Ô tô sang biếu tặng: Bán tống bán tháo, dỡ showroom vì thua lỗ
Một loạt các doanh nghiệp nhỏ, chuyên nhập khẩu ô tô cũ hạng sang, ô tô dưới dạng quà tặng quà biếu đã phải ngừng kinh doanh do không có khách hàng. Thậm chí, có doanh nghiệp phải bán tống bán tháo xe và cả showroom vì thua lỗ.
- 29-05-20171 phút xin nói thêm của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng về ô tô công
- 27-05-2017Mua ô tô ra khỏi showroom mất trăm triệu, khách phát hoảng
- 26-05-2017Sửa đổi, bổ sung bảng giá tính lệ phí trước bạ ô tô
Thị trường ngách lách Thông tư 20
Theo quy định tại Thông tư 20/2011-BCT của Bộ Công Thương, có hiệu lực từ 5/2011, chỉ những DN có giấy ủy quyền chính hãng mới được nhập khẩu xe. Kể từ đó, nhiều DN nhỏ không có giấy ủy quyền chính hãng, đã không được tự do nhập khẩu ô tô mới nữa.
Trong khi đó, xe nhập chính hãng lại bị loại bỏ nhiều trang bị công nghệ được cho là không cần thiết đối với thị trường Việt Nam. Cùng với đó, các DN nhập chính hãng vì phải chịu nhiều ràng buộc, nên không thể nhanh chóng đưa các phiên bản mới nhất về nước sớm.
Năm 2016, có khoảng 1.600 xe cũ, hầu hết là xe sang Lexus, Land Rover, Porsche, Audi, BMW,... được nhập về
Tuy nhiên, nhiều khách hàng giàu có vẫn rất thích những chiếc xe sang bán tại thị trường Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông,... bởi có cấu hình vượt trội. Chẳng hạn, nhiều chiếc có trang bị phanh khoảng cách, nếu thấy chướng ngại vật mà người lái không phản ứng, xe sẽ tự động phanh. Nội thất xe cũng rất đẳng cấp. Các vật liệu như da, gỗ, nhựa đều rất cao cấp. Hệ thống âm thanh trong xe cũng thuộc hàng đỉnh cao, nhiều xe có cả ngăn lạnh,...
Với những khách hàng giàu có, tiền không thành vấn đề, điều quan trọng là họ muốn một chiếc xe đẳng cấp, khác biệt và thể hiện được tầm của mình. Chính vì vậy, đã nảy sinh ra nghịch lý, các DN nhỏ nhập khẩu ô tô không chính hãng, thường mua xe mới, nhờ người đứng tên đăng ký tại nước sở tại rồi chạy tối thiểu 10.000 km và đợi 6 tháng sau nhập về Việt Nam dưới dạng xe cũ. Tuy phải chịu chi phí cao, đắt hơn xe mới cả trăm triệu đồng, nhưng nhiều khách hàng Việt vẫn mê, đó là nghịch lý trên thị trường ô tô đã tồn tại gần 5 năm qua.
Một DN chuyên nhập khẩu xe cũ kiểu này cho biết, với xe cũ có dung tích xi lanh từ 2.0L-3.0L nhập về Việt Nam thường có giá bán chênh với xe mới cùng loại khoảng 4.000 USD; dung tích 3.0L-4.0L có giá bán chênh khoảng 7.000 USD; dung tích xi lanh 4.0L-5.0L chênh khoảng 15.000 USD và dung tích xi lanh trên 5.0L có giá bán chênh 20.000 USD.
Số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, năm 2016, có khoảng 1.600 xe cũ, hầu hết là xe sang mang thương hiệu Lexus, Land Rover, Porsche, Audi, BMW,... được nhập về, giá hàng tỷ đồng. Đây có thể nói là thị trường ngách, được các DN tận dụng nhằm đáp ứng nhu cầu có thực của một bộ phận khách hàng.
Đóng cửa, ngừng kinh doanh
Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 đến nay thị trường ngách này không còn, vì thuế tiêu thụ đặc biệt tăng mạnh với xe có dung tích xi lanh từ 3.0L trở lên. Nếu trước đây thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với xe 3.0L trở lên chỉ ở mức 60% thì nay đã tăng lên mức 90%-150%.
Trong khi ô tô cỡ nhỏ đang giảm giá cả trăm triệu thì xe dung tích lớn giá bị đẩy lên quá cao, không thể kinh doanh được
Thuế tiêu thụ đặc biệt tăng cao, khiến giá xe bị đẩy lên cao ngất ngưởng và thị trường không chấp nhận mặt bằng giá mới.
Đơn cử, 1 chiếc Lexus 570 động cơ 5.7 lít giờ sẽ phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt 130%. Giá bán Lexus 570 "chạy lướt" nhập khẩu vì thế cũng tăng lên 8,2 tỷ đồng, thay vì có 6,2 tỷ như trước. Giá tính thuế cũng bị hải quan nâng lên cao hơn, do vậy khi nhập về khó bán do giá đội lên rất nhiều.
“Không thể bán chiếc Lexus 570 giá 8,2 tỷ đồng, chúng tôi đành chấp nhận bán với giá cũ 6,2 tỷ cũng chẳng có ai mua. Chưa kể, tiền nộp lệ phí cũng tăng lên 200 triệu theo giá bán mới, nên nhiều khách hàng lắc đầu”, ông Trần Dũng, đại diện công ty TNHH Màu Đức (Hải Phòng), nói.
Với xe nhập dưới dạng quà biếu tặng cũng tương tự. Từ cuối năm 2016 đến nay, hầu như không thể bán được chiếc nào vì nếu tính đủ thuế, giá tăng quá cao. Lượng xe nhập của các DN từ giữa năm 2016 bị tồn kho, ít thì chục chiếc, nhiều thì vài chục chiếc, trong khi lãi vay ngân hàng, tiền thuê cửa hàng, lương nhân viên,... vẫn phải trả.
Do đó, từ cuối 2016 đến nay, nhiều đơn vị đã tạm ngừng nhập khẩu xe cũ. Họ đang phải hạ giá, bán tháo để thu hồi vốn, chấp nhận thua lỗ. Một DN có showroom bán xe cũ hạng sang nhập khẩu tại đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hải Phòng) cho hay còn rao bán nốt cả showroom, tính chuyện đổi nghề khác.
Nói về kinh doanh ô tô cũ, giờ các DN đều lắc đầu ngao ngán. Trước kia có đơn vị bán tới 400 xe sang cũ mỗi năm, đóng thuế cho Nhà nước cả nghìn tỷ đồng, nay chìm trong thua lỗ. Đã vậy, nỗi lo bị truy thu thuế hàng chục tỷ đồng còn đó, vì bán xe sau 1/7/2016 nhưng tính theo thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cũ, mức 60%.
Trong khi ô tô cỡ nhỏ đang giảm giá cả trăm triệu thì xe dung tích lớn giá bị đẩy lên quá cao, không thể kinh doanh được nữa dù vẫn rất yêu nghề, ông Dũng tâm sự.
Tại Hà Nội, có DN vẫn cố gắng bám trụ, bày cả chục chiếc xe hạng sang, có tổng giá trị lên đến trăm tỷ đồng tại cửa hàng, trông rất bắt mắt, rất hấp dẫn nhưng vắng bóng khách. Chủ showroom ngày ngày đi ra, đi vào mà không biết làm gì, lòng lúc nào cũng như có lửa thiêu. Ngoài tạm ngừng kinh doanh từ cuối năm ngoái, một số nơi có xe tồn thì nhờ các cửa hàng khác bán giúp.
“Đến nay chúng tôi vẫn chưa biết sẽ kinh doanh sản phẩm gì, vẫn đang ngồi chơi, dù chi phí vẫn phải chi trả”, ông Mai Trần Thanh Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH TM và DV Hoàng Phước Minh (TP.HCM), thở dài.
Vietnamnet