MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông chủ Vinasun: Có hơn 17.000 nhân viên nhưng không cần đến trợ lý, biết hết cái giỏi của từng người

18-03-2017 - 11:19 AM | Doanh nghiệp

Từng là Phó chủ tịch phường Bến Thành, sau ông Đặng Phước Thành nhường “biên chế” cho anh em, bước vào nghiệp kinh doanh – niềm đam mê có từ năm 13 tuổi. Ông chủ Vinasun quan niệm: Ở đời, lao vào kinh tế quá sẽ là nô lệ của đồng tiền. Phải xử lý bằng cách vui thú điền viên…

Ít người biết doanh nhân Đặng Phước Thành – Chủ tịch HĐQT Vinasun, nổi tiếng về câu chuyện bán bưởi trên xe taxi mới đây, từng là Phó Chủ tịch phường 11 (các nhiệm kỳ 1984-1986-1988), rồi Phó Chủ tịch phường Bến Thành (phường 11 sáp nhập với phường 12, nhiệm kỳ 1991), Quận 1.

Sau ông được điều động về Công ty Du lịch Bến Thành rồi Công ty xuất nhập khẩu Quận 1. Năm 1995, nhường “biên chế” cho anh em, ông bước ra kinh doanh với lĩnh vực mà ông đam mê từ thuở 13 – kinh doanh nhà hàng với việc gây dựng công ty TNHH Trầu Cau.

“Mẹ là người ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất về cách sống cũng như quan điểm kinh doanh. Khi còn nhỏ, vì gia đình đông anh em nên mới 10 tuổi tôi đã phải vừa học vừa phụ mẹ nấu rượu, nuôi heo, nuôi cá”, ông Thành trải lòng trên tạp chí Vietnam Business Forum.

“Được thừa hưởng đức tính chịu thương chịu khó và sự nhạy bén của mẹ nên 13 tuổi tôi đã biết tính toán chi li, tạo ra một "mô hình khép kín" trong chăn nuôi để gia tăng thu nhập cho gia đình. Và có thể nói "máu làm ăn" của tôi đã manh nha từ đấy”.

Cùng với sự phát triển ngành du lịch Việt Nam thời kỳ mở cửa, năm 2002 Trầu Cau đổi tên thành Công ty TNHH Thương mại dịch vụ du lịch và tư vấn đầu tư Ánh Dương Việt Nam. Ông Thành mở rộng kinh doanh của công ty sang hoạt động tổ chức tour du lịch trong ngoài nước, tư vấn du học và bán vé máy bay.

Kinh nghiệm từ những năm làm du lịch giúp ông Thành rất nhiều trong việc xây dựng văn hóa Vinasun sau này. Đây chính là điểm khác biệt giúp lính mới Vinasun đánh bật các bậc tiền bối trên thị trường taxi Việt Nam khi các đối thủ đang mải “ngủ quên trên chiến thắng”.

Ông chủ có hơn 17.000 lao động nhưng không cần trợ lý, tạo sự cân bằng với thú trồng bưởi

Trong kinh doanh, ông Thành cho biết yếu tố ông coi trọng nhất là con người. Coi trọng con người là coi trọng tài năng, sở trường của người đó và đãi ngộ xứng đáng với cống hiến của người đó cho công ty, cho công việc, như thế mới hiệu triệu được mọi người.

“Với hơn 17.000 lao động, 6.000 đầu xe, nếu không có tầm nhìn, không áp dụng công nghệ mới liên tục, sẽ bị tụt hậu liền. Cùng với đó là giữ gìn, tạo dựng văn hóa thương hiệu, có chiến lược phát triển hợp lý. Nếu đầu tư dàn trải là chết. Phải có tư duy đi trước, bộ nhớ cực kỳ tốt, nói là làm, và làm tới nơi tới chốn”, ông Thành tâm sự trên tờ Nhịp cầu Đầu tư.

Tôi không có trợ lý gì cả, cũng không ngồi yên ở ghế văn phòng mà điều hành. Tôi đi suốt, chủ thể bản quan của mình phải làm sao thoải mái, nhưng đừng để bao giờ thất bại trong kinh doanh”, ông chủ Vinasun chia sẻ.

Xuất thân nông dân và rất thích trồng khoai trồng lúa, nhưng ông Thành tâm sự: “Mỗi lần về quê, thấy dân mình… nghèo hơn!”

“Vụ Đông Xuân vừa rồi mỗi hộ lỗ mấy triệu bạc. Cứ lúa cũ đổi lúa mới, lỗ cũng phải làm, vì đâu có việc gì khác. Tôi thấy điều đó rất bức xúc. Nếu chỉ giúp riêng cho nông dân huyện Lấp Vò thì đâu có thay đổi được gì. Tôi mong ước cho đời sống nông dân cả nước khá lên”.

Sau những thăng trầm trong kinh doanh, ông cho rằng phải tạo sự thăng bằng trong chủ thể. Ông quan niệm: Đời thường, lao vào kinh tế quá thì sẽ là nô lệ của đồng tiền. Phải xử lý bằng cách vui thú điền viên, làm gì để lại cho đất nước.

“Trồng bưởi cũng là thú vui điền viên của tôi, nhưng lại có hiệu quả kinh tế rất tốt. Triển khai mấy héc ta trồng bưởi, tôi rất vui vì biết từng cây bưởi một, biết cái giỏi của từng người. Tôi dành thời gian cho chuyện trồng bưởi, xây dựng nhà thờ và kinh doanh công ty cân bằng. Muốn vậy ngay từ đầu xây dựng bộ máy nhân sự cho chuẩn”.

Theo Bình An

Trí thức trẻ

Trở lên trên