Ông Nguyễn Đức Kiên: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục khiến nhiều dự báo trở nên lạc hậu
Quan điểm của WorldBank và ADB nhận định về cuối năm Việt Nam chỉ đạt tăng trưởng mức 6,3%. Còn HSBC nhận xét tăng trưởng quý III là vượt kỳ vọng nhưng chỉ nâng mức dự báo lên 6,6% cho cả năm. Dù vậy, những chỉ số kinh tế ghi nhận ở hiện tại cho thấy bức tranh ngược lại, mục tiêu GDP đạt 6,7% đang được đảm bảo.
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và cả năm 2017 đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV khai mạc hôm 23/10.
Theo Chính phủ, dự kiến có 8 trên 13 chỉ tiêu được Quốc hội giao cho đạt kế hoạch, 5 chỉ tiêu còn lại là ở mức vượt. Đặc biệt, Chính phủ cũng nhấn mạnh, mục tiêu tăng trưởng GDP ước đạt 6,7%, lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4%, các cân đối lớn đều được đảm bảo.
Báo Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội về "cú lội ngược dòng" của Việt Nam, trái với nhiều dự báo trước đó của nhiều tổ chức kinh tế trong và ngoài nước.
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam trong 9 tháng vừa qua, đặc biệt là mức tăng trưởng trong quý III đạt 7,46%, cao kỷ lục trong 6 năm trở lại đây?
Chín tháng của năm nay nền kinh tế đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc, quý sau cao hơn quý trước, đặc biệt là quý III đã tăng một cách ngoạn mục mà nhìn lại ở thời điểm đầu năm rất khó lòng tin được. Cụ thể, quý I chỉ đạt 5,15%, sang đến quý II có khá khẩm hơn thì đạt 6,28%, nhưng đến quý III đã tăng lên 7,46%, cao hơn các quý trước lần lượt là 2,31 và 1,18 điểm phần trăm. Chính những điều này làm cho dự báo của các chuyên gia kinh tế đưa ra hồi đầu năm, giữa năm trở thành lạc hậu.
Ảnh: Kiên Trần
Nếu tìm hiểu kỹ số liệu báo cáo của Chính phủ trình ra Quốc hội ở kỳ họp thứ XIV này thì thấy những yếu tố chủ yếu góp phần cho tăng trưởng cao được định hình ở một số nhóm ngành và lĩnh vực cơ bản.
Trước hết là khối doanh nghiệp FDI đã có sự tăng trưởng ngoạn mục về xuất khẩu. Thành công này thể hiện rõ nhất ở Samsung. Sau sự cố về nổ pin ở điện thoại Galaxy Note 7, Samsung đã chuẩn bị cho chiếc Note 8 từ khâu sản xuất, phân phối tiêu thụ rất kỳ công. Với sự chuẩn bị thị trường kỹ lưỡng như vậy thì tốc độ tăng trưởng ở Việt Nam được đẩy lên thông qua xuất khẩu sản phẩm này là điều có thể lý giải được.
Thứ hai, trong 9 tháng qua, tăng trưởng của nông nghiệp đã đi vào quỹ đạo ổn định, ở mức cao đạt khoảng 2,7%, tạo bệ đỡ đảm bảo cho tăng trưởng, lạm phát đạt được chỉ tiêu mà Quốc hội đã thông qua.
Nhóm thứ ba góp phần làm cho tốc độ tăng trưởng là chỉ số của tổng tiêu dùng nội địa. Điều này cho thấy niềm tin của doanh nghiệp, người dân vào thị trường đã được hồi phục, chính vì thế người dân, doanh nghiệp tiêu dùng, đầu tư nhiều hơn trước. Nhìn sang mức đầu tư của toàn xã hội 9 tháng thì cũng thấy dự báo cao hơn năm 2016. Niềm tin vào chính sách vĩ mô đã được cải thiện và nó góp phần làm cho tăng trưởng quý III ngoạn mục như vậy.
Ảnh: Kiên Trần
Một trong ba điểm sáng được ông nhắc đến là sự đóng góp của khối doanh nghiệp FDI. Nhưng có ý kiến cho rằng nền kinh tế đang dựa vào khối này quá nhiều và như vậy tăng trưởng không được bền vững, ông bình luận như thế nào về vấn đề này?
Tôi chỉ đồng ý 50% ý kiến đó thôi. Tức là việc chúng ta dựa vào doanh nghiệp FDI là đúng, nhưng bảo là không bền vững thì phải cân nhắc lại. Trong một nền kinh tế thị trường, không ai có thể đảm bảo nếu doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu điện thoại Samsung lại không bị ảnh hưởng bởi thị trường, còn Samsung lại bị. Xuất khẩu được hay không còn phụ thuộc vào thị trường thế giới, nếu nói nó không bền vững là do doanh nghiệp FDI là không đúng.
