MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Nguyễn Duy Hưng: Chính phủ cần có chiến lược để DN Việt giữ vững vị thế trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

24-09-2018 - 07:08 AM | Doanh nghiệp

Vị thế của doanh nghiệp tại thị trường nội địa chính là lợi ích bền vững, lâu dài cho nền kinh tế và bản thân doanh nghiệp.

Những ngày qua, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được cho là tiếp tục căng thẳng với việc Mỹ tuyên bố đánh thuế bổ sung 10% với 200 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc kể từ ngày 24/9. Những cảnh báo về tương lai cuộc chiến từ góc nhìn các chuyên gia trên thế giới cũng được đưa ra.

Nhiều ý kiến cho rằng xung đột thương mại giữa hai cường quốc sẽ ảnh hưởng đến thương mại của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Một số ngành ở Việt Nam được cho là sẽ hưởng lợi.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), đã có những chia sẻ quan điểm về vấn đề này.

Về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, một CEO của một tập đoàn toàn cầu vừa trở về từ Thượng Hải, Trung Quốc chia sẻ thông tin phương án hành động tiếp theo của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ sẽ không lớn tiếng đấu khẩu, hạn chế mức thấp nhất việc đưa ra các đòn trừng phạt bằng cách đánh thuế hàng hoá nhập khẩu từ Mỹ.

Ông Nguyễn Duy Hưng: Chính phủ cần có chiến lược để DN Việt giữ vững vị thế trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI.

Trung Quốc sẽ im lặng và triển khai theo cách rất “Trung Quốc”, tức là sẽ triển khai mọi hành động trong im lặng miễn sao đạt mục tiêu mà họ ngầm đặt ra.

Theo nguồn tin này, Trung Quốc sẽ chấp nhận thua “trận chiến trước mắt” gây thiệt hại cho nền kinh tế Trung Quốc. Nước này sẽ thực thi các hàng rào kỹ thuật chiến thuật nhằm bảo hộ cho các công ty trong nước kiểm soát thị trường 1,4 tỷ dân nội địa nhân cơ hội Mỹ đang bảo hộ các công ty trong nước bằng đánh thuế hàng hoá nhập khẩu từ nước này.

Sau 40 năm cải cách kinh tế, mở cửa thị trường kêu gọi đầu tư nước ngoài theo cách Trung Quốc, hiện các doanh nghiệp nước này đã có đủ tiềm lực cả kỹ thuật và tài chính để có thể cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài. Ông Hưng cho rằng, nay có thêm chủ trương hỗ trợ của chính phủ chắc chắn các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ có nhiều ưu thế trong “cuộc chiến lâu dài” trên.

"Trung Quốc thực chất không thiệt hại nhiều như mọi người nghĩ vì Trung quốc xuất khẩu chỉ chiếm 19% GDP và trong số đó 19% xuất khẩu vào Mỹ, nên thuế quan vào Mỹ chỉ ảnh hưởng chưa đến 4% GDP".

Giữ vững thị trường nội địa

Theo ông, đúng là Việt Nam đang có chút cơ hội trước mắt khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung xảy ra. Tuy nhiên, thực chất, quy mô sản xuất của Việt Nam hiện nay là quá nhỏ, do đó sẽ không tận dụng được bao nhiêu.

"Trong tình hình này, nếu chúng ta vẫn tiếp tục kêu gọi FDI bằng các chính sách ưu đãi và theo đuổi tăng trưởng kinh tế bằng gia công hàng xuất khẩu thì lợi sẽ là rất ngắn hạn. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta hiện đã là 200% GDP", ông Hưng phân tích.

Với đặc thù thị trường Trung Quốc gắn chặt với thị trường Việt Nam như hiện nay, Chủ tịch SSI cho rằng điều quan trọng nhất lúc này là cần có chiến lược gì để các doanh nghiệp Việt Nam không đánh mất vị thế tại chính thị trường 100 triệu dân của Việt Nam. Theo ông, đây mới chính là lợi ích bền vững và lâu dài cho nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.

Ông Nguyễn Duy Hưng: Chính phủ cần có chiến lược để DN Việt giữ vững vị thế trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung - Ảnh 2.

Bên cạnh lưu ý về việc đặt trọng tâm vào thị trường tiêu thụ trong nước, ông Hưng cũng chỉ ra cần có chính sách để các doanh nghiệp trong nước tiếp cận các ưu đãi tương tự khu vực FDI.

"Với các chính sách ưu đãi như hiện nay nhiều doanh nghiệp trong nước đang mơ ước được hưởng các ưu đãi như doanh nghiệp FDI thì thật khó cho các doanh nghiệp nội địa đạt được lợi ích lâu dài", ông Nguyễn Duy Hưng bày tỏ.

Chủ tịch SSI cho biết luôn đánh giá cao các doanh nghiệp FDI đã đóng góp rất nhiều cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nộp thuế cho ngân sách, tạo công ăn việc làm cho xã hội.

"Điều tôi muốn nói là Chính phủ cần có chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam có thể lớn mạnh để không đánh mất luôn thị trường trong nước, chí ít đừng để doanh nghiệp FDI sản xuất hàng hoá được hưởng các điều kiện ưu ái hơn doanh nghiệp Việt Nam cùng ngành", ông chia sẻ.

Theo Nam Anh

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên