MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Dominic Scriven: Cần tránh doanh nghiệp “nay là Ta, mai là Tây, mốt lại là Ta”

16-06-2017 - 15:49 PM | Doanh nghiệp

Chuyên gia đầu tư lâu năm tại Việt Nam Dominic Scriven kiến nghị cần sửa đổi quy định về sở hữu nước ngoài trên thị trường để tránh tình trạng doanh nghiệp Việt Nam nơm nớp “nay là Ta, mai là Tây, mốt lại là Ta”.

Đại diện cho Nhóm Công tác Thị trường vốn tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2017, ông Dominic Scriven nêu một số kiến nghị về giải pháp trong ngắn hạn để thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam theo tinh thần “tự cứu mình trước”.

Nhằm tăng sức mua trên thị trường hay khả năng của các công ty huy động vốn trong và ngoài nước, ông Scriven kiến nghị cho phép lập quỹ mở thành viên, xem lại Thông tư 32 của Ngân hàng Nhà nước cho phép quỹ đầu tư được mở tài khoản, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép các ngân hàng thương mại được phân phối các sản phẩm đầu tư.

Đối với quỹ hưu trí tự nguyện, đại diện Nhóm Công tác Thị trường vốn cho rằng chính sách ưu đãi thuế cho việc đóng góp vào quỹ chưa phù hợp. Theo đó, chính sách thuế hiện tại cho phép miễn trừ tối đa 1 triệu đồng/tháng áp dụng đối với cả người lao động và người sử dụng lao động không tạo được động lực và không đủ hấp dẫn để người lao động và người sử dụng lao động tham gia quỹ hưu trí tự nguyện.

Ông Dominic Scriven cho rằng Luật Chứng khoán sửa đổi cần luật hóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam để tạo sự ổn định và tin tưởng cho các nhà đầu tư theo phương thức cho phép sở hữu nước ngoài lên đến 100% tại các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, các công ty đại chúng và các quỹ đầu tư, trừ trường hợp luật quy định khác.

Ngoài ra, các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty quản lý quỹ, công ty đại chúng và các quỹ đầu tư thành lập ở Việt Nam, được coi là nhà đầu tư trong nước không kể tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty và các quỹ này.

“Đối với khả năng huy động vốn đầu tư nước ngoài, kiến nghị xem lại cách hiểu Nghị định 60/2015. Hiện giờ do sở hữu nước ngoài có thể thay đổi trên dưới 49% trên thị trường, các công ty Việt Nam phải đối phó với Luật đầu tư theo hướng là nay là Ta, mai là Tây, mốt lại là Ta”, ông Scriven nói.

Đối với việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, ông Scriven đề xuất tăng mức xử phạt đối với các công ty đã cổ phần hóa mà chưa lên sàn theo quy định.

Đối với thoái vốn nhà nước sau cổ phần hóa, sếp của Tập đoàn Capital Dragon đề xuất hình thức bán vốn theo hình thức bán dựng sổ, như một số công ty tư nhân như Vietjet, Novaland, VPBank đã thành công gần đây.

Trong một giải pháp dài hạn, ông Scriven cũng khuyến nghị Chính phủ trình Quốc hội xem lại Luật Chứng khoán, nâng cấp quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc thanh tra và xử lý các vi phạm trên thị trường chứng khoán.

Theo Minh Tuấn

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên