MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Đinh La Thăng nói không vụ lợi, không làm trái, đề nghị được xem xét đúng bản chất sự việc

22-03-2018 - 11:29 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo ông Đinh La Thăng, một công ty Singapore và 1 công ty VN muốn mua cổ phần của PVN, nếu được thoái vốn thì đã không mất 800 tỷ. Hơn nữa việc Oceanbank lỗ cũng không quan hệ biện chứng, nhân quả gì với việc đầu tư của PVN. Kết quả kinh doanh phụ thuộc vào HĐQT của Oceanbank, giống như vi phạm giao thông thì phạt người đi xe máy chứ không thể phạt bố mẹ người đi xe máy vì đã mua xe.

Sáng nay ngày 22/3, sau khi VKS công bố đề nghị mức án 18 – 19 năm tù, ông Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch PVN đã có bài tự bào chữa đến gần một giờ đồng hồ.

Bắt đầu bài bào chữa, ông Đinh La Thăng khẳng định việc PVN đầu tư vào Oceanbank nhằm giải quyết hệ lụy là Ngân hàng Hồng Việt của ngành dầu khí không được phép thành lập. Khi đó, PVN đã tìm nhiều đối tác nhưng chỉ NH Đại Dương đồng ý các điều kiện PVN nêu ra về tiếp nhận nhân sự, phương tiện của ban trù bị Hồng Việt. Việc đầu tư vào Oceanbank không hề vụ lợi, không có động cơ cá nhân, vô cùng minh bạch…

Ông Đinh La Thăng nói rằng đề nghị HĐXX xem xét kỹ việc Ngân hàng Đại Dương bị NHNN mua 0 đồng, vì đây là nguyên căn dẫn đến sự việc hiện nay.

Việc Oceanbank lỗ cũng không quan hệ biện chứng, nhân quả gì với việc đầu tư. Kết quả kinh doanh phụ thuộc vào HĐQT của Oceanbank. Giống như vi phạm giao thông thì phạt người đi xe máy chứ không thể phạt bố mẹ người đi xe máy vì đã mua xe.

Ông Thăng khẳng định, nếu PVN được thoái vốn, sẽ không mất 800 tỷ đồng khi Oceanbank bị mua 0 đồng. "Việc thoái vốn, PVN đã rất chủ động, từ năm 2012 đã xây dựng lộ trình thoái vốn, được Thủ tướng đồng ý cho thoái vốn 100% trong giai đoạn năm 2013 – 2014. Việc này cũng được Oceanbank đồng ý và có 2 đối tác muốn mua cổ phần trong đó 1 công ty của Singapore mua 15% và một của Việt Nam mua 5%".

Bị cáo Đinh La Thăng cũng nói PVN đã báo cáo Thủ tướng, đầu tiên được đồng ý như HĐXX đã biết sau đó 13 ngày không đồng ý vì NHNN bảo phải chuyển vốn về NHNN và rồi 2 tuần sau NHNN mua 0 đồng.

"Nếu PVN được thoái vốn thì không thể bị mất. Tất cả các bên đều đồng thuận, PVN xin rút, Oceanbank cho rút, 2 công ty xin mua. Nếu được cho thoái vốn thì không thể mất 800 tỷ, mong HĐXX xem xét" – ông Thăng nói.

Ông Đinh La Thăng cho rằng, về mua 0 đồng, tòa án cũng đã yêu cầu Chính phủ xem xét việc mua 0 đồng và Chính phủ cũng có văn bản chấm dứt mua 0 đồng.

Ông Hà Văn Thắm có hơn 60% cổ phần ở OceanBank nhưng không biết gì việc mua 0 đồng, PVN nắm 20% cũng không biết. Giả sử mua 0 đồng do kinh doanh thua lỗ thì NHNN phải hoàn tiền bù vào 14.000 tỷ, bù 4.000 tỷ vào vốn điều lệ. Nhưng quy định là NHNN không được dùng ngân sách để bù lỗ.

