MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Ông lớn” tạo làn sóng cho ngân hàng số Việt Nam là ai?

17-06-2019 - 08:54 AM | Tài chính - ngân hàng

“Ông lớn” này được kỳ vọng tạo làn sóng, lôi kéo và thúc đẩy các ngân hàng thương mại, các công ty fintech cùng hướng đến thay đổi lớn.

Trao đổi trước thềm tọa đàm “Ngân hàng số thúc đẩy phát triển những hệ sinh thái đặc thù” do BizLIVE tổ chức ngày 14/6 vừa qua, chuyên gia Võ Trí Thành nêu góc nhìn: một trong những thách thức lớn đối với chuyển đổi số, với thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam là “kinh tế ngầm”.

Thứ hai, với hoạt động ngân hàng và ngân hàng số, về địa lý, một khu vực rộng lớn của thị trường vẫn nằm ở các tỉnh lẻ, các địa bàn xa mà hạ tầng công nghệ và thói quen trong giao dịch đòi hỏi một quá trình lâu dài để có thể thay đổi.

Tại buổi tọa đàm trên, ông Nguyễn Chiến Thắng - Giám đốc cao cấp Ngân hàng Số VPBank cũng cho rằng, công nghệ không phải là trở ngại chính trong quá trình chuyển đổi số và phát triển ngân hàng số, mà trước hết vẫn là niềm tin và thói quen của khách hàng.

Để tạo được niềm tin và thay đổi thói quen, ông Trần Hoài Nam, Giám đốc Ngân hàng Số TPBank đặt vấn đề: cần những “ông lớn” tạo ra làn sóng lớn để lôi kéo khách hàng, các ngân hàng thương mại và TPBank nhập cuộc vào làn sóng đó để cùng thúc đẩy.

“Ông lớn” để tạo được làn sóng lớn đó tại Việt Nam là ai?

Vẫn còn… “tự nó đến”

Thoạt tiên, câu trả lời có thể hướng đến những ngân hàng thương mại lớn nhất tại Việt Nam, hay vẫn được gọi “big 4”, gồm Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

Về độ phủ, bốn thành viên trên đang chiếm quanh 50% thị phần cả huy động lẫn cho vay. Độ phủ ở nhóm này theo đó có quy mô lớn cả về lượng khách hàng lẫn không gian địa lý.

Là những “ông lớn” về các thị phần truyền thống, nhưng không hẳn đây là những ngân hàng thương mại tiên phong trong chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số mạnh mẽ nhất. Nhiều sản phẩm, tiện ích trong lĩnh vực này thời gian qua nhanh nhạy và nổi bật hơn ở một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, các công ty fintech…

Dù vậy, triển vọng thể hiện vị thế của nhóm ngân hàng lớn trên đang mở ra, để cùng thúc đẩy mục tiêu tạo niềm tin và thay đổi thói quen khách hàng nói trên.

Cuối năm 2018, VietinBank đã hoàn tất dự án thay thế hệ thống ngân hàng lõi CoreBanking, được xem là tiền đề để thực hiện chiến lược chuyển đổi số trong giai đoạn 2018 - 2020. Năm 2019, Vietcombank cũng đặt trọng tâm chiến lược phát triển ngân hàng số, theo định hướng được nhấn mạnh tại đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua.

Nhưng những “ông lớn” nói trên có thực sự trở thành những đầu tàu tạo làn sóng cho ngân hàng số tại Việt Nam hay không? Câu trả lời vẫn ở phía trước.

Còn hiện tại, theo đánh giá của chuyên gia Cấn Văn Lực tại tọa đàm trên: “Nếu so sánh với tốc độ chuyển đổi số của các ngân hàng trên thế giới và ngay cả với các fintech tại Việt Nam hiện nay, tốc độ chuyển đổi của các ngân hàng Việt Nam có lẽ đang chậm hơn khá nhiều”.

Thậm chí theo chuyên gia này, một số ngân hàng thương mại Việt Nam vẫn còn khá thụ động với chuyển đổi số và ngân hàng số, theo hướng phát triển như “tự nhiên” và “tự nó đến”.

Làn sóng từ tầm cao

Trao đổi với BizLIVE bên lề tọa đàm trên, có ý kiến cho rằng “ông lớn” mà đại diện TPBank đặt vấn đề không hẳn là một ngân hàng thương mại cụ thể, hay một fintech hoặc bigtech cụ thể.

“Ông lớn” ở đây có thể hiểu về vai trò của người mở đường, tạo hướng đi và hành lang pháp lý an toàn, có những chính sách và điều kiện hỗ trợ, từ đó để lôi kéo các ngân hàng, các công ty fintech vào cuộc để cùng tạo nên làn sóng chung.

Tại tọa đàm, vai trò đó được TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh ở tầm nhìn và định hướng của Chính phủ, với đầu mối tham vấn, quản lý và thực thi cụ thể là Ngân hàng Nhà nước.

Ông Lực dẫn chi tiết, ngay đầu năm nay, tại các nghị quyết số 01 và 02, Chính phủ đã đưa ra định hướng về phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng; và đây sẽ là điều kiện giúp ví điện tử ngày càng phát triển trong thời gian tới.

Nếu nhìn vào khuôn khổ một nghị quyết của Chính phủ nhiều năm qua, rất ít khi một sản phẩm, định hướng phát triển một dịch vụ tài chính cụ thể có được “vị trí danh dự” như vậy trong văn bản chỉ đạo điều hành thường mang tầm vĩ mô.

Hay trước băn khoăn của mô hình MobileMoney, Chính phủ cũng nhanh chóng có định hướng Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cho phép thí điểm; trước sự xuất hiện của cho vay ngang hàng, Chính phủ cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có đề án thí điểm và quản lý.

Những năm gần đây và hiện nay, “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” cũng thể hiện là một “từ khóa” thường trực trong nhiều chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về quản lý và phát triển các lĩnh vực kinh tế…

Với Ngân hàng Nhà nước, trước hết, các khung khổ pháp lý đã và đang được hoàn thiện. Song song, nhiều chương trình truyền thông, diễn đàn chính sách và thực tiễn đã được đầu mối này tổ chức. Cơ sở dữ liệu về kết quả chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số và đặc biệt ở các kênh thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt liên tục được cập nhật tới công chúng.

Trong một lần trao đổi với BizLIVE gần đây, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, các lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vẫn thường xuyên ngồi lại với các đại diện ngân hàng thương mại, các công ty fintech để trao đổi, nắm bắt và xem xét cụ thể những chuyển động, yêu cầu và thực tiễn trong lĩnh vực này, trước xu thế phát triển nhanh chóng của công nghệ.

Ngân hàng Nhà nước cũng đang xây dựng đề án phát triển tài chính toàn diện, gắn với chiến lược quốc gia tổng thể, dự kiến sẽ sớm trình Chính phủ và công bố.

Được biết, đề án này hướng đến việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; phát triển cơ sở hạ tầng tài chính, công nghệ; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tài chính; xây dựng cơ chế bảo vệ người tiêu dùng và giáo dục tài chính; quan tâm, ưu tiên đối với các đối tượng dễ bị tổn thương (các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ, người nghèo nông thôn…) nhằm hỗ trợ, giúp các đối tượng này này tiếp cận tốt hơn, hiệu quả hơn các dịch vụ tài chính, ngân hàng; xây dựng cơ chế điều phối và phối hợp huy động tổng thể nguồn lực triển khai tài chính toàn diện hiệu quả…

Đây cũng là đề án có tầm bao trùm mà các thành viên trên thị trường chờ đợi, trong mục tiêu hướng tới cùng tham gia tạo được một làn sóng lớn chuyển đổi số và phát triển ngân hàng số tại Việt Nam.

Theo tìm hiểu của BizLIVE, đề án này dự kiến được trình Chính phủ ngay trong tháng này. Nếu vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động đi trước lộ trình, vì trước đây từng có tính toán phải đến năm 2020 mới có thể xây dựng xong.

Theo Ngân Giang

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên