MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Ông lớn' nhà nước: Đầu tư ngàn tỷ rồi lỗ trắng tay

Hàng loạt “ông lớn” doanh nghiệp nhà nước (DNNN) dính phải các bê bối về nợ khó đòi, làm ăn thua lỗ, khả năng mất trắng khoản vốn đã đầu tư.

Thua lỗ nghìn tỷ: Vinalines đứng đầu

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về tình hình tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại 234 DN thuộc tập đoàn, tổng công ty Nhà nước năm 2014 cho thấy, có 33/38 Tập đoàn, tổng công ty, công ty kinh doanh có lãi.

Trong đó đứng đầu là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với lợi nhuận sau thuế năm 2014 lên đến hơn 43.800 tỷ đồng; Mobifone gần 5.100 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam gần 4.400 tỷ đồng; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam hơn 2.500 tỷ đồng; Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM trên 1.300 tỷ đồng,...


Nhiều khoản đầu tư của các DN có vốn nhà nước kém hiệu quả, lãng phí. Ảnh: L.Bằng

Nhiều khoản đầu tư của các DN có vốn nhà nước kém hiệu quả, lãng phí. Ảnh: L.Bằng

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, 5/38 tập đoàn, tổng công ty, công ty kinh doanh thua lỗ, mà đứng đầu là Vinalines với số lỗ khủng lên đến gần 3.500 tỷ đồng. Riêng con số này đã gấp nhiều lần số lỗ của 4 đơn vị khác cộng lại.

Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, còn nhiều đơn vị đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Trong đó, cái tên Vinalines liên tục được nhắc đến. Có tới 51/63 đơn vị có vốn đầu tư của Công ty mẹ Vinalines thua lỗ hoặc hiệu quả thấp, cổ tức thu được năm 2014 chỉ vỏn vẹn 0,46% vốn đầu tư.

Hay Công ty mẹ Tổng công ty cơ khí xây dựng (COMA), lợi nhuận được chia năm 2014 từ các công ty con chỉ bằng 1,05% vốn đầu tư. Trong 10 công ty con thì có tới 6 công ty thua lỗ với 4 công ty mất vốn chủ sở hữu là COMA 3, COMA 7, COMAEL, Cổ phần Khóa Minh Khai.

Cơ quan kiểm toán không quên “điểm danh” việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư 800 tỷ đồng vào Oceanbank và ngân hàng này bị mua lại với giá không đồng.

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra nhiều “ông lớn” nhà nước góp vốn vào các DN có tình trạng tài chính xấu, có nguy cơ ngừng hoạt động hoặc phải giải thể. Trong đó, có những khoản đầu tư vào các DN có số lỗ lớn hơn cả vốn đầu tư của chủ sở hữu.

Chẳng hạn, Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV đầu tư vào Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hạnh Phúc. Đơn vị này có số vốn chủ sở hữu là gần 210 tỷ đồng nhưng lỗ đến trên 852 tỷ đồng.

Nhiều khoản đầu tư vào các đơn vị có lỗ lũy kế lớn. Chẳng hạn PVN rót vốn vào Nhà máy xơ sợi Đình Vũ Hải Phòng (PVTex) lỗ gần 1.500 tỷ đồng,...

Khi góp vốn vào các công ty liên doanh, liên kết, các “ông lớn” nhà nước cũng không thu được nhiều thành quả.

Tổng công ty Lâm nghiệp có 6 công ty liên doanh, liên kết thì lỗ lũy kế 54,7 tỷ đồng và 657.218 USD; Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) có tới 15/19 công ty liên doanh, liên kết lỗ lũy kế hơn 94 tỷ đồng; 3/12 khoản đầu tư dài hạn khác lỗ lũy kế gần 70 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Mía đường La Ngà đầu tư chứng khoán trái quy định, không hiệu quả. Đầu tư chứng khoán chỉ do cá nhân Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc quyết định, không thông qua Hội đồng quản trị theo quy định. Kết quả đầu tư chứng khoán từ 24/9/2007 đến 31/12/2014 lỗ trên 18 tỷ đồng.

Măc kẹt với nợ khó đòi

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra, nhiều DN nhà nước quản lý nợ chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ phải thu quá hạn cùng hàng nghìn tỷ đồng bị liệt vào dạng nợ khó đòi.

Cụ thể, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) có khoản nợ khó đòi lên tới hơn 376 tỷ đồng (chiếm 25,7% ), hay Văn phòng Tổng công ty Vinataba, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9, COMA 18, COMAEL,... có số nợ khó đòi lên tới vài chục tỷ đồng mỗi đơn vị. Riêng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng bị “mắc kẹt” khoảng 300 tỷ đồng nợ khó đòi.

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra một số khoản cho vay, bảo lãnh tiềm ẩn nguy cơ khó đòi, mất vốn. Công ty mẹ - Vinalines cho 3 công ty con vay theo chủ trương của Chính phủ, khó thu hồi hơn 457 tỷ đồng; bảo lãnh và tiếp nhận bảo lãnh cho các đơn vị kinh doanh thua lỗ hơn 6.200 tỷ đồng, 151,8 triệu USD và 69,2 triệu EUR tiềm ẩn rủi ro.

Công ty mẹ - Vinataba cho Công ty Thực phẩm miền Bắc vay 60 tỷ đồng từ năm 2012 và 2013 khó có khả năng thu hồi gốc và lãi 67,28 tỷ đồng,...

Trong khi còn hàng nghìn tỷ nợ khó đòi, thì Kiểm toán Nhà nước cũng thấy rằng, hoạt động kinh doanh của nhiều DN nhà nước chủ yếu dựa vào vốn vay của các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, dẫn đến hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao.

Chẳng hạn, Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cà Mau Vinalines có hệ số nợ phải trả cao gấp gầ 154 lần vốn chủ sở hữu, Công ty Cổ phần Phát triển Hàng hải Việt Nam 55 lần, Công ty TNHH MTV Cảng Năm Căn 17,7 lần,...

Theo Kiểm toán Nhà nước, cơ bản các DN được cổ phần hóa đã xử lý các vấn đề tài chính trước khi xác định giá trị DN và giá trị vốn nhà nước tại DN theo quy định. Song, việc xử lý tài chính của Công ty mẹ Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị Hà Nội (HUD) còn sai sót. Một số đơn vị xác định giá trị DN và phần vốn nhà nước tại DN chưa đúng đắn. Cụ thể xác định giá trị Công ty mẹ - HUD thiếu gần 35 tỷ đồng, Công ty mẹ - IDICO thiếu 817 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà thừa 89,77 tỷ đồng,...

Theo Lương Bằng

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên