MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Dũng “lò vôi”: Kinh tế và hạnh phúc mãi mãi vẫn là hai, chứ không phải là một!

Kinh tế dẫu thiện xảo đến đâu cũng chỉ là phương tiện, con đường hạnh phúc rất cần phương tiện kinh tế để thực hiện, nhưng hiển nhiên nó không phải là… con đường kinh tế. Kinh tế và hạnh phúc, dù muốn dù không, mãi mãi vẫn là hai chứ không phải là một.

Ngày xuân Canh Tý, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch Công ty cổ phần Đại Nam, người thường được biết đến rộng rãi với tên gọi thân mật Dũng "lò vôi", về đề tài mà nhiều người vẫn đau đáu trong thời truyền thông số và vạn thuở: Kinh tế, Đạo đức và Hạnh phúc.

Những trải nghiệm của một doanh nhân với rất nhiều sóng gió, thăng trầm và thành tựu, chứa chan tinh thần đạo học phương Đông, đặc biệt là Phật pháp.

- Phóng viên: Theo ông, có phải "Có tiền, mua tiên cũng được?"

- Ông Huỳnh Uy Dũng: Nhìn vào thực tiễn, chúng ta thừa nhận công năng và ảnh hưởng to lớn của cái gọi là kinh tế đối với cuộc sống loài người. "Mạnh vì gạo, bạo vì tiền. Có tiền mua tiên cũng được. Có tiền đổi trắng thay đen khó gì…".

Ca dao tục ngữ phản ảnh trí khôn của loài người, đã có hàng trăm hàng ngàn câu phán quyết khẳng định giá trị của cái gọi là kinh tế như thế.

Tuy nhiên, nếu xét về mối tương quan nhân quả, chúng ta có thể mạnh dạn nói rằng, dù quan trọng đến cỡ nào, vai tuồng của kinh tế cũng không phải vai tuồng "độc tôn của thượng đế".

Nó không phải là đầu mối uyên nguyên của tất cả. Tuy nó quyết định nhưng đồng thời, song song, nó vẫn bị quyết định. Tóm lại, kinh tế tuy đóng một vai quyết định nào đó trong mức sống của loài người và kể cả của vạn loài nữa, nhưng đồng thời, nó vẫn luôn luôn bị quyết định bởi một yếu tố khác. Cụ thể, thực tiễn của lịch sử cũng như của đời sống chứng minh rằng một nền kinh tế nào đó – của một cá nhân cũng như của một cộng đồng – tình trạng thịnh suy của nó luôn luôn được quyết định bởi những yếu tố tinh thần (của người lãnh đạo nền kinh tế ấy).

Một nền kinh tế hưng thịnh là do được lãnh đạo bởi một đầu óc sáng suốt cũng như một trái tim nhân ái. Mà muốn có đầu óc sáng suốt và một trái tim nhân ái, đương nhiên người giữ vai tuồng lãnh đạo phải là người có đạo đức.

- Có nghĩa rằng theo ông, Kinh tế và Đạo đức quyết định lẫn nhau?

- Đạo đức là đầu mối uyên nguyên của "một đầu óc sáng suốt và một trái tim nhân ái" vậy. Hai yếu tố nói trên (một đầu óc sáng suốt và một trái tim nhân ái) chỉ có thể hội tụ - và hội tụ miên viễn lâu bền - trong một con người đạo đức. Giả sử có một nhà lãnh đạo kinh tế nào đó có trí năng xuất chúng, có thể nghĩ ra được những kế sách thần tình để kiếm ra thật nhiều tiền, làm cho cơ sở kinh tế do mình tạo ra được hưng thịnh. Giả sử như thế đi nữa thì sự hưng thịnh ấy chắc chắn cũng sẽ không thể lâu bền được. Đó chỉ là một sự hưng thịnh phù du, nhất thời. Về lâu về dài, một nền kinh tế chỉ phất lên do mỗi yếu tố tài năng tinh xảo, sẽ không thể vĩnh tồn.

Ông Dũng “lò vôi”: Kinh tế và hạnh phúc mãi mãi vẫn là hai, chứ không phải là một! - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Uy Dũng với khoảnh khắc tràn đầy nhiệt huyết. Ảnh: An Tâm.

Muốn có sự vĩnh tồn, nó phải được duy trì, như trên đã nói, bởi cái giá trị tinh thần gọi tóm gọn là Đạo Đức.

Một nền kinh tế bền vững là một nền kinh tế được xây dựng  và duy trì, nhất là duy trì trên chữ Tín. Chẳng những một sự nghiệp kinh tế, mà kể cả một sự nghiệp chính trị cũng vậy, chỉ có thể đứng vững trên nền tảng của chữ Tín. Mà, chữ Tín là do đâu mà có? Là do Đạo Đức vậy.

Không có Đạo Đức, người lãnh đạo sẽ không đủ khả năng để duy trì phẩm chất trí tuệ của mình, cái phẩm chất mà giả sử ông ta - hoặc  bà ta đã từng có. Cũng thế, ông ta hoặc bà ta sẽ không đủ năng lực để duy trì nhịp đập của trái tim mình trong cung bậc của tình nhân ái trong sáng, thuần nhiên.

Dục vọng - phú quý năng dâm mà - sẽ làm ông ta hoặc bà ta sớm thui chột những tình cảm tốt đẹp, những tình cảm tính bổn thiện, để trở thành một con người vô cảm, "tập tương viễn", chỉ biết nghĩ đến những thú vui thấp hèn. Và như vậy, "người lãnh đạo"  ấy sẽ lý đương nhiên trở thành người vô đạo đức, đồng thời lý đương nhiên cái sự nghiệp kinh tế của ông ta cũng sụp đổ, tỷ lệ thuận theo sự sa sút phẩm chất đạo đức của mình.

Thực tiễn của lịch sử cũng như của xã hội đã chứng thực cho hai định luật nói trên:

Một là: Kinh tế quyết định (mức sống của loài người), và

Hai là: Đạo Đức quyết định (sự thịnh suy) của kinh tế…

Chúng ta đã chứng kiến qua lịch sử cũng như qua thực tiễn xã hội, biết bao sự nghiệp kinh tế rực rỡ của một cá nhân, một tập đoàn cũng như của một quốc gia, nhưng rõ ràng là những sự nghiệp kinh tế ấy vẫn chưa đủ khả năng tạo dựng hạnh phúc cho "người trong cuộc" - một khi mà sự nghiệp kinh tế ấy không được "bảo kê" bởi một tinh thần đạo đức tốt lành.

- Ông có thể chia sẻ quan niệm của ông về hạnh phúc?

- Cổ đức từng ví của cải như một con rắn độc. Cố nhiên chúng ta phải hiểu nghĩa chữ của cải nói ở đây là thứ "của cải bẩn" do tội ác mà có. Với loại của cải này, sánh nó với một con rắn độc là quá chính xác. Những đồng tiền do làm điều ác mà có, nó lạ lùng lắm, cứ như là chuyện thần bí vậy, nó luôn luôn "ma đưa lối quỷ đưa đường", người sở hữu nó cứ "tìm những lối đoạn trường" mà đi.

Ông Dũng “lò vôi”: Kinh tế và hạnh phúc mãi mãi vẫn là hai, chứ không phải là một! - Ảnh 2.

Ông Huỳnh Uy Dũng luôn nhớ về Tổ tiên. Ảnh: TL.

Đây không phải là chuyện ngụ ngôn của tôn giáo đâu, đây là báo cáo thực tiễn vậy. Về việc này chẳng cần dẫn chứng làm chi. Xem trong sách sử, nhất là xem trong thực tiễn sẽ thấy quả như vậy. Rằng của cải (do lừa đảo, buôn bán vật hại người, buôn người, buôn vũ khí, trộm cướp, v.v…) quả đúng là con rắn độc (mà ta rước về nhà) chẳng sớm thì chày, "giờ gặt" tới, "con rắn của cải bẩn" sẽ quay lại cắn ta. Làm cho vợ con ta hư hỏng, sa đọa, và cả bản thân ta cũng thân bại danh liệt chẳng khác gì.

Tại sao chuyện thực ở đời mà cứ như chuyện ngụ ngôn. Thì ra đó là định luật. Cổ văn nói bóng bẩy: "thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu". Cái lưới trời nó lồng lộng thế, một mảng tơ cũng không lọt ra ngoài. Làm thiện gặp thiện, làm ác gặp ác. Thỉnh thoảng "kinh điển" và "thực tiễn" mới có dịp mặt giáp mặt, tay cầm tay. Hy hữu lạ lùng! Hào hứng lạ lùng!

Trở lại vấn đề kinh tế và hạnh phúc. Tựu trung, chúng ta không hề phủ nhận vai tuồng của kinh tế trong cứu cánh của hạnh phúc. Không có bát sữa của cô chăn bò (mục nữ) chắc gì bậc Toàn Giác đã lấy lại được sức để nhập vào Đại Định, chứng được bản lai diện mục. Có thực mới vực được đạo. Tuy chỉ là phương tiện, nhưng thiếu vắng phương tiện, lấy gì đạt cứu cánh đây!

Tuy nhiên nói cho cùng, phương tiện dù tối thắng diệu xảo cỡ nào, bản thân cũng chỉ là phương tiện. Và con đường hạnh phúc, dẫu rất cần sự trợ duyên trợ lực của kinh tế, cũng chắc chắn không thể mỗi cậy trông vào kinh tế để khai quang vẹn toàn.

Vì chưng, như trên đã nói, rõ ràng kinh tế dẫu thiện xảo đến đâu, cũng chỉ là phương tiện, con đường hạnh phúc rất cần phương tiện kinh tế để thực hiện, nhưng hiển nhiên nó không phải là… con đường kinh tế. Kinh tế và hạnh phúc, dù muốn dù không, mãi mãi vẫn là hai chứ không phải là một.

Chính vì không phân biệt rõ điều này mà chúng ta đã, trong những ngàn năm, làm cái việc của con dã tràng xe cát biển đông, nhọc lòng rất nhiều mà chẳng mấy khi bước chân được lên con đường hạnh phúc.

Ông Dũng “lò vôi”: Kinh tế và hạnh phúc mãi mãi vẫn là hai, chứ không phải là một! - Ảnh 3.

Ông chủ KDL Đại Nam nét mặt rạng rỡ, phía sau là bức ảnh chân dung vợ treo trang trọng trên tường phòng khách. Ảnh: An Tâm.

Hạnh phúc mà chúng ta tìm kiếm không phải là cơm áo (hay nói đúng hơn, nó không chỉ là cơm áo). Nó không phải là nhục dục, nó không phải là danh vọng… Tóm lại, nó không phải là những gì thuộc ngũ lạc: tài, sắc, danh, thực, thùy… Lại cũng không phải là những gì thuộc tứ đổ tường: tửu, sắc, tài, phiến… Tắt một lời, nó không phải chỉ là những gì làm cho ta sướng.


Vì sao như thế? Suy cho cùng, bởi vì mọi cái thuộc ngũ lạc, thuộc tứ đổ tường dẫu có đem lại cái sướng cho người sử dụng nó thực, nhưng cái sướng đó, nếu có, cũng chỉ là cái sướng thuần "sinh vật lý", chỉ có thể đem đến cho "người trong cuộc" một thỏa mãn nhất thời trong phạm vi cảm giác, chứ không đáp ứng được nỗi niềm khát khao về cái gọi là hạnh phúc của con người được.

Một cảm giác "đã" sau một hành sự nào đó chẳng những đã không đáp ứng được nỗi khát khao hạnh phúc trong tâm tư con người, trái lại nó còn tạo ra cái hệ lụy của một trạng thái nghiện ngập đầy phiền toái. Là vì, bản chất con người, một khi ăn quen ắt bén mùi, mà đã bén mùi thì vô hình trung "người trong cuộc" bị trói buộc vào cái gọi là mùi đó, hết đêm tơ tới ngày tưởng, rốt cuộc hóa thành tù nhân của "cái gọi là sướng" mà mình đã lỡ bén mùi kia.


Cho nên cổ đức thường căn dặn chúng ta nên thanh tâm thiểu dục. Là vì thanh tâm thiểu dục thì ít bị bén mùi, ít bị bén mùi thì ít sa vào tình trạng nô lệ, thì được tự do. Mà tự do, nó chính là yếu tính thiêng liêng bất khả ly của cái gọi là hạnh phúc, cái này là con đường hạnh phúc…

- Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!



Theo An Tâm

Viettimes

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên