MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Hoàng Nam Tiến "tê cứng, đau buốt, mờ luôn ý thức..." nhưng rất "phê" khi bơi ở hồ băng tại Phần Lan: Nơi này có gì đặc biệt mà du khách nào cũng muốn thử?

29-02-2024 - 13:36 PM | Lifestyle

Ông Hoàng Nam Tiến cho biết, khi nhảy xuống nước hồ băng tại Phần Lan mới hiểu như thế nào là lạnh: "tê cứng, đau buốt, mờ luôn ý thức…".

Những ngày gần đây, ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT (FPT Education) thường xuyên khoe hình ảnh đang nghỉ dưỡng cùng gia đình và bạn bè tại Phần Lan khiến cộng đồng mạng không khỏi ngưỡng mộ.

Đặc biệt, trong chuyến du lịch này, ông Tiến chia sẻ đã được trải nghiệm rất nhiều hoạt động lý thú như chạy xe chó kéo trên tuyết, đi mô tô trong rừng, thưởng thức ẩm thực của đất nước hạnh phúc nhất thế giới và đặc biệt là thử thách tắm dưới hồ băng.

Ông Hoàng Nam Tiến

Ông Hoàng Nam Tiến đang có kỳ nghỉ cùng gia đình tại Phần Lan - Ảnh: FBNV

"Quy trình trải nghiệm:

1. Xông khô 80 độ C

2. Nhảy xuống hồ băng, ngoài trời âm 2 độ nhưng vì gió nên lạnh như âm 7 độ.

(đã từng trải nghiệm nơi -33 độ, nhưng nhúng cái nước hồ băng mới hiểu chữ lạnh viết thế nào: tê cứng, đau buốt, mờ luôn ý thức…)

3. Cố gắng lần từng bước lên bờ

4. Và nhảy vào bể sục nóng 42 độ.

Chữ phê kéo rất dài....", ông Hoàng Nam Tiến viết trên trang cá nhân.

Có lẽ, chỉ cần trải qua mùa đông tại Hà Nội đã khiến nhiều người cảm thấy lạnh tê tái nên khi chứng kiến Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT ngâm mình trong dòng nước băng tuyết càng khiến cộng đồng mạng rùng mình.

Được biết, bơi trong băng, lăn mình trên tuyết hoặc nhảy vào một lỗ nhỏ được khoan từ bề mặt băng là những hoạt động yêu thích của người dân ở Phần Lan nói riêng và các quốc gia Bắc Âu nói chung.

Bên cạnh đó, người dân trên quê hương của ông già Noel còn sáng tạo nên nhiều hình thức khác nhau như bơi cùng cá heo trên dòng nước đóng băng, tắm khỏa thân hay thậm chí là tổ chức giải bơi lội mùa đông.

Ông Hoàng Nam Tiến

Tắm dưới dòng sông băng tuyết là một phần truyền thống của người dân Phần Lan

Người Phần Lan quan niệm rằng không gì tốt cho sức khỏe bằng việc nhảy xuống dòng sông băng giữa hai lần tắm hơi.

Năm 2019, "Người băng" Wim Hof, một du khách đến từ Hà Lan đã truyền cảm hứng cho hàng nghìn du khách về phương pháp chữa bệnh và giúp sống thọ từ hoạt động tắm băng. Liệu pháp tắm nước lạnh để sống lâu này cũng được gọi là phương pháp Wim Hof, dựa trên các bài tập thở khác nhau khi ngâm cơ thể trong nhiệt độ cực lạnh.

Hof nổi tiếng đến mức được mời xuất hiện trên kênh truyền hình quốc gia. Ông cho biết, mình bắt đầu tắm trong nước đóng băng khi mới 17 tuổi. Thay vì cảm thấy lạnh cóng và chạy vội đi tìm một chiếc khăn quấn cho ấm người, Hof nói rằng việc ngâm trong băng mang lại cho ông cảm giác sảng khoái chưa từng có. Đầu óc ông như tỉnh táo hơn. Và kể từ đó, Hof gắn liền cuộc sống của mình với phương pháp tắm này.

Hiện tại, dù đã qua tuổi 60, ông cho biết đã dành cả cuộc đời để giới thiệu phương pháp tắm dưới băng giá cho mọi người khắp nơi trên thế giới. Hof tin rằng liệu pháp của mình có tác dụng làm giảm bệnh trầm cảm, lo âu.

Ngoài tắm băng, một văn hóa khác cũng được yêu thích không kém tại Phần Lan đó chính là sauna - tắm hơi. Thậm chí, sauna đã được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản phi vật thể thế giới vào năm 2020.

"Văn hóa tắm hơi là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của đa số người dân Phần Lan. Nét văn hóa này mang nhiều ý nghĩa nhiều hơn là tắm cho bản thân. Trong phòng tắm hơi, mọi người làm sạch cơ thể, tâm trí và cảm nhận sự bình yên trong tâm hồn", Đại diện UNESCO nói.

Nguồn gốc của thói quen tắm hơi tại Phần Lan bắt nguồn từ việc đất nước này có khí hậu lạnh giá. Vì vậy, người dân tìm đến tắm hơi như một cách để cảm thấy dễ chịu hơn. Với những người làm việc trong môi trường nhiễm độc, khắc nghiệt, phòng xông hơi, tắm hơi đóng vai trò giải độc, làm dịu các cơ bắp bị đau, nhức mỏi.

Ông Hoàng Nam Tiến

Tắm hơi của Phần Lan được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể thế giới

Những căn phòng ấm áp bằng gỗ cũng là nơi ghi dấu những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của mỗi người Phần Lan. Đó là nơi chốn thiêng liêng nhất trong ngôi nhà. Phụ nữ sinh con trong các phòng tắm hơi kín gió truyền thống có lót muội than như một cách kháng vi khuẩn tự nhiên. Phòng xông hơi còn là nơi dành cho các nghi lễ thanh tẩy trước khi kết hôn. Người chết trước khi mang đi chôn cất hoặc hỏa táng cũng được mang vào căn phòng đặc biệt này để tắm rửa sạch sẽ trên băng ghế đặt trong phòng.

Ông Jarmo Lehtola, chủ nhiệm Hiệp hội Tắm hơi Phần Lan từng nói: "Sẽ không có Phần Lan nếu không có phòng tắm hơi. Đó là DNA của chúng tôi. Nếu ai đó muốn hiểu Phần Lan, trước hết họ phải hiểu về phòng tắm hơi. Nếu không trải nghiệm tắm hơi, bạn chưa từng tới Phần Lan".

Thậm chí các nhà lãnh đạo Phần Lan cũng thường mời những người đồng cấp và các quan chức nước ngoài cùng tắm hơi khi thảo luận. Trong đó, nổi tiếng nhất có cựu Tổng thống Urho Kekkonen (giai đoạn từ 1956 - 1982) từng áp dụng "ngoại giao tắm hơi" khi đàm phán với các nhà ngoại giao của Liên Xô cũ. Ông tin rằng, những thỏa thuận đạt được trong phòng tắm hơi cũng không khác gì trên các bàn đàm phán ở các căn phòng sang trọng.

Cựu Tổng thống Phần Lan Martti Ahtisaari, người được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 2008, cũng thường tổ chức những cuộc họp ngoại giao trong các phòng tắm hơi.

Theo Nguyễn Phượng

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên