kinh doanh ô tô cũ nhập khẩu (chủ yếu xe Đức, Anh), đang đối mặt nguy cơ phá sản vì bị truy thu trăm tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt.

Nguyên nhân bởi theo quy định của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp có phát sinh nhập khẩu ô tô trước ngày 1/7/2016 nhưng xuất hóa đơn sau ngày 1/7/2016 sẽ phải nộp thuế theo Luật thuế TTĐB mới. Điều đó có nghĩa, các xe nhập khẩu có dung tích xi lanh từ 3.0L trở lên đã bán cho khách hàng, nếu xuất hóa đơn sau ngày 1/7/2016 cũng bị áp thuế TTĐB mới tăng từ 90% - 150%.

Ngoài ra, điều kiện kinh doanh ô tô nhập khẩu với các yêu cầu phải có giấy ủy quyền của nhà sản xuất chính hãng đang khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ “chết đứng”. Việc nhà nhập khẩu và phân phối chính thức xe BMW tại Việt Nam – Euro Auto bị khởi tố, điều tra về tội buôn lậu cũng khiến các doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm chỉnh hơn hoạt động kinh doanh ô tô, đồng thời tạo lợi thế cho các nhà nhập khẩu chính hãng có lợi thế “độc quyền” như Audi Việt Nam vươn lên.

Trong khi, cũng theo Luật Thuế TTĐB mới từ 1/7/2016, các dòng xe có dung tích dưới 1.5 lít từ đầu năm 2017, thuế xuống còn 35%. Xe có dung tích từ 1,5 - 2 lít (tập trung chủ yếu ở phân khúc xe hơi) giảm về 40%, vì vậy việc giảm thuế này được cho là đã tạo lợi thế đáng kể cho xe từ Ấn Độ - vốn đã có giá rất cạnh tranh.

Thêm nữa, theo cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA), xe nhập từ các nước ASEAN thuế nhập khẩu các loại cũng giảm đáng kể, thuế nhập khẩu giảm từ 40% về còn 30%, và tới đầu 2018 còn 0% khiến tâm lý đợi mua xe giá rẻ vẫn ảnh hưởng tới sức tiêu thụ xe. Đây cũng là lý do khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ Hàn Quốc, Nhật Bản đang đối diện nguy cơ phá sản vì không cạnh tranh nổi xe nhập về từ Thái Lan, Indonesia.

Đại diện nhiều địa phương như Vĩnh Phúc, Quảng Nam – nơi có sự đóng góp lớn vào thu ngân sách nhờ các DN sản xuất, lắp ráp ô tô cũng phải kiến nghị Chính phủ có những giải pháp hỗ trợ, giảm thuế nhập khẩu linh kiện, cũng như có các giải pháp siết chặt, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ và trị giá khai báo hải quan đối với các xe sang nhập khẩu, xe giá rẻ từ Ấn Độ và các nước ASEAN.

Theo Tuấn Nguyễn

Tiền phong

Trở lên trên