Ông Thăng nhắc lại, như vậy rõ ràng có vấn đề trong việc mua 0 đồng và chính việc mua này là nguyên nhân quan trọng nhất, việc Chính phủ không cho thoái vốn là nguyên nhân quan trọng tiếp trong việc PVN và các cổ đông bị mất vốn.

Ông Đinh La Thăng nói không vụ lợi, không làm trái, đề nghị được xem xét đúng bản chất sự việc - Ảnh 1.

Ông Đinh La Thăng tự bào chữa trước tòa sáng 22/3

Về bảo toàn vốn, việc đầu tư của PVN là có hiệu quả, đã nhận được hơn 244 tỷ cổ tức. Tháng 8/2011 bị cáo đã chuyển công tác, sau 3 năm Oceanbank vẫn chia cổ tức vì vậy bị cáo chỉ chịu trách nhiệm đến tháng 8/2011. Bị cáo chuyển đi, mọi quyền hạn, nghĩa vụ bị cáo không còn gì.

Bị cáo không chối bỏ trách nhiệm, nếu có vi phạm thì bị cáo hoàn toàn có trách nhiệm trong vai trò người đứng đầu nhưng xem xét lại việc đầu tư vào Oceanbank đã hoàn toàn có hiệu quả. Việc mất vốn là do không được cho thoái vốn và NHNN mua 0 đồng.

Ông Đinh La Thăng cũng nói, khi vụ án chưa xảy ra thì ông có gọi điện cho các thành viên Hội đồng thành viên để xác nhận về việc có biết chủ trương, biên bản ký thỏa thuận với Hà Văn Thắm để góp vốn vào Oceanbank.

Tuy nhiên, sau đó những người này bị cơ quan CSĐT gọi thì lại không đồng tình về việc này và coi đây là cả nể nên ký. Bị cáo thấy không nhất thiết phải xác nhận việc đó nữa.

Việc  cáo trạng nêu là hành động che giấu hành vi phạm tội nhưng việc này xảy ra từ tháng 3/2017 đến tháng 12/2017, bị cáo bị khởi tố cho nên ở đây không có gì liên quan đến che giấu cả mà chỉ là đề nghị xác nhận theo tự giác, tự nguyện của từng người, không ép buộc.

Về góp vốn lần 3 trị giá 100 tỷ vào Oceanbank bị cáo buộc trái pháp luật, khi ấy bị cáo đi công tác và có ủy quyền cho cấp dưới điều hành HĐQT. Tuy nhiên, tại phiên tòa cũng như hồ sơ, bị cáo thấy người ủy quyền cũng như tham gia ký Nghị quyết dù chưa phù hợp quy định nhưng đã được các cơ quan có thẩm quyền như NHNN, Sở Kế hoạch đầu tư Hải Dương đồng ý và không ý kiến gì về vấn đề này.

Trong các quyết định chấp thuận của cơ quan Nhà nước cũng ghi rõ là cổ đông đồng ý góp 800 tỷ đồng, chứng tỏ việc này đã được đồng ý. Vì vậy, việc góp vồn 100 tỷ lần 3, các cá nhân được ủy quyền, thành viên HĐQT ký không vi phạm.

Bị cáo đề nghị VKS, HĐXX xem xét lại việc góp vốn lần 3 còn bản thân bị cáo không chỉ đạo, không biểu quyết Nghị quyết này. Văn bản ông Nguyễn Xuân Sơn trình HĐQT là trong thời gian bị cáo đi công tác nên không chỉ đạo được.

Cuối cùng bị cáo Đinh La thăng gửi lời cảm ơn tới chủ tọa phiên tòa, VKS, cơ quan điều tra, luật sư…và mong được xem xét thấu tình đạt lý. Bản thân bị cáo và các anh em (các bị cáo) luôn tuân thủ pháp luật, không bao giờ có hành động cố ý làm trái. Việc đầu tư vào Ngân hàng Oceanbank là công khai minh bạch, không có vụ lợi, cá nhân, không tư lợi, mà hoàn toàn trong sáng. Bị cáo mong HĐXX xem xét trong bối cảnh lịch sử, bản chất sự việc.

Nhóm PV

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên