MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ôn thi gấp rút, nam sinh Hà Nội vẫn thi đỗ trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, một trong những trường đỉnh nhất Thủ đô

27-11-2023 - 07:55 AM | Sống

Nam sinh cho biết, em chọn học thêm tiếng Nhật để có lợi thế hơn trong tương lai.

THPT Chuyên Ngoại Ngữ là trường có thế mạnh đào tạo vượt bậc về ngoại ngữ, thường được mệnh danh là "ngôi trường của những thủ khoa", ngôi trường của những tài năng đặc biệt… Với việc đào tạo toàn diện kết hợp với đào tạo mũi nhọn, trường THPT Chuyên ngoại ngữ luôn có kết quả dẫn đầu cả nước trong kỳ thi THPTQG khối D1, cùng nhiều học sinh giành thủ khoa tại các trường Đại học lớn.

Với bề dày thành tích như thế, có thể thấy, để giành một suất vào trường là điều không hề dễ dàng. Thế nhưng, trong kỳ tuyển sinh vừa qua, em Phí Quốc Triệu Phong (sinh năm 2008, Hoài Đức, Hà Nội) đã thi đỗ vào lớp chuyên Nhật 7 năm (hệ dành cho các học sinh đã học tiếng Nhật từ trước) dù quyết định "bẻ lái" chỉ gần 2 tháng trước khi thi.

Phong từng đạt giải Vàng và Bạc trong các cuộc thi Tiếng Anh như Huy chương Bạc tiếng Anh Asmo 2021, 2022; Huy chương Đồng Hippo Tiếng Anh 2023; Huy chương Bạc và lọt vòng bán kết quốc tế Willkomen Tiếng Anh 2023.

Ôn thi gấp rút, nam sinh Hà Nội vẫn thi đỗ trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, một trong những trường đỉnh nhất Thủ đô - Ảnh 1.

Nam sinh Phí Quốc Triệu Phong

Phong thi đỗ N5 JLPT năm lớp 5; Đã và đang tham gia nhiều câu lạc bộ với vai trò thành viên ban dịch thuật như The Idyllic Project, Nippon Project,... Trong 4 năm cấp 2, em liên tiếp đạt danh hiệu học sinh xuất sắc.

Nam sinh cho biết, em chọn học thêm tiếng Nhật để có lợi thế hơn trong tương lai. Đồng thời, quyết định này cũng xuất phát từ tình cảm của em dành cho đất nước Mặt trời mọc, về cả ngôn ngữ và văn hóa.

Nhiều lần thấy "đuối" vì ôn thi quá gấp rút

Việc quyết định nguyện vọng và ôn thi Chuyên Ngoại Ngữ chỉ từ 1,5 tháng đến 2 tháng trước thi, vậy nên theo Phong, mọi thứ khá gấp rút. Em trải qua các bài thi cũng không dễ dàng vì thiếu thời gian ôn thi. Nam sinh nhận định, ngoài sự nỗ lực thì em khá may mắn khi được trở thành một thành viên của Chuyên Ngoại Ngữ.

"Một khó khăn lớn nhất của em trong việc học ôn thi là phải lấy lại gốc tiếng Nhật hoàn toàn vì trước thời gian ôn thi em đã bỏ dở việc học trong 4 năm. Sau đó, em còn phải học thêm kiến thức nâng cao, tập làm quen với các dạng bài tập có trong đề thi nên thời gian cực kỳ gấp rút. Đề thi thì khá khó cả 3 môn, đặc biệt là môn Tự nhiên và môn Tiếng Nhật. Môn tiếng Nhật đề thi yêu cầu kiến thức từ N3 trở lên nên khá nâng cao so với trình độ của em" , Phong chia sẻ.

Một phần đặc biệt nữa là trong đề thi có bài viết luận với chủ đề khá thực tế với đời sống. Phong cho biết, mình may mắn có đọc những thông tin từ báo chí, sách... nên có thêm các thông tin "ngoài lề" bổ ích để đưa vào bài viết. Đề thi gồm những câu hỏi đa dạng chủ đề chứ không hỏi dạng lý thuyết, sẽ phù hợp với các bạn học đều, chắc kiến thức, có vốn hiểu biết xã hội tốt.

Phong cũng cho biết kiến thức là rất cần thiết, nhưng mà quan trọng hơn là tâm lý phải thật thoải mái, tự tin. Vốn dĩ Phong không đặt hoàn toàn mục tiêu vào Chuyên Ngoại Ngữ, nên gia đình với bản thân em không hề cảm thấy áp lực hay gò bó phải thi đỗ, từ đó hình thành cho em tâm lý rất thoải mái, làm bài thi cũng không mấy bị áp lực.

Ngoài tâm lý vững, để "chắc ăn" hơn, Phong khuyên các bạn hãy lên một kế hoạch ôn tập và luyện tập trước khi thi một khoảng thời gian nhất định để có đủ thời gian ôn thi, nắm vững kiến thức cũng như làm quen với các dạng đề.

Chọn học chuyên Nhật để có thêm lợi thế

Nói về việc từng chinh phục nhiều giải thưởng về tiếng Anh, nhưng cuối cùng lại chọn lớp chuyên nhật 7 năm THPT chuyên Ngoại Ngữ, Phong cho biết, trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, tiếng Anh đang dần trở thành một ngôn ngữ phổ biến và thịnh hành. Ở Việt Nam, người người nhà nhà học và giao tiếp tiếng Anh rất tốt. Trong hoàn cảnh khá "bão hòa" đó, em muốn học thêm một ngôn ngữ khác để có thêm lợi thế.

Trong các kỹ năng của tiếng Nhật, Phong đánh giá phần nghe là khó nhất. Khi học kỹ năng nghe, em cảm thấy khó khăn khi người Nhật họ nói rất nhanh và đôi chỗ có thể lược âm hoặc bị nuốt âm. Ngoài ra, với tiếng Nhật, các cấu trúc ngữ pháp sẽ đảo lộn lại làm cho việc dịch bị ngược từ cuối lên đầu và khó hơn tiếng Anh.

Yếu tố quan trọng nhất để học tốt tiếng Nhật cũng như ngôn ngữ khác đó là phải có sự đam mê và yêu thích. Từ đó, chúng ta mới có sự cởi mở tiếp nhận kiến thức và có động lực theo đuổi lâu dài. Việc học ngôn ngữ cũng cần sự kiên trì, không chỉ là trong ngày một ngày hai mà là cả quá trình dài đằng đẵng. Mỗi ngày học thêm chút kiến thức, tích tụ nhiều ngày sẽ trở nên thành thạo.

Ôn thi gấp rút, nam sinh Hà Nội vẫn thi đỗ trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, một trong những trường đỉnh nhất Thủ đô - Ảnh 3.

Bí quyết của Phong đó là phải tự tạo cho bản thân môi trường học ngoại ngữ. Ngoài học trung tâm, có thể là xem phim, sử dụng các app trò chuyện, kết bạn với những người đang học ngôn ngữ đó. Đồng thời, tạo cho bản thân một thói quen là luôn luôn học tập, sử dụng ngôn ngữ đó hàng ngày. Song song với việc luyện nói thì cũng cần phải đọc nhiều sách bằng ngôn ngữ đó. Đọc sách có thể giúp bạn tăng thêm vốn từ vựng, hiểu cách sử dụng đúng của từ.

Ở nhà Phong thường làm thêm những bài tập được giao và còn review lại kiến thức của buổi hôm đó. Tài liệu em học chủ yếu đa phần từ sách Minna no nihongo.

Phong cho biết, ở cấp 1, cấp 2; tiếng Anh là môn bắt buộc nên em sẽ tập trung học tiếng Anh hơn, còn tiếng Nhật là một ngôn ngữ học để biết thêm. Nhưng lên cấp 3, vì học chuyên Nhật nên em sẽ làm sẽ ngược lại. Nhưng không vì thế mà em bỏ bê việc học tiếng Anh. Em vẫn không quên ôn tập và học thêm kiến thức tiếng Anh vào những lúc rảnh để không bị trôi kiến thức.

Tự hào vì được là một học sinh của THPT Chuyên Ngoại Ngữ

Qua thời gian theo học, Phong đánh giá, môi trường và chương trình học ở Chuyên Ngoại Ngữ rất năng động, thoải mái, phù hợp và cởi mở với tất cả học sinh.

"Thoải mái ở chỗ ở Chuyên Ngoại Ngữ có vô vàn các hoạt động ngoại khóa, hơn 20 câu lạc bộ với đầy đủ các nội dung chủ đề, từ Thể thao, Tập san, Mỹ thuật, Âm nhạc,... cho các bạn học sinh tha hồ lựa chọn. Thậm chí trường còn đầu tư hẳn một chuyến đi Ninh Bình để cho các bạn học sinh lấy điểm cuối kỳ một số môn nữa.

Tuy vậy, khối lượng deadline, bài tập cần hoàn thành cũng rất nhiều. Người ta thường trêu THPT Chuyên Ngoại Ngữ là THPT Chuyên... ngập nước, ngập từ cả nghĩa đen đến nghĩa bóng. Học sinh sẽ được ngập trong deadline mỗi tuần nhưng điều này cũng giúp các bạn không bị bỡ ngỡ với khối lượng kiến thức, công việc khi vào đại học và khi đi làm. Nhưng đến thời điểm hiện tại em chưa cảm thấy bị quá tải với chương trình học ở đây vì em có thể cân bằng giữa việc học và việc vui chơi nên khá thoải mái" , Phong chia sẻ.

Phong luôn để cuối tuần là khoảng thời gian thư giãn và giải trí, còn những ngày trong tuần có thể dùng để chạy deadline bài tập để không bị căng thẳng. Trong tương lai, nam sinh mong muốn sẽ được đi du học và theo học một ngôi trường tốt ở nước ngoài.

Theo Hiểu Đan

Phụ nữ mới

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên