Ông Nguyễn Đức Tài cảnh báo đối thủ bán đồ Apple ‘sẽ nghe thấy tiếng rên xiết kéo dài’, đối thủ phản pháo: ‘Chúng tôi sẵn sàng cho bất cứ cuộc chiến về giá nào’
“Chúng tôi sẵn sàng cho bất cứ cuộc chiến về giá nào với hệ thống bảng giá điện tử hiện đại bậc nhất và hệ thống led thông tin tức thời giúp hơn 100 cửa hàng có thể thay đổi giá bán online, offline chỉ sau chưa tới 5 giây”, đại diện một hệ thống bán lẻ lớn khẳng định.
Tại Đai hội cổ đông thường niên năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch công ty đã chia sẻ về chiến lược mới đối với các sản phẩm Apple của Thế Giới Di Động.
Ông cho biết trước đây Thế Giới Di Động không quá căn ke về chênh lệch giá giữa mình và các đối thủ và đó là “khe hở” để đối thủ của Thế Giới Di Động kiếm khách hàng.
"Các bạn có thể thấy có những thời điểm giá của Thế Giới Di Động cao hơn các cửa hàng khác đến vài triệu đồng", ông Tài nói.
Tuy nhiên, ông Tài khẳng định sắp tới hiện tượng này sẽ chấm dứt và sẽ không để cho chênh lệch giá trở thành điểm lợi dụng của đối thủ.
" Với vai trò nhà đầu tư, nếu các bạn cũng đầu tư vào các đối thủ cạnh tranh, các bạn sẽ nghe thấy tiếng rên xiết trong thời gian sắp tới, và nó sẽ kéo dài chứ không phải ngắn hạn đâu. Các bạn chuẩn bị cho tinh thần đó đi ", ông Tài khẳng định.
Trước những cảnh báo của đại diện hệ thống bán lẻ quy mô lớn nhất Việt Nam, một hệ thống bán lẻ lớn khác là CellphoneS đã có phản hồi: “Đối diện với việc cạnh tranh giá, CellphoneS đã đầu tư hệ thống cập nhật giá realtime để chắc chắn luôn chủ động đặt một mức giá thấp hơn so với đối thủ, đủ để khách hàng yên tâm về giá khi chọn CellphoneS”, đại diện hệ thống này cho biết.
“Chúng tôi sẵn sàng cho bất cứ cuộc chiến về giá nào với hệ thống bảng giá điện tử hiện đại bậc nhất và hệ thống led thông tin tức thời giúp hơn 100 cửa hàng có thể thay đổi giá bán online, offline chỉ sau chưa tới 5 giây” , hệ thống này khẳng định, cho biết thêm khách hàng còn nhận nhiều ưu đãi khác đến từ các chương trình thu cũ đổi mới, ưu đãi thanh toán từ các đối tác tài chính hoặc đăng ký thành viên…
Chia sẻ thêm về tình trạng “phá giá” sản phẩm Apple tại Việt Nam hiện nay, đại diện CellphoneS cho hay cuộc chiến về giá giữa các chuỗi bán lẻ đã diễn ra từ quý đầu năm 2023. Những nhà bán lẻ chịu áp lực tồn kho quá lớn, bất hợp lý thì càng có những động thái buộc phải phá giá để giải quyết những khó khăn về dòng tiền.
Những khó khăn chung của thị trường bán lẻ điện thoại giai đoạn cuối 2022 dự kiến kéo dài hết 2023 về mặt nào đó là cơ hội để các chuỗi bán lẻ tối ưu vận hành, siết giảm các chi phí lâu nay còn lãng phí để tiếp tục giảm giá bán lẻ trong tương lai.
"Triết lý kinh doanh ngay từ đầu của chúng tôi là tối giản diện tích mặt bằng, giảm thiếu tối đa chi phí vận hành nhằm đưa ra mức giá cạnh tranh nhất thị trường. Các chuỗi cửa hàng với mặt bằng đắt đỏ chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc cạnh tranh về giá bán", đại diện Hoàng Hà Mobile phản hồi. "Chúng tôi nhận thấy đây là tín hiệu đáng mừng với khách hàng. Họ có cơ hội mua được sản phẩm đúng với giá trị thật và có thêm nhiều lựa chọn giá giữa các đại lý", hệ thống này cho biết thêm.
Trong khi đó, đại diện FPT Shop không đưa ra bình luận nào về cảnh báo từ phía Thế Giới Di Động, tuy nhiên khẳng định doanh số sản phẩm Apple tại hệ thống này vẫn ở mức tốt. FTP Shop hiện là nhà bán lẻ di động lớn thứ 2 tại Việt Nam.
Nói về cạnh tranh trên thị trường di động Việt Nam, một chuyên gia có nhiều năm trong nghề khẳng định thị trường Việt Nam có một số điểm đặc thù. “Thông thường mỗi thị trường sẽ có khoảng 3-4 nhà bán lẻ lớn chia nhau thị phần. Tuy nhiên ở Việt Nam, 1 nhà bán lẻ (TGDĐ) chiếm đến 60% thị phần, phần nào đó gây ra sự lệch lạc. Lợi nhuận họ có được đang là lớn nhất từ việc bán giá cao nhất cho người tiêu dùng đồng thời mua hàng giá rẻ nhất từ đại lý, nhà phân phối”, người này nói.
Theo thông tin trong ngành, lãi gộp của TGDĐ có thể đạt 25% trong khi với các hệ thống khác, lãi gộp duy trì thấp hơn nhiều.
Trong điều kiện thông thường, phần lớn người tiêu dùng phổ thông sẵn sàng mua hàng tại đây vì độ phủ quá lớn, danh tiếng, uy tín cũng như chất lượng dịch vụ dẫn đầu thị trường. Khi đó, các hãng, nhà phân phối cũng phải phụ thuộc vào họ để có doanh số và chiếm lĩnh thị phần. “Trong mối quan hệ này, hãng, nhà phân phối buộc phải hợp tác nhưng xu hướng muốn thoát ra cũng không phải là không có”, người này nói.
“Khi nhu cầu thị trường sụt giảm, việc cắt giá để giành giật thị phần là điều hiển nhiên, có thể dự báo được. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra với Thế Giới Di Động lúc này là họ có thể duy trì chính sách cắt giảm giá bán này đến bao giờ bởi mức lãi gộp sẽ hạ thấp. Nếu chỉ giảm giá một thời gian để đợi thị trường tốt lên, việc tăng giá trở lại sau đó có thể cũng gây hiệu ứng ngược với người tiêu dùng. Đây là những thách thức đối với họ”, vị này nhận định.
Nhịp sống thị trường