OCB đẩy mạnh số hóa đem lại kết quả kinh doanh ấn tượng
Nhờ việc đẩy mạnh số hóa, OCB là một trong số ít ngân hàng giảm được tỷ lệ CIR và hoàn thành kế hoạch đặt ra trong nửa đầu năm 2023. Đây là động lực quan trọng giúp ngân hàng có được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao trong bối cảnh ngành ngân hàng gặp nhiều khó khăn.
Tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng đã chững lại rõ nét trong nửa đầu năm 2023 dưới sự ảnh hưởng tiêu cực của cuộc đua lãi suất huy động, nhu cầu tín dụng sụt giảm và sự suy yếu của chất lượng tài sản. Trong bối cảnh đó, OCB là một trong những ngân hàng hiếm hoi có được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao.
Cụ thể, OCB đã bứt tốc mạnh mẽ trong quý 2 với lợi nhuận trước thuế tăng 75% so với cùng kỳ 2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 2.560 tỷ đồng, tăng trưởng 47% so với cùng kỳ năm trước. Với con số này, OCB là ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận cao thứ hai hệ thống, chỉ sau Sacombank.
Trong bối cảnh ngành ngân hàng đối mặt với nhiều khó khăn, các mảng kinh doanh cốt lõi của OCB vẫn duy trì được sự ổn định với tổng thu thuần đạt 4.456 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ.
Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 5,8% đạt 3.568 tỷ đồng. Thu nhập ngoài lãi tăng gấp đôi lên 884 tỷ đồng góp phần tạo nên kết quả kinh doanh tích cực của ngân hàng. Riêng sản phẩm thẻ, doanh số giao dịch thẻ tín dụng và ghi nợ quốc tế ghi nhận sự tăng trưởng 142% so với cùng kỳ 2022.
Đặc biệt, việc tối ưu hóa chi phí hoạt động là yếu tố quan trọng giúp ngân hàng có được mức tăng trưởng cao hơn trung bình ngành. Theo đó, OCB nằm trong số ít ngân hàng giảm được tỷ lệ CIR trong nửa đầu năm nay (giảm từ 39,7% trong nửa đầu năm 2022 xuống còn 31,9%) khi hầu hết các nhà băng khác đều tăng mạnh. Với con số trên, OCB đã lọt vào Top 10 ngân hàng có tỷ lệ CIR thấp nhất hệ thống cùng với các ông lớn như Vietcombank, VietinBank, VPBank, SHB,…
Kết quả này là trái ngọt sau một thời gian dài đẩy mạnh số hóa của OCB. Theo đó, ngân đã đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ và chuyển đổi số với việc nâng cấp và mở rộng hệ thống OCB OMNI, cung cấp đến khách hàng hàng loạt các tiện ích, công nghệ hiện đại như xác thực khách hàng qua hệ thống nhận diện số eKYC, xác thực thanh toán bằng khuôn mặt FaceOTP, kết nối và tích hợp với hệ thống Vietlott và VietQR.
OCB cũng tập trung đẩy mạnh số hóa các hoạt động nội bộ với hầu hết quy trình, văn bản đều được thực hiện, phê duyệt online đến gần 80%, từ đó tối ưu được năng suất lao động, tiết giảm chi phí hoạt động.
Trong nửa đầu năm, ngân hàng số OCB OMNI tăng trưởng ấn tượng với số lượng giao dịch tăng gần 60% so với cùng kỳ. Đối với nền tảng tìm, vay mua nhà trực tuyến Unlock Dream Home đã kết nối thêm gần 30.000 môi giới, thêm 40.000 tài sản được đăng tin, đi vào vận hành thành công mobile app dành cho môi giới và mobile app dành cho khách hàng vay. Tính đến tháng 6/2023, đã có gần 500.000 lượt tiếp cận và gần 2.000 hồ sơ đã được giải ngân.
Theo ban lãnh đạo ngân hàng, OCB đặt mục tiêu tiếp tục tập trung vào việc phát triển quy mô và hiệu quả hoạt động, trong đó thúc đẩy hoạt động bán lẻ, đầu tư mạnh về công nghệ số, kiện toàn hệ thống quản lý rủi ro theo chuẩn quốc tế theo chiến lược 5 năm 2021-2025.
Năm 2023, OCB đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2022. Song song đó, ngân hàng sẽ ứng dụng ngày càng nhiều các công nghệ hiện đại, giảm thiểu nhân lực thủ công, hạn chế tiếp xúc vào quá trình thực hiện các giao dịch ngân hàng (eKYC, Smart Camera, Face OTP, RPA, OCR, trang bị thêm hệ thống máy CDM và ATM để giảm thiểu các giao dịch thủ công tại quầy….), sử dụng BigData, Machine Learning, ứng dụng AI vào trong một số quy trình để phục vụ cho việc thanh toán không tiền mặt, hướng tới hoạt động cung cấp các dịch vụ ngân hàng trực tuyến cho người dùng thông qua ứng dụng trên di động thông minh hoặc nền tảng máy tính và mọi quy trình đều được số hóa 100%.
Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), OCB đang cố gắng xây dựng hệ sinh thái các tiện ích xoay quanh ứng dụng OCB OMNI channel với triển vọng gia tăng lượng khách hàng trong tương lai. Nhóm phân tích kỳ vọng ngân hàng sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng tài sản tích cực và cải thiện chi phí vốn trong dài hạn khi tập khách hàng tăng lên.
SSI Research cũng nhận định, OCB đang đầu tư vào nhiều dự án, bao gồm xây dựng marketplace cho mảng vay thị trường mua nhà, quy trình phê duyệt tín dụng, chuyển đổi dữ liệu lên đám mây và nâng cấp core banking. Hệ thống core banking đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ cung cấp sản phẩm nhanh hơn và cũng như cải thiện hiệu suất kinh doanh.
Trong báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng với việc duy trì tỷ trọng khối khách hàng doanh nghiệp cao trong cơ cấu dư nợ, OCB vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao trong 6 tháng đầu năm 2023. Ngoài ra, việc mở mới danh mục trái phiếu Chính phủ từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023, sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng hiện thực hóa lợi nhuận ở mảng này trong bối cảnh lợi suất giảm sâu.
VDSC nhận định, với định hướng ngân hàng bán lẻ, OCB vẫn còn nhiều dư địa để mở rộng danh mục cho vay của mình đối với khối Khách hàng cá nhân từ đó có thể đẩy mạnh hơn nữa các sản phẩm về dịch vụ và có được lợi suất tài sản tốt hơn khi kinh tế hồi phục.
Nhịp sống Thị trường