"Ông lớn" ở Việt Nam ấp ủ kế hoạch làm ray đường sắt chạy 850km/h: Thế giới làm tàu tốc độ cao thế nào?
Tập đoàn top đầu Việt Nam sẵn sàng đấu thầu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam với kế hoạch sản xuất ray đường sắt đạt tới tốc độ 850km/h.
Hòa Phát muốn làm ray tàu hỏa tốc độ cao
Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của CTCP Tập đoàn Hòa Phát diễn ra ngày 11/4, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát nhấn mạnh về việc tại Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2, Tập đoàn Hòa Phát sẽ làm đường ray xe lửa cho đường sắt cao tốc. Từ đây, Hòa Phát cũng sẵn sàng đấu thầu cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Long cho biết, doanh nghiệp đang tích cực nghiên cứu đề án sản xuất đường ray tốc độ cao với tốc độ tính toán ban đầu có thể lên đến 850km/h: "Bao giờ ra sản phẩm cũng phải tính được thì tương lai. Bây giờ thế giới phổ biến là 300-500km/h. Nhưng tôi được biết nhiều nước đang có thử nghiệm 800km/h. Mình làm sau, mình phải bắt kịp và đáp ứng được yêu cầu về tốc độ. Tốc độ càng cao thì tính ăn mòn càng khủng khiếp".
Ông nói đề án mới chỉ là ý tưởng từ phía doanh nghiệp, đang được nghiên cứu một cách tích cực, bài bản với đội ngũ các chuyên gia nước ngoài. Về tiến độ, dự kiến năm 2026 sẽ hoàn thành nghiên cứu và nhanh nhất năm 2028 ra được sản phẩm.
"Làm cái này rất lâu, rất khó, rất tốn kém nhưng chúng tôi vẫn cố gắng làm và có thể kịp tham gia đấu thầu, cung cấp sản phẩm nếu có cơ hội", ông Long nói với nguồn trên.
Tuy nhiên, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam mà tập đoàn Hòa Phát muốn tham gia đấu thầu dự kiến sẽ chỉ có tốc độ 350km/h. Báo cáo lãnh đạo Chính phủ trong phiên họp ngày 26/3, Bộ GTVT tái khẳng định phương án tốc độ thiết kế 350km/h cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Trước đó, cuối năm 2023, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Theo đó, Chính phủ yêu cầu nghiên cứu phương án phát triển đường sắt tốc độ thiết kế 350km/h và thực sự trở thành trục xương sống.
Đường sắt tốc độ cao thế giới chạy vận tốc bao nhiêu?
Trong những năm gần đây, sự tiến bộ mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đã đưa công nghệ tàu cao tốc phát triển vượt bậc, từ việc chạy trên đường ray thông thường đến sử dụng đệm từ và giờ đây là hệ thống đường sắt siêu tốc trong ống, đạt vận tốc hàng trăm km mỗi giờ.
Theo Liên đoàn Đường sắt quốc tế định nghĩa, đường sắt tốc độ cao chạy trên ray là hệ thống đường sắt có tốc độ vận hành trên 200 km/h bằng cách cải tạo tuyến cũ (nắn thẳng tuyến, chuẩn hóa khổ đường) hoặc hệ thống đường sắt với tốc độ vận hành của các tuyến mới trên 250 km/h.
Các thử nghiệm của Nhật Bản vào ngày 21 tháng 4 năm 2015 đã thiết lập kỷ lục với tàu siêu dẫn đệm từ đạt tốc độ 603 km/h, là tốc độ cao nhất ghi nhận cho phương tiện trên bộ có người lái. Tuy vậy, chi phí đắt đỏ khiến dự án xây dựng tuyến đường sắt đệm từ ở Nhật Bản không được thông qua.
Tuyến đường sắt đệm từ thương mại đầu tiên trên thế giới là tuyến nối sân bay Pudong với ga Longyang ở Thượng Hải, Trung Quốc, có thể đạt tốc độ tối đa 431 km/h. Và vào ngày 20 tháng 7 năm 2021, Trung Quốc con giới thiệu tàu đệm từ thiết kế có thể đạt tốc độ tối đa 600 km/h.
Bên cạnh đó, công nghệ đường sắt tốc độ cao chạy trong ống Hyperloop hay ống khí nén đang được phát triển, cho phép tốc độ tàu lên tới trên 1.000 km/h. Elon Musk, CEO của Tesla, là người đầu tiên đề xuất ý tưởng này vào năm 2013.
Hiện Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch cho dự án tàu siêu tốc trong ống có chiều dài 150 km với tốc độ lên đến 1.000 km/h.
Mặc dù có những đổi mới, đường sắt tốc độ cao chạy trên ray vẫn được coi là có ưu điểm vượt trội, với mức độ an toàn cao và chi phí đầu tư thấp, đang được tiếp tục xây dựng và sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên toàn cầu.
Dựa vào kinh nghiệm xây dựng đường sắt tốc độ của các nước trên thế giới cùng với điều kiện khoa học và công nghệ cũng như tiềm lực kinh tế Việt Nam, việc lựa chọn loại hình chạy trên ray là phù hợp nhất.
Đời sống pháp luật