MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Lê Chí Phúc: "Thị trường có thể bước vào nhịp điều chỉnh trong nửa cuối năm 2021, nhà đầu tư nên thận trọng phòng thủ"

Ông Lê Chí Phúc: "Thị trường có thể bước vào nhịp điều chỉnh trong nửa cuối năm 2021, nhà đầu tư nên thận trọng phòng thủ"

Tổng Giám đốc SGI Lê Chí Phúc cho rằng, chu kỳ nền kinh tế thế giới đang trải qua có khá nhiều điểm tương đồng với khoảng thời gian năm 2011.

Sau những thành quả quá bất ngờ trong vòng chưa đầy 6 tháng với sức tăng nóng bỏng của thị trường chứng khoán, nhiều nhà đầu tư đang cực kỳ hứng khởi bước qua giai đoạn nửa sau của năm 2021. Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất tại thời điểm này là việc thị trường trong thời gian còn lại đây liệu có còn hấp dẫn như thời điểm trước đó và hướng đầu tư nên có những thay đổi gì với hiện tại để ứng phó được với những nguy cơ và tận dụng được cơ hội.

Mới đây, Tổng Giám đốc SGI Capital Lê Chí Phúc đã có những nhận định cũng như đưa ra những ý tưởng cho câu chuyện đầu tư của các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nửa sau của năm 2021. Tổng Giám đốc SGI cho rằng, chu kỳ nền kinh tế thế giới đang trải qua có khá nhiều điểm tương đồng với khoảng thời gian năm 2011.

Ông Phúc đưa ra dự báo, đến năm 2022, hai năm sau khi khủng hoảng của Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng nặng nề, nền kinh tế thế giới sẽ có sự mở cửa trở lại toàn diện của gần như tất cả các nước. Thị trường sẽ bước sang một giai mới là phục hồi trở lại về mức khi chưa xảy ra đại dịch, thậm chí còn có những yếu tố vượt ngưỡng đỉnh trước đó, đến từ sự kích thích từ các gói cứu trợ về tiền tệ và tài khóa mạnh.

Việc giá nguyên vật liệu bật tăng phi mã trong thời gian vừa qua được nhận định chỉ là xu hướng trong ngắn hạn. Sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế sẽ cân đối cung cầu thị trường, qua đó đưa mức giá cả nguyên vật liệu quay về mức trung bình so với giai đoạn tăng nóng.

Do vậy, giai đoạn nửa cuối năm 2021 đến đầu năm sau sẽ có khá nhiều điểm tương đồng với chu kỳ overhit ngắn hạn của nền kinh tế.

Một thống kê được ông Phúc đưa ra, trong khoảng 30 năm trở lại đây, hơn 80% thời gian lãi suất tăng thì giá cổ phiếu cũng tăng. Điều này có vẻ trái ngược với quan điểm phổ biến lâu nay trong giới đầu tư là lãi suất và giá trị cổ phiếu có tương quan nghịch với nhau.

Chỉ hơn 10% thời gian còn lại, lãi suất tăng thì giá cổ phiếu giảm. Đặc biệt, hiện tượng giảm này cũng chỉ thực sự xảy ra vào khoảng cuối mỗi chu kỳ, trong bối cảnh lãi suất ở mặt bằng trung bình lâu và chính sách tiền tệ thắt chặt. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này cũng không kéo dài, sớm cân bằng và thậm chí sẽ vượt qua mốc cũ trước khi điều chỉnh.

Thị trường có thể tạo vùng đỉnh trước khi bước vào nhịp điều chỉnh

Về tỷ trọng phân bổ tài sản trong danh mục đầu tư dưới góc độ nhà đầu tư cá nhân, ông Phúc nhấn mạnh rằng trong nửa cuối năm 2021, nhà đầu tư nên thận trọng hơn, cơ cấu lại tỷ trọng danh mục, cụ thể hơn là nên giảm tỷ trọng cổ phiếu và tăng tỷ trọng tiền mặt.

Lý do được chỉ ra là việc trong nửa đầu năm 2021, việc lựa chọn cổ phiếu không quá khó khăn. Sức nóng của thị trường đã đẩy chỉ số VN-Index tăng đến hơn 20% so với đầu năm, trong đó rất nhiều cổ phiếu tăng 50%, thậm chí là 70%. Từ đó, có thể nói kỳ vọng đã được phản ánh vào giá cổ phiếu, phần tăng của thị giá đã đáp ứng phần tăng của lợi nhuận kỳ vọng. Phải kể đến những nhóm ngành như tài chính, chứng khoán, ngân hàng hay là thép đã có mức tăng trưởng đi theo đúng nhịp độ của thị trường.

Nhìn đến giai đoạn tiếp theo, ông Phúc cho rằng khả năng đột phá sẽ khó xảy ra hơn. Đáng chú ý, xác suất của một cú điều chỉnh trong nửa cuối năm 2021 hoàn toàn khả thi và rất dễ xảy ra. Chu kỳ lên đồng thời việc hút được một lượng tiền rất lớn từ bên ngoài sẽ tạo ra một vùng đỉnh cho thị trường và sau đó là bước vào nhịp điều chỉnh.

Cũng sẽ xuất hiện khá nhiều tín hiệu khác nhau để nhận biết trước được trước điều này. Sẽ có những nhóm cổ phiếu sẽ đi trước, tạo đỉnh và giảm mạnh trong khi thị trường vẫn đang ở vùng đỉnh; có những nhóm lại tiếp tục lập đỉnh mới, các nhóm luân phiên nhau và thời gian vùng điều chỉnh có thể sẽ phải tính theo đơn vị tháng.

Do vậy, lời khuyên cho các nhà đầu tư là nên giữ cổ phiếu mà tự tin có đủ tính chất cơ bản cho khả năng giữ mức lợi nhuận kỳ vọng của thị trường trong nửa sau của năm 2021; đồng thời nên phòng thủ cho kịch bản sẽ có nhịp điều chỉnh từ hiện tại đến cuối năm.

Quan điểm đầu tư của vị Tổng Giám đốc SGI Capital, việc phòng thủ trước biến động thị trường có thể bằng tiền mặt hoặc phòng thủ bằng các cổ phiếu tấn công. Đây là những mã giữ được thị giá trong lúc thị trường đi xuống, thậm chí có khi sẽ có lợi nhuận theo chu kỳ tăng lên mặc cho các những nhịp điều chỉnh của thị trường.

Ngành bán lẻ, dịch vụ hàng không hứa hẹn phục hồi mạnh mẽ

Hiện nay, vẫn có không ít các mã cổ phiếu tốt trong các ngành có sự tăng trưởng đi trễ so với thị trường và thậm chí không được chú ý trong khoảng thời gian thị trường "sôi sùng sục" vừa qua. Trong nửa sau năm 2021, khi tình hình Covid-19 được kiểm soát dần và tỷ lệ dân số được tiêm chủng đạt mục tiêu, hứa hẹn những ngành sẽ có phục hồi mạnh mẽ bất chấp nhịp điều chỉnh của thị trường như bán lẻ, các nhóm ngành liên quan đến hàng không và dịch vụ trong ngành hàng không.

Kịch bản ông Phúc đưa ra trong nửa sau của năm 2021 là thị trường sẽ đi theo một kênh dài, độ đi lên không quá nhiều và cũng không sự lao dốc ghê gớm. Thị trường sẽ không đồng pha với nhau, có sự phân hóa giữa các ngành và giữa các mã cổ phiếu. Nhà đầu tư cần duy trì tâm lý sẵn sàng "vượt sóng", từ đó nắm bắt cơ hội và tối ưu hóa hiệu quả đầu tư đặc biệt cho thời gian sau vào năm 2022-2023, khi thị trường bình ổn và bùng nổ trở lại.

Phương Linh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên