MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông cụ chi hơn 60 triệu đồng/tháng mua 2 gói bảo hiểm nhân thọ, con gái phát hiện điểm bất thường, đòi lại tiền thì được thông báo: "Chị phải đợi thêm 28 năm nữa"

06-11-2024 - 11:09 AM | Sống

Ông cụ chi hơn 60 triệu đồng/tháng mua 2 gói bảo hiểm nhân thọ, con gái phát hiện điểm bất thường, đòi lại tiền thì được thông báo: "Chị phải đợi thêm 28 năm nữa"

Vì rút tiền bảo hiểm trước thời hạn nên cha con ông cụ Trung Quốc chỉ nhận được một số tiền nhỏ so với toàn bộ số tiền đã bỏ ra.

Năm 2018, ông Hà ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, bất ngờ nhận được cuộc gọi từ một nhân viên bán bảo hiểm trên địa bàn. Đối phương cho biết công ty họ đang có gói bảo hiểm nhân thọ kỳ hạn 10 năm với lãi suất cao. Nếu tham gia, sau 10 năm, ông Hà có thể được hoàn tiền tới 120%. Nghe những lời mời gọi hấp dẫn này, ông Hà đã đồng ý mua gói bảo hiểm nhân thọ mà nhân viên này giới thiệu. Nhân viên này sau đó đã gửi hợp đồng bảo hiểm đến tận nhà để ông Hà ký tên.

Đến năm 2019, một nhân viên bán bảo hiểm khác tiếp tục gọi điện cho ông Hà và mời ông mua gói bảo hiểm tương tự. Ông cụ này cũng không suy nghĩ nhiều mà tiếp tục đồng ý tham gia. 

Một năm sau đó, chị Hà - con gái của ông Hà ở xa về thăm thì vô tình tìm thấy 2 hợp đồng bảo hiểm của cha mình. Sau khi xem xét kỹ càng, chị Hà phát hiện ra rằng chúng có nội dung tương tự nhau, chỉ khác ngày tháng tham gia. Điều đó có nghĩa là cha của chị đang phải đóng phí bảo hiểm gấp đôi mỗi tháng cho cùng 1 loại bảo hiểm. Theo đó, ông cụ này phải trả gần 17.000 NDT/ tháng (hơn 60 triệu đồng) cho cả 2 gói bảo hiểm nói trên.

Không những thế, theo chia sẻ của người phụ nữ này, 2 gói bảo hiểm mà cha chị tham gia đều có kỳ hạn 30 năm thay vì 10 năm. Biết cha mình đã “sa bẫy” nhân viên tư vấn bảo hiểm, người phụ nữ này đã liên hệ công ty bảo hiểm để yêu cầu rút tiền. Tuy nhiên, nhân viên cho biết nếu chị nhất quyết muốn rút tiền ở thời điểm đó thì số tiền mà chị có thể nhận được chỉ là 5.500 NDT (hơn 19 triệu đồng). 

Nhân viên này cho biết, việc rút tiền trước thời hạn sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng. Do đó, người này khuyên chị Hà nên để cha mình tiếp tục tham gia 2 gói bảo hiểm trên và chờ thêm 28 năm nữa để có thể nhận loại toàn bộ tiền gốc và lãi.

Ông cụ chi hơn 60 triệu đồng/tháng mua 2 gói bảo hiểm nhân thọ, con gái phát hiện điểm bất thường, đòi lại tiền thì được thông báo: "Chị phải đợi thêm 28 năm nữa"- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Internet

Chị Hà nghe vậy thì vô cùng tức giận. Chị cho biết cha mình hiện giờ đã già yếu, khó có thể đợi đến thời điểm đó để nhận được tiền. Hai bên sau đó đã nhiều lần đàm phán nhưng vẫn không tìm được tiếng nói chung. Cuối cùng, chị Hà quyết định “nhún nhường” và nhận về số tiền 5.500 NDT.

Chia sẻ với phóng viên địa phương, người phụ nữ này cho biết vì chị ở xa và công việc cũng rất bận rộn nên không thể suốt ngày đến công ty bảo hiểm để “đòi tiền”. Do đó, chị Hà chỉ đành bỏ cuộc.

Ngay khi biết đến câu chuyện của chị Hà, phóng viên địa phương đã đến công ty bảo hiểm nói trên để thông tin về sự việc. Tuy nhiên, phía công ty bảo hiểm chỉ cho biết vấn đề giữa họ và cha con chị Hà đã được giải quyết một cách êm đẹp. Khi phóng viên đặt câu hỏi về việc nhân viên công ty này từng có hành vi “tư vấn” sai thông tin cho khách hàng, phía công ty này đã từ chối đưa ra câu trả lời.

Về vấn đề này, một luật sư ở Tứ Xuyên cho biết trong những năm gần đây, các vụ kiện tụng phát sinh từ sản phẩm bảo hiểm trở nên phổ biến, phần lớn là do nhân viên tư vấn không làm tròn nghĩa vụ tư vấn cho khách hàng hoặc lừa dối khách hàng, gây ra tranh chấp. Với trường hợp của ông Hà, nếu không có bằng chứng chứng minh nhân viên của công ty bảo hiểm có hành vi lừa dối khách hàng thì rất khó để khởi kiện. 

Vị luật sư này cũng cho rằng, người cao tuổi là đối tượng yếu thế, dễ bị các đối tượng xấu nhắm đến để lợi dụng hoặc lừa gạt. Để tránh những trường hợp tương tự xảy ra, gia đình cần quan tâm và hỗ trợ người già tiếp nhận những thông tin chính xác, thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn lừa đảo của kẻ xấu cho ông bà, cha mẹ nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác và tránh bị người lạ dụ dỗ qua điện thoại, trên môi trường mạng. 

 (Theo News.qq)

Ánh Lê

Đời sống và Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên