"Ông lớn" ngành xây dựng Coteccons lấn sân sang lĩnh vực năng lượng tái tạo, đầu tư hạ tầng hướng tới doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2025
Đó là chiến lược kinh doanh 5 năm tới (2021-2025) vừa được Ban lãnh đạo Coteccons chia sẻ tại ĐHCĐ của Công ty này vừa tổ chức vào sáng nay 26/4.
Đại diện lãnh đạo Coteccons, cho biết năm 2021 ngành xây dựng có nhiều cơ hội để vươn lên dựa trên kịch bản tăng trưởng kinh tế 5,6 - 5,8%, dịch bệnh được kiểm soát tốt thì nhu cầu về nhà ở, cao ốc văn phòng, BĐS nghỉ dưỡng... sẽ tăng trưởng trở lại. Bên cạnh đó, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công làm động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, ngành xây dựng hạ tầng sẽ được hưởng lợi. Trong dài hạn, nhu cầu về nhà ở giai đoạn 2021 - 2030 tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại khu đô thị.
Ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT Conteccons cho biết, doanh nghiệp đặt mục tiêu 3 tỷ USD doanh thu vào năm 2025. Thừa nhận sẽ có nhiều khó khăn nhưng ông Bolat tự tin vào mục tiêu tham vọng này.
"Chỉ khi đặt mục tiêu lớn thì mới có thể kết nối mọi thành viên công ty với nhau, cùng đoàn kết hướng đến mục tiêu", ông Bolat Duisenov nhấn mạnh.
Năm 2021, Coteccons đặt mục tiêu doanh thu 17.413 tỷ đồng, trong đó 8.800 tỷ đồng backlog. Để đạt được, hợp đồng ký mới là 21.500 – 25.000 tỷ đồng. Dự kiến, Coteccons phải đấu thầu 107.500 – 125.000 tỷ đồng. Mục tiêu này tăng 20% thực hiện năm trước. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất 340 tỷ đồng, tăng 2%.
Vị lãnh đạo này cũng chia sẻ, năm 2020 là năm nhiều khó khăn, thử thách từ tác nhân bên ngoài và cả nội tại nội bộ. Vừa bệnh dịch, vừa cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã đóng băng giấy phép xây dựng, nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn tài chính, còn nội tại doanh nghiệp thì trải qua những mâu thuẫn các cổ đông và Ban điều hành lúc đó, những người chào lái doanh nghiệp nhiều năm đã rời bỏ công ty.
Dù gặp khó khăn trong vận hành, khách hàng hoang mang và thiếu niềm tin, công ty không có hợp đồng mới trong năm 2020, khoản phải thu thì ngày càng cao lên. Tuy nhiên, những lúc khó khăn đó quyết định số phận của doanh nghiệp, vẫn có những nhân tài vẫn tiếp tục cống hiến, có dự án mới, có khách hàng mới và liên tục bàn giao dự án với chất lượng tốt nhất.
Đại diện đơn vị này cũng cho biết, ngoài lĩnh vực chủ chốt là xây dựng dân dụng thì Coteccons sẽ điều chỉnh linh hoạt chiến lược 5 năm, bước chân vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, xây dựng hạ tầng, quản lý tài sản…Trong đó, sẽ mở rộng ra làm các tuyến metro, cao tốc - đây đang là thị trường rất lớn.
"Hiện tại, 99% công việc của Coteccons liên quan xây dựng nhà ở, còn nhiều việc khác chưa làm như hạ tầng, tổng thầu EPC (năng lượng, nhà máy, tàu điện ngầm), dịch vụ tài chính, quản lý tài sản", đại diện Conteccons nhấn mạnh.
Trên thực tế, mặc dù đang là doanh nghiệp đi đầu trong ngành xây dựng tại Việt Nam nhưng Coteccons vẫn còn rất nhiều cơ hội để phát triển khi chỉ khai phá mới chỉ với 7% ngành. Theo số liệu thống kê ngày 21/7/2020, của Landed Property, do nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh, quy mô thị trường lên đến 14,9 tỷ USD tập trung ở các phân khúc khác nhau và đều có đặc thù tăng trưởng vững chắc như cơ sở hạ tầng đạt 4,2 tỷ USD, Khu dân cư 4 tỷ USD, Khu Công nghiệp 4,5 tỷ USD, Khu thương mại 3,5 tỷ USD. Nhưng thị phần Coteccons chỉ chiếm 7% trong tổng thể, đặc biệt phải nói đến là mảng xây dựng cơ sở hạ tầng, Coteccons chưa khai phá lĩnh vực này. Đây chắc chắn sẽ là cơ hội lớn cho Coteccons.
Đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng lĩnh vực hoạt động là một trong những chiến lược trọng điểm của "ông lớn" trong ngành xây dựng trong tương lai. Với thế mạnh về R&D, Công ty đã thực hiện triển khai nghiên cứu và mở rộng phát triển sang các lĩnh vực mới có sự gắn kết với ngành xây dựng như tổng thầu EPC các dự án năng lượng tái tạo, hạ tầng…
Đây là những lĩnh vực nhiều triển vọng đang được Chính phủ đẩy mạnh phát triển, hứa hẹn sẽ giúp Công ty cải thiện biên lợi nhuận. Nhằm hiện thực hóa chiến lược, Coteccons đã thành lập Khối phát triển kinh doanh và Tổ nghiên cứu, phát triển điện gió nhằm đẩy mạnh chiến lược kinh doanh, đa dạng hóa các phân khúc khách hàng, tập trung nghiên cứu các lĩnh vực mới. Đây là những bước ngoặt tạo tiền đề cho Coteccons hướng tới những mục tiêu dài hơn.
Theo đơn vị này, đa dạng hoá hoạt động kinh doanh sẽ khiến doanh nghiệp không phụ thuộc vào vòng xoáy thị trường, chu kỳ tăng giảm của ngành BĐS.
Để thực hiện đa dạng hóa, Coteccons cần lập các phòng ban mới, tìm kiếm các khách hàng FDI mới, thiết lập hợp tác chiến lược, thực hiện M&A các công ty chuyên nghiệp trong các lĩnh vực, hỗ trợ tài chính (từ tiền nhàn rỗi, sử dụng vốn ngân hàng) và tự mình đầu tư vào các dự án PPP, BOT, PFI.
Trong 2021, cũng là năm đầu tiên thực hiện chiến lược đa dạng hóa, Coteccons sẽ ký hợp tác chiến lược với 2 tổ chức tư vấn, 2 nhà thầu; ký hợp đồng ít nhất 1 dự án năng lượng, 1 dự án hạ tầng; hỗ trợ vốn ít nhất 2 dự án bất động sản; nghiên cứu ít nhất 5 công ty cho mục tiêu M&A ngành hạ tầng.
Ngoài ra, công ty sẽ thành lập phòng EPC, tập trung cho mảng năng lượng; thành lập phòng hạ tầng; thành lập phòng kinh doanh sản phẩm phi truyền thống; củng cố ban đầu tư; thành lập bộ phận hỗ trợ khách hàng FDI (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc). Đặc biệt, công ty bắt đầu nghiên cứu lĩnh vực quản lý tài sản.