"Ông lớn" BIDV cũng tăng lãi suất huy động, trong khi MB và VPBank lại điều chỉnh giảm mạnh tay
Số các ngân hàng tăng lãi suất vẫn chiếm áp đảo trong hệ thống với Viet Capital Bank đang là quán quân với mức 8,6%/năm cho kỳ hạn 24 tháng trở lên. Ngân hàng lớn nhất Việt Nam là BIDV cũng không chịu đứng ngoài xu hướng. Trên liên ngân hàng, các ngân hàng đang phải vay mượn lẫn nhau đắt hơn cả huy động từ dân cư.
- 24-08-2018Lãi suất tiền gửi tiết kiệm đột ngột tăng
- 23-08-2018Lãi suất thị trường 2 tăng mạnh, các ngân hàng giảm vay mượn lẫn nhau
- 23-08-2018Lãi suất cho vay khó giảm vì áp lực lạm phát
- 13-08-2018Chênh lệch lãi suất trở lại "chia lửa" cho tỷ giá
BIDV cũng tăng lãi suất. Viet capital Bank đang huy động lãi suất cao nhất thị trường
Sau vài ngày rục rịch tăng lãi suất chủ yếu ở nhóm trung và dài hạn tức từ 12 tháng trở lên thì đến hôm nay thị trường ghi nhận thêm các trường hợp tăng lãi suất ở cả kỳ hạn ngắn.
Điển hình, trên biểu lãi suất của ngân hàng BIDV – ngân hàng có nguồn vốn huy động nhiều nhất cả nước- đã điều chỉnh tăng mức lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng lên 4,3%/năm, tăng 0,2 điểm phần trăm so với mức 4,1%/năm áp dụng nhiều tháng qua. Kỳ hạn 3 tháng được ngân hàng giữ nguyên ở 4,6%/năm nhưng kỳ hạn 5 tháng cũng được đẩy tăng thêm 0,2 điểm phần trăm từ 4,6% lên 4,8%/năm và kỳ hạn 6 tháng tăng từ 5,1% lên 5,3%/năm.
Vietcombank, VietinBank trong khi đó chưa có động tĩnh gì. Và với sự điều chỉnh này, BIDV đang là ngân hàng huy động vốn lãi suất cao nhất nhóm thương mại Nhà nước.
Ở nhóm cổ phần tư nhân lớn ghi nhận Techcombank điều chỉnh lãi suất kỳ hạn ngắn 1 tháng tăng thêm 0,1 điểm phần trăm, từ mức 4,5% lên 4,6%/năm. Các kỳ hạn dài hơn cũng được nhà băng này điều chỉnh tăng thêm 0,1 điểm phần trăm.
HDBank không tăng lãi suất nhưng áp dụng mức cộng tới 0,7%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng và 13 tháng. Ngân hàng này lý giải đó là chương trình áp dụng theo từng độ tuổi của khách hàng hoặc khi khách hàng gửi tiền trong tháng sinh nhật của khách hàng hoặc của ngân hàng. Hiện lãi suất dưới 6 tháng mà HDBank đang áp dụng là 5,5%/năm trong khi kỳ hạn từ 6 tháng đến 13 tháng là 6,3 – 7,2%/năm (chưa cộng).
Ở nhóm các ngân hàng nhỏ và vừa trong khi đó ghi nhận hầu hết tăng lãi suất và chủ yếu là kỳ hạn dài, mức tăng khá mạnh từ 0,5 – 1,4%/năm, điển hình Viet Captial Bank, TPBank, SeABank, Nam Á Bank, VIB Bank… trong đó Viet Capital Bank tăng mạnh nhất với kỳ hạn trên 24 tháng tăng tới 1,4% từ mức 7,2% lên 8,6%/năm – cũng là mức lãi suất cao nhất trên thị trường hiện nay.
Ngoài việc tăng lãi suất, ở nhiều ngân hàng, nhất là các ngân hàng có phân khúc khách hàng VIP phát triển, thì đều có mức cộng 0,1% cho người gửi tiền.
MB và VPBank lại giảm mạnh
Tưởng chừng tăng lãi suất là xu hướng nhưng một số ngân hàng lại bất ngờ đi ngược chiều. Trong nhóm ngân hàng tư nhân lớn, VPBank bắt đầu áp dụng biểu lãi suất mới từ ngày 23/8 với mức lãi suất điều chỉnh giảm 0,2 điểm phần trăm cho tất cả các kỳ hạn. Hiện kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng chỉ còn 4,6%/năm với các khoản tiền dưới 500 triệu còn khoản từ 5 tỷ trở lên thì được 4,9%/năm. Ở kỳ hạn 6 tháng cho đến 11 tháng, lãi suất huy động là 6,4 – 6,6%/năm còn kỳ hạn dài hơn dao động trong khung 6,8 – 7,1%/năm. Theo lý giải của cán bộ ngân hàng này thì việc điều chỉnh giảm là đưa lãi suất về mặt bằng cũ sau khi ngân hàng áp dụng chương trình khuyến mại sinh nhật trong tháng qua.
Ngân hàng Quân đội MB cũng giảm mạnh lãi suất. Với biểu lãi suất đang áp dụng, người gửi tiền kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng ở nhà băng này chỉ được hưởng lãi 4,2%/năm, thấp hơn cả BIDV. Trong khi trước đó (nửa đầu tháng 8 trở về trước) lãi suất được trả cho 1 tháng và 2 tháng là 4,7%/năm và 4,8%/năm. Với kỳ hạn 3 tháng, ngân hàng MB điều chỉnh giảm nhẹ hơn, từ 5% xuống 4,8%/năm và các kỳ hạn 5 tháng trở lên được giữ nguyên như trước.
Ngân hàng đang vay mượn lẫn nhau với chi phí đắt hơn cả lãi suất huy động từ dân cư
Nói về sự biến động mạnh của lãi suất tiền gửi hiện nay, lãnh đạo của 1 ngân hàng thuộc top 3 hệ thống cho biết việc các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất là theo nhu cầu vốn. "Một số ngân hàng đã gần cạn room tín dụng thì họ phải tiết chế nguồn huy động vì cứ cố huy động phải trả lãi cao mà không cho vay được thì gây tổn thất đến hoạt động và cách tốt nhất họ làm đó là giảm lãi suất. Còn các ngân hàng mới cho vay được ít hoặc thời gian qua không cho vay nổi, hoặc có chút căng thẳng thanh khoản tạm thời thì cũng sẽ đẩy lãi suất lên cao để hút khách", vị này nói.
Lý giải trên dường như cũng rất hợp lý vì thực tế hoạt động cho vay của nhiều ngân hàng mới trong 6 tháng đã gần đến ngưỡng giới hạn cả năm mà Ngân hàng Nhà nước cho phép (từ 14 – 17%/năm), trong đó có MB đã đạt đến 11% trong khi một số các ngân hàng nhỏ như Viet Capital Bank thì tín dụng còn tăng trưởng âm 3%.
Còn vấn đề thanh khoản của các ngân hàng, quan sát trong hơn 1 tháng trở lại đây thì dấu hiệu căng thẳng là điều dễ dàng nhận thấy. Ngân hàng Nhà nước đã phải nhiều lần thực hiện bơm tiền qua hệ thống OMO nhưng nhu cầu vay mượn trên liên ngân hàng của các nhà băng vẫn cao và doanh số lớn. Thậm chí, theo số liệu mà chúng tôi có được từ Ngân hàng Nhà nước tại ngày 22/8, lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã lên đến 4,59%/năm trong khi lãi suất 1 tuần cũng tới 4,66%/năm và 2 tuần là 4,74%/năm. Các mức lãi suất này đã tăng gần 30% so với tuần trước đó và tăng gần 40% so với thời điểm của tuần kết thúc ngày 10/8. Đặc biệt, các mức lãi suất mà ngân hàng đang vay mượn lẫn nhau còn cả lãi suất mà hầu hết các ngân hàng lớn huy động từ trong dân cư.
Trở lại nguyên nhân làm cho lãi suất của nhiều ngân hàng gia tăng, theo ý kiến của các chuyên gia, còn đến từ việc các ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn trong bối cảnh thị trường đang khá thuận lợi cho dòng tiền chảy vào ngân hàng để chuẩn bị áp dụng quy định mới của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm xuống kể từ ngày 1/1/2019.