Nhưng vấn đề ở đây nếu nói về hiệu quả của tăng trưởng góp phần nâng cao đời sống của người dân thì đúng là doanh nghiệp FDI đóng góp thấp hơn doanh nghiệp Việt Nam.
Nhưng muốn phát triển kinh tế thì phải dựa vào nội lực chứ không thể bằng ngoại lực được, FDI vẫn được xem là ngoại lực. Làm thế nào để có sự cân bằng hơn giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, thưa ông?
Trước hết phải nói là chúng ta tạo sự bình đẳng. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII vừa qua chúng ta có nói đến việc không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Họ đều nằm trong hệ thống doanh nghiệp của Việt Nam.
Ở đây chúng ta có những cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước để họ tận dụng cơ hội, tiếp cận thị trường và phát triển, chứ không thể có việc có sự phân biệt đối xử để tạo ra sự tăng trưởng thần kỳ của doanh nghiệp Việt.
Ảnh: Kiên Trần
Mặt khác cũng phải nói rằng chỉ có doanh nghiệp nhà nước (tập đoàn và tổng công ty), nhóm các doanh nghiệp nhà nước kết hợp với tập đoàn kinh tế tư nhân lớn hình thành ra được thế đối trọng, bình đẳng hoặc tương đối bình đẳng với các tập đoàn xuyên quốc gia đang đầu tư ở Việt Nam.
Do đó, Việt Nam cần phải đẩy mạnh việc cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước (các tập đoàn và tổng công ty) và tạo điều kiện bình đẳng để kinh tế tư nhân phát triển thành trụ cột của nền kinh tế nội.
Quay trở lại câu chuyện tăng trưởng, chúng ta chỉ còn 3 tháng nữa là hết năm, liệu tăng trưởng trong quý IV có giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu đã đề ra?
Đà tăng trưởng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong đó có Samsung với sản phẩm chủ lực là Galaxy Note 8 tương đối tốt trên thị trường cùng với dư địa về vốn đầu tư công (tính đến 20/9 đạt khoảng 51%, khối lượng thi công xong chờ biểu lập thanh toán là 64%) và tình hình thời tiết ổn định cho nông nghiệp từ nay đến cuối năm thì tăng trưởng quý IV hoàn toàn có thể đạt kết quả khả quan, góp phần đảm bảo cho mục tiêu 6,7% đã đề ra.
Chính bởi những yếu tố trên, tôi cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đến nay vẫn còn ở dưới tiềm năng mà nếu quản lý tốt, cởi trói tốt thì vẫn có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng mà chúng ta đang ngỡ ngàng là đạt 7,46%.
Vậy trong kỳ họp lần này, liệu Quốc hội có đưa ra một biện pháp đột phá nào để thúc đẩy hơn nữa mục tiêu tăng trưởng?
Quốc hội sẽ tiếp tục đi sâu vào thảo luận xem tại sau tốc độ tăng trưởng quý I, quý II lại thấp và quý III, IV tăng cao hoặc sẽ tăng mạnh được ở đâu, những chính sách nào đã ban hành có hiệu quả, những chính sách nào thì chưa để có sự điều chỉnh, sửa đổi phù hợp với tình hình, thị trường hơn. Còn để nói là đột phá thì không có đâu.
Nhắc sự điều chỉnh phù hợp với thị trường, vậy câu chuyện của Uber, Grab, Bitcoin hay nói rộng hơn là những biến đổi nhanh chóng do tác công nghệ 4.0 có được bàn đến không thưa ông?
Ảnh: Kiên Trần
Bitcoin thì chắc chắn không đưa ra thảo luận. Nó chỉ là sản phẩm ăn theo của công nghệ 4.0. Và đến nay, có thể nói rằng tính khả thi, độ an toàn cho người sử dụng vẫn là yếu tố đặt ra làm cho tất cả các Ngân hàng Trung ương trên thế giới giữ khoảng cách với nó.
Câu chuyện của Grab và Uber thì với quyết định thí điểm của Thủ tướng, đến cuối tháng 12 này là kết thúc. Sau thời gian đó, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành đánh giá các mặt mạnh yếu được mất của nó nhằm xem xét phương thức quản lý đối với loại hình vận tải này như thế nào. Có thể nói nó sẽ chỉ nằm ở Nghị định thôi chứ không phải là luật.
Xin cảm ơn ông!
Ảnh: Kiên Trần