MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông lão bán rau tích cóp cả đời được 9,6 tỷ đồng, bị lừa mất chỉ trong vài cuộc điện thoại

24-09-2024 - 13:43 PM | Kinh tế số

Những kẻ lừa đảo đang nhắm đến mục tiêu là người lớn tuổi, không nhạy bén về công nghệ.

Ông lão bán rau tích cóp cả đời được 9,6 tỷ đồng, bị lừa mất chỉ trong vài cuộc điện thoại- Ảnh 1.

Câu chuyện này là của ông Chu - một người đàn ông lớn tuổi bán rau ở huyện Phòng Sơn, Bắc Kinh (Trung Quốc) gần 30 năm. Với thời gian dài như vậy, ông Chu đã tích cóp cả đời được một số tiền lớn lên đến 2,76 triệu nhân dân tệ (khoảng 9,6 tỷ đồng). Đây là số tiền mồ hôi nước mắt cả đời của ông cụ, tuy nhiên nó đã bị kẻ gian lừa đảo toàn bộ.

Dù không phải là một câu chuyện kinh dị, máu me nhưng khiến người ta cũng phải rợn người.

Trò lừa đảo tinh vi bắt đầu

Ông Chu được mọi người quanh vùng biết đến là một người bán rau thật thà, từ khá trẻ đã đi đến Bắc Kinh để làm việc. Vào sáng ngày 27/12, ông nhận được một cuộc gọi có tên hiển thị là "Cục Viễn Thông", ông Chu bắt đầu hoang mang vì sao lại có người của cơ quan chức năng gọi điện đến cho mình. Sau khi nghe máy, bên kia đầu dây thông báo rằng ông có liên quan đến một "vụ án rửa tiền xuyên quốc gia liên quan đến ma túy".

Chưa kịp hoàn hồn, ông Chu lại thấy phía đầu dây bên kia chuyển cuộc gọi đến "Cục Công an quận Tây Thanh, thành phố Thiên Tân". Lúc này, một người tự xưng là "cảnh sát Trần" bắt đầu hỏi ông về các thông tin liên quan đến vụ án rửa tiền. Nhiều câu hỏi được đặt ra, ông Chu đều phủ nhận theo phản ứng tự nhiên. Ông nói rằng chỉ là người bán rau ở chợ, không hề liên quan gì đến ma túy hay rửa tiền.

Ông lão bán rau tích cóp cả đời được 9,6 tỷ đồng, bị lừa mất chỉ trong vài cuộc điện thoại- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Lúc này, đối phương tiếp tục thông báo rằng tên tội phạm nằm trong đường dây rửa tiền kia đã sử dụng tài khoản ngân hàng của ông Chu để rửa tiền. Thế nên cơ quan chức năng muốn bắt ông Chu và phong tỏa tài khoản ngân hàng của ông.

Khi câu chuyện đến đây, với những người theo dõi tin tức sẽ nhận ra đây là một cái bẫy lừa đảo qua điện thoại. Nhưng ông Chu thì làm việc từ sáng đến tối, bình thường không tiếp xúc với những thông tin này.

"Khi nghe người kia dọa, tôi đã thực sự hoảng hốt. Cả đời tôi chưa bao giờ gặp phải chuyện thế này". Kể đến đây, ông Chu tự trách bản thân rằng mình đã quá ngây thơ để bị lừa.

Nhận thấy ông Chu hoảng loạn, đối phương tiếp tục nói rằng đây là chuyện cực kỳ nhạy cảm và tuyệt đối không được cúp máy. Sau đó, ông Chu được đối phương cho xem một bản fax có đầy đủ tất cả thông tin cá nhân. Đến đây, ông Chu đã tin tưởng rằng mình đã bị điều tra và có thể trước đó đã bị kẻ xấu lợi dụng tài khoản ngân hàng để rửa tiền.

Củng cố thêm niềm tin, "cảnh sát Trần" nói ông Chu có thể tra cứu số điện thoại của Cục Công an quận Tây Thanh, thành phố Thiên Tân. Lão Chu làm thật và người nghe máy đúng là "cảnh sát Trần". Sau đó, người này nói sẽ chuyển máy của ông đến với kiểm sát viên có tên Cao Tiểu Khải. Nếu ông muốn không bị bắt, hãy xin xỏ nộp tiền bảo lãnh, tuy nhiên chuyện này không phải dễ.

Đến đây, một người nữ trong vai "công tố viên" xuất hiện trong cuộc gọi. Cô ta ban đầu từ chối dứt khoát, tuy nhiên sau một thời gian xin xỏ và được "cảnh sát Trần" nói giúp thì yêu cầu của ông Chu cũng đã được đồng ý.

Vì vừa mới mua nhà, ông Lão Chu chỉ có trong tay chưa đến 50.000 nhân dân tệ, trong đó còn bao gồm 20.000 nhân dân tệ tiền hàng.Ông Lão Chu trung thực đã báo cáo tình hình này một cách chính xác, đối phương thì bảo ông "tùy ý xử lý".Đến lúc này, điện thoại của lão Chu đã liên tục gọi trong hơn 4 giờ đồng hồ.

Ông lão bán rau tích cóp cả đời được 9,6 tỷ đồng, bị lừa mất chỉ trong vài cuộc điện thoại- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Tiếp tục có thêm nhiều "diễn viên" lừa đảo

Ba ngày sau, lão Chu đã mượn tiền từ bạn bè mới đủ 237.000 nhân dân tệ (hơn 800 triệu đồng) và chuyển tiền vào một tài khoản có tên "Cục Giám sát Tài chính Bắc Kinh". "Cảnh sát Trần" còn nói rằng ông có thể tra cứu trên một trang web và tài khoản mà người này cung cấp. Ông làm theo và thấy được có mã vụ án cùng số tiền đúng như đã thực hiện.

Cảm giác yên tâm hơn, ông Chu nghĩ rằng chuyện xui xẻo này sẽ sớm qua đi và không nói chuyện này với vợ. Nhưng ông không hề biết đây mới chỉ là số tiền nhỏ đầu tiên mà mình bị lừa.

Sau đó 2 ngày, ông Chu tiếp tục nhận một cuộc gọi từ một số điện thoại lạ, tự xưng là "kiểm sát viên cao cấp". Người này thông báo rằng chủ mưu của vụ án rửa tiền kia đã khai nhận chính ông là người chủ động cung cấp tài khoản để hắn rửa tiền và nhận tiền hoa hồng từ các phi vụ. Ông cần phải nộp đủ 595.000 nhân dân tệ tiền đảm bảo, nếu không sẽ bị bắt ngay để thẩm vấn.

Lại rơi vào tình trạng hoảng loạn, ông có thể mượn bạn bè và tiền đang có cũng chỉ 400.000 nhân dân tệ (1,4 tỷ đồng). Số tiền còn thiếu thì phải làm sao đây. "Kiểm sát viên cao cấp" lúc này an ủi ông và nói: "Đừng lo lắng, tôi sẽ giúp ông tìm cách giải quyết số tiền còn thiếu." Những lời này khiến ông lão Chu không kìm được nước mắt, trong lòng ông cảm thấy như đã gặp phải một người tốt lành giữa cuộc đời đầy sóng gió.

Nhưng 3 ngày sau, "cảnh sát Trần" lại gọi điện và khiến hy vọng của ông sụp đổ. Người này cho biết ông cần gặp gấp kiểm sát viên họ Hồ để giải quyết việc quan trọng. Lúc này, ông được thông báo rằng "kiểm sát viên cao cấp" đã bị xử phạt vì ứng tiền cho nghi phạm. Cùng với đó, toàn bộ số tiền nộp lần trước đã không còn giá trị. Ông cần phải nộp thêm 595.000 nhân dân tệ.

Ông Chu cảm thấy mình đã hại "kiểm sát viên cao cấp" và khiến người này gặp rắc rối. Do đó, ông tức tốc đi vay mượn tiền để hỗ trợ người đã giúp mình. Chỉ trong vài ngày, ông đã bị lừa mất hơn 1 triệu nhân dân tệ (hơn 3,5 tỷ đồng).

Diễn biến của vở kịch lừa đảo chuẩn bị hạ màn khi "cảnh sát Trần" thông báo với ông Chu rằng ông cần thanh toán thêm nhiều khoản phí khác, bao gồm tiền bảo lãnh kiểm sát viên, phí mở phiên tòa sớm và phí giải quyết vụ án. Tổng cộng, số tiền này lên tới hàng trăm nghìn nhân dân tệ.

Sau khi bị bòn rút những ngày qua, ông không còn vay mượn được từ bạn bè và đã phải bán nhà cửa, xe cộ và thậm chí là rút tiền từ các hợp đồng bảo hiểm, thậm chí là đi vay với lãi suất cao.

Cùng với đó là tâm lý thấp thỏm lo âu, đau khổ và tuyệt vọng. Ông Chu đã thú thật với vợ và được khuyên là nên đi báo cảnh sát. Nhưng sau đó, những kẻ lừa đảo trên tiếp tục dọa dẫm rằng nếu sự việc bị lộ thì không chỉ ông mà vợ con, thậm chí là những ai cho ông vay tiền đều sẽ gặp rắc rối. Rơi vào vòng xoáy lừa đảo, ông lão Chu mất đi khả năng suy nghĩ rõ ràng, trở thành con mồi bị kẻ gian dẫn dụ.

Mãi đến khi đã thanh toán toàn bộ số tiền, tổng cộng 2,76 triệu nhân dân tệ (9,6 tỷ đồng) ông Chu được hứa hẹn sẽ nhận lại số tiền trước 5h chiều cùng ngày. Tuy nhiên sau đó chẳng có đồng nào được hoàn trả, còn những "cảnh sát Trần", "kiểm sát viên cao cấp"... trước đó cũng biến mất.

Sau đó, ông Chu đã đến trình báo cảnh sát và mới vỡ lẽ là mình đã bị lừa suốt một thời gian dài. Qua thời gian điều tra, cảnh sát cho biết số tiền ông Chu bị lừa đã được chuyển qua nhiều ngân hàng và cuối cùng đến Đài Loan. Còn tất cả các cuộc gọi của ông đều xuất phát từ Malaysia. Lúc này, đã quá muộn để ông Chu có thể lấy lại số tiền đã mất.

Đây là một vụ việc cũ nhưng lời cảnh báo mà nó đưa ra không hề cũ chút nào. Người dân cần phải tỉnh táo trước những cuộc gọi từ số lạ và tuyệt đối không làm theo những yêu cầu có liên quan đến thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, giao dịch chuyển tiền... Ngoài ra, nếu có phát hiện dấu hiệu khả nghi nên báo ngay cho cơ quan cảnh sát để được hỗ trợ.

Theo Kenttt

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên