MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ôm tiền đứng ngoài quan sát: Chứng khoán càng tăng càng sốt ruột, đua lệnh mua đuổi hay kiễn nhẫn chờ đợi?

Ôm tiền đứng ngoài quan sát: Chứng khoán càng tăng càng sốt ruột, đua lệnh mua đuổi hay kiễn nhẫn chờ đợi?

Thị trường chứng khoán vẫn luôn có cơ hội đầu tư sinh lời hấp dẫn trong bất kỳ giai đoạn nào, dù khó khăn hay thuận lợi. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi xuống tiền mua đuổi, đặc biệt là các cổ phiếu nóng thời gian qua.

Thị trường chứng khoán vừa nối dài chuỗi ngày tăng điểm lên 6 phiên liên tiếp. Nhìn xa hơn, từ khi bắt đầu đi lên vào tuần cuối tháng 4, VN-Index đã tăng một mạch hơn 133 điểm (+13%). Điều này khiến không ít nhà đầu tư đang ôm tiền đứng ngoài quan sát “chùn tay” trước các quyết định đua lệnh dù rất sốt ruột.

“Phe” cầm tiền đương nhiên muốn nhập cuộc tại các nhịp điều chỉnh tương đối để phần nào thoả mãn cảm giác mua rẻ. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng như mong đợi. Trong suốt quá trình đi lên kéo dài gần 3 tháng qua, thị trường gần như không có cú điều chỉnh nào thực sự đáng kể. Thay vào đó là các nhịp nghỉ ngắn chỉ diễn ra vài phiên với biên độ giảm điểm không quá lớn.

Ôm tiền đứng ngoài quan sát: Chứng khoán càng tăng càng sốt ruột, đua lệnh mua đuổi hay kiễn nhẫn chờ đợi? - Ảnh 1.

Chứng khoán tăng cao càng thử thách sự kiên nhẫn của các nhà đầu tư đang ôm tiền chờ điều chỉnh, nhất là khi tin tốt vẫn đang tràn ngập thị trường. Mới nhất là thông tin chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ chỉ tăng 3% so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ tháng 3/2021. Số liệu này đã mở ra hy vọng Fed sẽ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ dù chưa thể khẳng định chính xác thời điểm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.

Fed tăng lãi suất chậm lại phần nào làm giảm áp lực lên tỷ giá giúp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) có thêm dư địa để điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hơn. Trước đó, SBV cũng đã giảm lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp và vẫn đang tác động đến các ngân hàng thương mại để tiếp tục xu hướng giảm lãi suất tiền gửi và cho vay dù không dễ dàng.

Lãi suất huy động giảm đã giúp chứng khoán dần trở nên hấp dẫn hơn so với thời điểm đầu năm 2023. Lãi suất giảm kỳ vọng sẽ dần có tác động tích cực tới thu nhập thị trường cũng như giảm chi phí cơ hội khi đầu tư chứng khoán. Số lượng tài khoản mở mới tăng mạnh 2 tháng liên tiếp là một minh chứng rõ nét cho điều này.

Ôm tiền đứng ngoài quan sát: Chứng khoán càng tăng càng sốt ruột, đua lệnh mua đuổi hay kiễn nhẫn chờ đợi? - Ảnh 2.

Dòng tiền mới cùng với sự trở lại của các nhà đầu tư trước đó đã tạm “nghỉ chơi” góp phần thúc đẩy giao dịch trở nên sôi động. Thanh khoản thị trường gần đây đã có nhiều phiên chạm ngưỡng tỷ USD. Riêng trên HoSE, giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân phiên trong tháng 6 đạt trên 15.000 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với tháng trước và là mức cao nhất trong hơn một năm kể từ tháng 4/2022.

Tiếp tục chờ đợi hay nhảy vào đua lệnh?

Dòng tiền - yếu tố quan trọng nhất trên thị trường chứng khoán dường như đang ủng hộ “phe” cầm cổ phiếu. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng dòng tiền rất khó đoán định do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố vĩ mô phức tạp. Dù đang có nhiều thông tin hỗ trợ tích cực nhưng rất khó để dự đoán chính xác xu hướng này sẽ kéo dài đến khi nào, nhất là khi nền tảng cơ bản đang “lung lay”.

Nỗ lực phục hồi kinh tế đang gặp nhiều thách thức từ bên ngoài khi sức mua toàn cầu suy yếu. 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Đáng quan ngại, hầu hết các nhóm hàng, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều suy giảm khá mạnh. Sản xuất trong nước cũng phục hồi chậm. Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global vừa có tháng thứ 4 liên tiếp nằm dưới ngưỡng 50 điểm.

Ôm tiền đứng ngoài quan sát: Chứng khoán càng tăng càng sốt ruột, đua lệnh mua đuổi hay kiễn nhẫn chờ đợi? - Ảnh 3.

Mùa báo cáo tài chính quý 2 cũng đang đến gần với những dự báo không mấy khả quan. Dù vẫn có những điểm sáng tăng trưởng nhưng nhìn chung lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết được dự phóng sẽ giảm so với nền so sánh cao cùng kỳ năm ngoái. Nếu những dự báo trở thành hiện thực, định giá (P/E) thị trường chứng khoán vốn đã không còn rẻ sẽ lại càng thêm đắt.

Rất nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh, thậm chí bằng lần trong nhịp đi lên của thị trường thời gian qua. NAV tăng, tâm lý nhà đầu tư cầm cổ phiếu cũng hưng phấn cao độ, các dòng trạng thái khoe lãi tràn ngập các diễn đàn, mạng xã hội về chứng khoán. Câu chuyện “cổ cánh” cũng rôm rả trở lại trong các bữa ăn, cuộc nhậu,… Bối cảnh trái ngược hoàn toàn với bầu không khí ảm đạm cách đây vài tháng khi thị trường điều chỉnh mạnh.

Ôm tiền đứng ngoài quan sát: Chứng khoán càng tăng càng sốt ruột, đua lệnh mua đuổi hay kiễn nhẫn chờ đợi? - Ảnh 4.

Đây cũng là một chỉ báo đáng lưu ý với nhà đầu tư đang ôm tiền muốn đua lệnh bởi áp lực chốt lời trên diện rộng ở thời điểm hiện tại là khó tránh khỏi. Thực tế cho thấy, thị trường vẫn luôn có cơ hội đầu tư sinh lời hấp dẫn trong bất kỳ giai đoạn nào, dù khó khăn hay thuận lợi. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi xuống tiền mua đuổi, đặc biệt là các cổ phiếu nóng thời gian qua.

Hà Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên