Ô tô nhập đắt thêm trăm triệu: Dân buôn sợ, hải quan lo
Trước tình trạng nhiều DN nhập ô tô có dấu hiệu gian lận, Bộ Tài chính đã “lệnh” quản chặt ô tô nhập. Nhưng cả DN lẫn hải quan đều đang gặp khó vì những rắc rối phát sinh.
- 29-11-2016Cuối năm, Bộ Tài chính siết chặt quản lý ô tô nhập khẩu
- 17-11-2016Cứ 3 ôtô nhập khẩu có 1 xe Thái Lan
- 27-10-2016Ôtô nhập khẩu từ Thái Lan tăng vọt
Mất thêm mấy trăm triệu
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại KYLIN-GX668 (Hải Phòng) than thở: “Vất vả quá. Bao nhiêu khó khăn”.
Lý do khiến ông Hùng than khó là bởi ngày 28/11, Bộ Tài chính đã có lệnh yêu cầu Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế và Cục Hải quan, Cục Thuế các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện các biện pháp quản lý về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và trị giá hải quan đối với mặt hàng xe ô tô nhập khẩu .
Cụ thể, đối với xe ô tô nhập khẩu (trừ xe ô tô nhập khẩu của đối tượng ưu đãi, miễn trừ ngoại giao) phải nộp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) tại thời điểm làm thủ tục hải quan.
Bộ Tài chính đang "lệnh" quản chặt ô tô nhập.
Đặc biệt, một trong những nội dung chỉ đạo của Bộ Tài chính khiến nhiều DN gặp khó là, đối với xe ô tô nhập khẩu chưa hoàn thành thủ tục hải quan, không được cho mang về bảo quản tại kho bãi của người khai hải quan trong khi chờ thông quan.
Ông Nguyễn Thế Hùng bộc bạch: "Khi hàng được hãng tàu vận chuyển về cảng, bình thường như trước đây là chúng tôi được rút hàng ra, rồi đem về salon chờ làm thủ tục thông quan. Chúng tôi có thể mời đăng kiểm về tận salon để đăng kiểm. Thế nhưng, từ khi Bộ Tài chính siết chặt lại, yêu cầu xe chưa hoàn thành thủ tục hải quan thì chưa được mang về, chúng tôi gặp khó khăn rất nhiều".
“Bây giờ xe về cảng, rút ra khỏi container của hãng tàu thì hải quan không cho mang xe về mà lại bắt để xe ở bãi. Gửi bãi thì mất thêm tiền lưu bãi, tốn kém lắm, mất thêm mấy trăm triệu 1 tháng”, ông Hùng chia sẻ.
“Xe để ngoài trời, mưa gió, hỏng hóc, chuột bọ cắn dây điện, cắn hết các thứ,... Để 1 tháng như vậy, lúc lấy xe về nhìn như để ngoài bão”.
Đại diện một DN nhập khẩu ô tô khác nói thêm: Ngoài tiền lưu bãi, giờ các hãng tàu cũng lợi dụng cơ hội này để ép DN. Họ yêu cầu khi nào hàng chưa thông quan xong thì vẫn phải đóng tiền lưu container, dù thực tế xe đã được rút khỏi container, đã trả vỏ và mang xe về bãi ở cảng. Có nghĩa, hãng tàu ép DN chịu tiền lưu container cho đến khi xe được mang về salon.
“Để có đủ giấy tờ, thường chúng tôi mất 10-15 ngày, thậm chí có xe 2-3 tháng mới mang được về. Có nghĩa chúng tôi phải chịu tiền lưu container, lưu bãi mất ít nhất 15 ngày cho đến 2 tháng”, đại diện DN này lo ngại.
Ông Nguyễn Thế Hùng cho biết: “Nếu từ 1-7 ngày thì họ tính 100 USD/container, nhưng sang ngày thứ 7 thì tính lên 200 USD/container, cứ thế họ tính lũy tiến. Nếu nằm ở bãi 1 tháng, tiền lưu bãi và tiền lưu container cộng vào lên đến mấy trăm triệu. Xe về nhiều thì mất đến mấy tỷ cho khoản lưu container, lưu bãi”, ông Hùng lo lắng.
Nhiều DN mong muốn Bộ Tài chính thấu hiểu khó khăn của DN.
Ô tô tải nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Lạng Sơn. Ảnh: L.Bằng
Hải quan cũng than khó
Không chỉ các DN, hải quan địa phương cũng lúng túng khi thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính về “siết ô tô nhập”.
Theo phản ánh của Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, hiện hàng hóa ô tô nhập khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị gồm các mặt hàng ô tô tải, ô tô xát xi, xe đầu kéo, xe trộn bê tông, xe bơm bê tông. Bến bãi tại cửa khẩu Hữu Nghị tuy đã được đầu tư nhưng vẫn còn chật hẹp, các dịch vụ cung ứng có liên quan đến việc lưu giữ hàng hóa tại bãi chưa đảm bảo và đáp ứng được yêu cầu.
“Do đó, việc lưu bãi đối với hàng hóa số lượng lớn, trong thời gian dài, với điều kiện bến bãi chật hẹp hiện tại sẽ gây ách tắc, ảnh hưởng đến thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu khác tại cửa khẩu Hữu Nghị”, Cục Hải quan Lạng Sơn lo ngại.
Vì thế, cơ quan này đề xuất cho phép DN mang hàng về bảo quản tại kho của DN đối với mặt hàng ô tô tải và ô tô xát xi.
Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cũng bày tỏ sự chia sẻ với DN khi “chỉ đạo các đơn vị cung ứng dịch vụ bến bãi tại cửa khẩu Hữu Nghị chỉ thu phí lưu bãi 1 ngày đối với hàng hóa được bảo quản từ khi nhập khẩu đến khi thông quan, tránh chi phí phát sinh gây khó khăn cho DN”.
Theo các DN, việc Bộ Tài chính tăng cường quản lý việc nhập khẩu ô tô là cần thiết khi nhiều vụ việc vi phạm, có dấu hiệu gian lận, trốn thuế đã được phát hiện. Tuy nhiên, những biện pháp này cần phải phù hợp với tình hình thực tế để không gây khó khăn tốn kém thời gian và chi phí, nhất là trong bối cảnh Bộ Tài chính đang nỗ lực giảm thời gian thông quan hàng hóa, cải cách thủ tục hành chính.
Vietnamnet