'Ông lớn' LG rót 1,4 tỷ USD, địa phương này chưa hết năm đã cán đích mục tiêu hút vốn FDI
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cả năm 2021 của địa phương này ước đạt 3,13 tỷ USD, tăng 91,44% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.
- 07-12-2021Sau 10 năm, chính sách đất đai ở Đà Nẵng đã đạt được những thành quả gì?
- 07-12-2021Hà Nội đặt mục tiêu GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 141 triệu đồng/người
- 07-12-2021Viettel và Vietcombank, ai dẫn đầu danh sách doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất Việt Nam năm 2020?
Theo số liệu từ Cục đầu tư nước ngoài về tình hình thu hút vốn FDI trong 11 tháng đầu năm, Hải Phòng đã thu hút được 2,8 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2021, đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Có thể thấy, dù năm 2021 chưa kết thúc, Hải Phòng đã cơ bản hoàn thành mục tiêu thu hút vốn FDI trong năm 2021 đạt từ 2,5-3 tỷ USD mà địa phương đã đặt ra hồi đầu năm.
Trong số các dự án đầu tư vào Hải Phòng năm 2021, nổi bật nhất là việc tăng thêm vốn vào dự án của Công ty TNHH LG Display tại KCN Tràng Duệ với 1,4 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Hải Phòng lên 4,65 tỷ USD và là dự án FDI lớn nhất thành phố.
Với khoản đầu tư này, LG Display tăng sản lượng từ 9,6-10 triệu sản phẩm/tháng lên 13-14 triệu sản phẩm/tháng. Dự kiến, doanh thu xuất khẩu tăng thêm khoảng 6,5 tỷ USD/năm; nộp ngân sách thêm 25 triệu USD/năm, tạo thêm việc làm cho 16.000 lao động.
Ngoài ra, trong thời gian làn sóng dịch thứ 4 diễn biến phức tạp, Hải Phòng vẫn có nhiều dự án tăng vốn trị giá hàng chục triệu USD như: Dự án của Công ty Hiltron Technologies tại khu công nghiệp (KCN) VSIP tăng vốn thêm 33,8 triệu USD; Công ty Ohsung Vina tại KCN Tràng Duệ tăng 19 triệu USD; Công ty TNHH điện tử Tongwei tại KCN An Dương tăng 31 triệu USD.
Tại các dự án cấp mới, nhiều dự án có quy mô vốn khá lớn như Công ty Vision Best Holdings đầu tư gần 20 triệu USD xây dựng nhà máy tại KCN An Dương. Công ty Shanghai Moons’ Electronics thực hiện dự án trị giá 18 triệu USD tại KCN VSIP. Tại KCN Nam Cầu Kiền có dự án của Công ty Hangzhou GreatStar trị giá 18,5 triệu USD.
Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2021; Mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 cho biết, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cả năm 2021 của Hải Phòng ước đạt 3,13 tỷ USD, tăng 91,44% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.
Tình hình thu hút FDI của Hải Phòng từ năm 2015 đến nay. Nguồn: Cục đầu tư nước ngoài/ UBND Hải Phòng.
Theo đó, địa phương đưa ra mục tiêu sẽ thu hút 2,63 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2022. Với phương châm "xây tổ đón đại bàng", trong giai đoạn 2021 - 2025, Hải Phòng sẽ xây dựng thêm 15 khu công nghiệp mới, với tổng diện tích trên 6.200 ha, thu hút khoảng 15 tỷ USD.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục dành nguồn lực hơn 50.000 tỷ đồng để thực hiện 58 dự án giao thông. Kế hoạch rót vốn 58 dự án này giai đoạn 2021 - 2025 là 19.125 tỷ đồng, riêng trong năm 2021 là gần 5.194 tỷ đồng.
Với kế hoạch vốn đầu tư công này, Hải Phòng sẽ triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm để phát triển kinh tế, xã hội trong năm 2021, chủ yếu là xây mới, mở rộng, cải tạo các tuyến đường, nút giao, cây cầu,...
Được đánh giá là một trong những địa phương đang có nền tảng, GDP của tỉnh chiếm 5% GDP toàn quốc, 5 năm qua, tăng trưởng của Hải Phòng liên tục trên mức 15%. Tại cuộc họp với lãnh đạo Hải Phòng về tình hình kinh tế - xã hội của thành phố hồi tháng 10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhận xét, hiếm có địa phương nào như Hải Phòng có thể đạt mức tăng trưởng liên tục như vậy.
Phó Thủ tướng cho biết, Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, địa phương cần bước phát triển mạnh mẽ hơn, để đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại thông minh, bền vững trong khu vực Đông Nam Á.
Tầm nhìn đến năm 2045, Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
Về định hướng phát triển, Phó Thủ tướng cho rằng, Nghị quyết 45 đã nêu rất rõ và nhấn mạnh vào 3 trụ cột: Công nghiệp, du lịch và cảng biển. Nếu 3 trụ cột này làm tốt thì mới đạt được mục tiêu 2030.
Về công nghiệp của Hải Phòng, theo Phó Thủ tướng, cần tập trung mở rộng các khu, cụm công nghiệp, tăng cường quá trình quản lý khu công nghiệp, khắc phục các vi phạm trật tự xây dựng. Các khu công nghiệp cần đạt tiêu chí văn minh, hiện đại; thu hút công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao.
Trụ cột thứ 2 là phát triển du lịch, hiện Hải Phòng đang triển khai tốt với nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời. Khi tuyến cáp treo từ Cát Hải sang Cát Bà hoàn thành thì du lịch Hải Phòng sẽ phát triển hơn nữa.
Trụ cột, động lực thứ 3 là cảng biển. Hải Phòng cần nhanh chóng rà soát quy hoạch, thực hiện di dời, sắp xếp lại các bền cảng cũ, thu hút các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực để đẩy nhanh đầu tư mới các khu, cụm cảng, đặc biệt là cảng tổng hợp quốc tế Nam Đồ Sơn.