Ông Hoàng Nam Tiến tiết lộ "sốc" về nguy cơ bị mất việc của nghề kế toán: Tập đoàn FPT có 60.000 người nhưng chỉ có 6 kế toán
Ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường đại học FPT chia sẻ trong một buổi giao lưu với các bạn sinh viên, hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) đang gây sức ép rất lớn, ví dụ như ngành giáo, luật, ngành y, marketing,.. áp lực rất lớn. Những người làm trong các ngành đấy sẽ nhìn thấy trước nguy cơ mất việc. Hay những bạn học về tài chính kế toán, đặc biệt là kế toán.
- 01-05-2023Amazon lãi hơn 3 tỷ USD sau khi sa thải hàng nghìn nhân sự
- 01-05-2023Trung Quốc tung ra "con quái vật công nghệ" chưa từng có: Mạo hiểm tiến sâu vào lĩnh vực mà cả thế giới không còn ai dám bước vào!
- 01-05-2023Người Mỹ đổ xô đi học sử dụng ChatGPT
Ông Tiến đưa ra dẫn chứng: "Tập đoàn chúng tôi (FPT) có 60.000 người , nhưng tại trên tập đoàn chỉ có 6 kế toán . Nếu bình thường các công ty khác cần 200 kế toán, còn đây (FPT) hệ thống tự động chạy hết. Bạn đủ hiểu áp lực lớn như thế nào!", ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ với một bạn sinh viên trong tọa đàm Gen Z hỏi, các Sếp trả lời.
Nhận định của ông Hoàng Nam Tiến khá tương đồng với thông tin tờ Wall Street Journal dẫn một nghiên cứu mới đưa ra: Kế toán là một trong những nghề đối mặt nguy cơ nhiều nhất từ năng lực của trí tuệ nhân tạo (AI) phổ quát.
Nghiên cứu này được thực hiện bởi Đại học Pennsylvania và OpenAI - công ty tạo ra công cụ AI đình đám có tên ChatGPT. Theo nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu, ít nhất một nửa nhiệm vụ kế toán có thể được hoàn thành nhanh hơn nhiều nếu dùng công nghệ này.
Trên thực tế, không phải mới gần đây khi ChatGPT nổi lên như một hiện tượng, nghề kế toán mới có nguy cơ bị "đe dọa" bởi sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Từ cuối 2017, IBM và một số doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ Robot Automation để thực hiện các bút toán lặp đi lặp lại, việc mà nhân viên kế toán làm mất nhiều thời gian nhưng robot automation thì lại hỗ trợ rất hiệu quả. Việc áp dụng nhân lực kỹ thuật số bao gồm các công nghệ tự động với mục đích cuối cùng là để nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm thiểu chi phí của doanh nghiệp.
Từ năm 2017 đến nay, Robot tự động hóa đã được ứng dụng tại IBM Malaysia, IBM Slovakia,…; máy tính IBM Watson hỗ trợ công việc kiểm toán, tư vấn thuế, hỗ trợ khách hàng,… tại KPMG International; ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Deloitte; người máy Watson của IBM hỗ trợ các bác sỹ trong việc chuẩn đoán Ung thư tại Việt Nam, Bệnh viện đa khoa Phú Thọ…
Cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 là cuộc cách mạng về sản xuất thông minh, dựa trên việc sử dụng internet kết nối vạn vật để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Giai đoạn khởi phát của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 sẽ tạo ra cấu trúc mới cho nền kinh tế, đó là dựa trên ứng dụng công nghệ cao, mạng lưới internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, robot thông minh, công nghệ blockchain, điện toán đám mây... Điều này sẽ ảnh hưởng khá lớn đến chu trình và phương pháp kế toán.
Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 còn dựa trên nền tảng công nghệ số, tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình sản xuất, quy trình kinh doanh, quy trình nghiệp vụ, phương thức sản xuất, trong đó có quy trình xử lý, cung cấp thông tin cho bộ phận kế toán - tài chính.
Ở Việt Nam, kế toán là một nghề phổ biến. Theo Luật Kế toán Việt Nam, bất kỳ tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp nào cũng phải thành lập bộ máy kế toán. Theo thống kê, đến cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 683 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Tương ứng với đó, nhân sự làm công việc kế toán cũng là một số lớn.
Mặc dù những năm tới, lĩnh vực Kế toán - Tài chính Việt Nam còn cơ hội phát triển sôi động và tăng trưởng mạnh mẽ bởi những dự báo khả quan về tăng trưởng đầu tư nước ngoài, các thương vụ mua bán sáp nhập, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, kế hoạch tái cấu trúc của các doanh nghiệp tuy nhiên cũng có những thách thức không nhỏ đối với lực lượng lao động trong ngành nghề này.
Thời gian tới, việc áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính Quốc tế (IFRS - International Financial Reporting Standard ) sẽ mở ra tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ lĩnh vực kế toán - tài chính của Việt Nam trong các năm tiếp theo, tạo động lực hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới.
Theo lộ trình được Bộ Tài chính công bố, từ sau năm 2025, giai đoạn 3 – giai đoạn bắt buộc áp dụng IFRS, các công ty bắt buộc phải lập báo cáo tài chính hợp nhất theo IFRS bao gồm tất cả các công ty mẹ của các tập đoàn kinh tế nhà nước, tất cả các công ty niêm yết, tất cả các công ty đại chúng có quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết.
Sự phát triển của công nghệ thông tin vừa là cơ hội mở ra để phát triển lĩnh vực kế toán - tài chính đồng thời cũng là thách thức đối với nguời làm trong lĩnh vực kế toán - tài chính buộc nhân sự trong ngành này luôn phải học hỏi, nâng cao để thích ứng và phát triển.
Trong một sự kiện của Học viện Tài chính tổ chức từ năm 2019, với vai trò là kế toán trưởng công ty IBM Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thuỷ ( thành viên ACCA), có lời khuyên với các bạn sinh viên: Người làm công tác tài chính - kế toán nếu không nhận biết được sự thay đổi của công nghệ, không nỗ lực học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, có kiến thức sâu về quản trị doanh nghiệp thì sẽ thua thiệt.
Còn ông Hoàng Nam Tiến trong sự kiện mới đây cũng chia sẻ thẳng thắn với Gen Z "Nếu các bạn không có khả năng tư duy độc lập thì các bạn chỉ là những người bình thường và nhanh chóng trở thành người tầm thường. Còn nếu các bạn là người xuất sắc thì không có ChatGPT nào thay thế được các bạn."
Nhịp sống thị trường