MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Nguyễn Duy Hưng: Người trong cuộc nhìn thấu hơn nội tại doanh nghiệp

27-04-2022 - 08:07 AM | Doanh nghiệp

Diễn biến không thuận lợi của thị trường chứng khoán khiến nhiều cổ đông đặt câu hỏi tại cuộc họp ĐHĐCĐ của Tập đoàn PAN về các kế hoạch trước đây của doanh nghiệp.

Chủ tịch Tập đoàn PAN - ông Nguyễn Duy Hưng chia sẻ rằng người trong cuộc sẽ có cái nhìn thấu đáo hơn về việc doanh nghiệp đang đi về đâu, trong khi giá cổ phiếu là câu chuyện của thị trường. Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất và lợi nhuận sau thuế năm nay lần lượt là 14.300 tỷ đồng và 755 tỷ đồng, tăng 55% và 48% so với thực hiện năm trước.

Chiều 26/4, Tập đoàn PAN ( HoSE: PAN ) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2022. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh bản thân doanh nghiệp đạt được những kết quả tích cực trong năm 2021, song thị trường chứng khoán lại trải qua giai đoạn sụt giảm mạnh gần đây, gây ảnh hưởng lớn đến cổ phiếu của tập đoàn. Điều này khiến cổ đông đặt nhiều câu hỏi liên quan đến các kế hoạch tăng vốn, phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ nhân viên (ESOP) hay mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp... vốn được đặt ra tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường hồi tháng 1 - khi thị trường chung cũng như giá cổ phiếu PAN đang ở giai đoạn tích cực.

Ông Nguyễn Duy Hưng: Người trong cuộc nhìn thấu hơn nội tại doanh nghiệp - Ảnh 1.

Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 của Tập đoàn PAN chiều 26/4.

Cổ đông nhắc lại tại cuộc họp đầu năm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN - ông Nguyễn Duy Hưng cho biết sẽ dành khoảng 2 triệu cổ phiếu quỹ để phát hành ESOP cho nhân viên với giá khoảng 16.000 đồng/cp. Với diễn biến hiện nay của cổ phiếu trên thị trường thì sau khi chia cổ tức và phát hành riêng lẻ, mức giá nêu trên có thể nói là không còn ưu đãi với cán bộ nhân viên (trong khi cổ phiếu ESOP còn bị hạn chế chuyển nhượng trong 2-3 năm). Vị này đặt câu hỏi liệu doanh nghiệp có tính toán lại?

Đáp lại thắc mắc, ông Nguyễn Duy Hưng trước hết cảm ơn cổ đông đã rất thấu hiểu cho cán bộ nhân viên của tập đoàn. Tuy nhiên ông cho rằng cán bộ, công nhân viên của PAN có cách nhìn khác và rất ít người coi việc mua cổ phiếu ESOP là "lương". Thay vào đó là sự đồng hành mang tính dài hạn cùng doanh nghiệp và chưa có ai từ chối quyền mua.

“Thêm nữa, dù thị trường nhìn vào các cổ phiếu rác hay các cổ phiếu cơ bản như PAN thời gian qua, thì chỉ thấy lên cùng lên, xuống thì cùng xuống. Nhưng nội tại chúng ta nhìn vào thì phải khác với thị trường chứ! Chúng ta hiểu chúng ta đang đầu tư cái gì và đầu tư như thế nào!", ông Hưng nói. Chủ tịch PAN phân tích thêm ở thời điểm đầu tư, tập đoàn có những yếu tố nội tại như vậy. Đến thời điểm này, không những doanh nghiệp vẫn có những yếu tố nội tại đó mà còn có thêm cả việc tăng trưởng 20% mỗi năm. "Giá cổ phiếu xuống, đó là câu chuyện của thị trường. Chúng ta - những người trong cuộc sẽ để ý nhiều đến yếu tố nội tại hơn là giá cả thị trường”, ông Hưng chia sẻ.

Cũng liên quan đến giá trị doanh nghiệp, cổ đông tiếp tục đặt câu hỏi về 5 triệu cổ phiếu quỹ còn lại (sau khi trừ đi 2 triệu cổ phiếu ESOP) mà ông Nguyễn Duy Hưng nói chưa có kế hoạch bán tại cuộc họp đầu năm. "Khi ấy thị giá của PAN là 38.000 đồng/cp. Như chia sẻ của Chủ tịch, thị giá khi ấy chưa tương xứng với giá trị của tập đoàn. Vậy thị giá bao nhiêu thì tương xứng?", vị này chất vấn.

Ông Nguyễn Duy Hưng một lần nữa khẳng định sẽ không bán cổ phiếu quỹ với mức giá dưới 38.000 đồng/cp. "Còn bao nhiêu thì xứng đáng với giá trị của tập đoàn thì xin giữ cho Chủ tịch quyền đàm phán với đối tác bên ngoài", người đứng đầu Tập đoàn PAN giải thích.

Ông Nguyễn Duy Hưng: Người trong cuộc nhìn thấu hơn nội tại doanh nghiệp - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN chia sẻ với cổ đông tại cuộc họp.


Tiếp tục liên quan đến giá cổ phiếu, cổ đông nhắc lại vào giữa tháng 3, khi thị trường giảm sâu, tập đoàn có đăng ký mua 21,6 triệu cổ phiếu quỹ với giá mua trung bình 22.900 đồng/cp. Hiện thị giá của PAN cũng gần về mức này và trong bối cảnh năm 2021 và năm nay, tập đoàn không chia cổ tức để dành nguồn lực tăng trưởng cho giai đoạn tới, vị này cho rằng ban lãnh đạo cũng có thể có động thái tương tự hoặc đánh giá lại các khoản đầu tư?

Trước câu hỏi này, ông Hưng cho rằng việc mua cổ phiếu quỹ là một giải pháp và mức giá cũng đang hấp dẫn. Tuy nhiên, ông cũng gợi mở những cách làm "dễ hơn" như tìm kiếm đối tác có nguồn lực, sẵn sàng mua với số lượng lớn hơn nhiều thì hấp dẫn hơn so với việc mua cổ phiếu quỹ.

“Nếu tiếp tục mua cổ phiếu quỹ, bên ngoài nhìn vào họ sẽ nghĩ bằng cách này hay cách khác chúng ta đang tác động đến giá cổ phiếu. Trong khi chúng ta xây dựng concept (khái niệm, quan niệm) là minh bạch và để thị trường định giá cổ phiếu. Nếu làm như vậy thì người ta sẽ không tin tưởng nữa”.

“Trường hợp chúng ta nhìn thấy thị giá đang về vùng rất rẻ thì sẽ có tổ chức quan tâm. Trong trường hợp này thì nên để tổ chức mua sẽ hợp lý hơn. Hiện cũng có những tổ chức sẵn sàng mua ngay cổ phiếu của PAN nhưng quy định về việc mua của phiếu của công ty tương đối phức tạp. Tất nhiên bất cứ một sự kiểm soát nào mà lỏng lẻo quá thì cũng dễ bị lạm dụng. Ngược lại, những quy định chặt quá như hiện nay khiến những công ty làm ăn minh bạch, đúng quy định thì cũng gặp những gian nan nhất định”.

Về việc định giá lại tài sản, ông Hưng cho biết sẽ tìm kiếm đối tác chiến lược để mua lại một phần của công ty thành viên như Vinaseed, Bibica để cùng nhau xây dựng, như cách mà Tập đoàn PAN đã hợp tác với Tập đoàn CP để phát triển Sao Ta... Chính vì vậy, ông cho rằng doanh nghiệp rất cần nguồn lực để mở rộng trước khi tìm được đối tác chiến lược.

“Ngay từ đầu, tập đoàn đã định hướng phát triển trở thành niềm tự hào của nông nghiệp Việt. Những định hướng mà tôi đã nêu ra 10 năm nay trước đến nay vẫn không thay đổi. Tôi luôn tập trung vào những gì tôi làm. Những gì tôi nói trước sau cũng sẽ làm được", ông Hưng khẳng định.

"Chúng ta làm nông nghiệp phát triển bền vững, dựa vào thế mạnh của các ngành. Từ chỗ không có gì về nông nghiệp, chúng ta đã vươn lên số 1 ngành giống và thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp; thứ 3 về doanh số xuất khẩu tôm nhưng đứng đầu về hiệu quả sinh lời, với mức đầu tư ít hơn nhiều so với những tập đoàn khác trong ngành. Đặc biệt với sản phẩm tôm chúng ta không chỉ đơn thuần là tôm nữa mà đã phối chế với rau - củ - quả thành thực phẩm đa dạng để chào hàng với đối tác Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Điều này giúp doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị phần rất lớn”, Chủ tịch PAN chia sẻ thêm.

Tại đại hội, một cổ đông lâu năm của PAN chia sẻ rằng với những người tham gia vào doanh nghiệp lâu dài như ông, việc năm nào cũng có được lợi nhuận 20-30% là "tuyệt vời". "Với chúng tôi, mọi thứ tốt đẹp của Tập đoàn PAN còn đang ở phía trước", vị này nói.

Trước đó, theo tài liệu trình ĐHĐCĐ, tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất năm nay đạt 14.300 tỷ đồng, tăng 55,4%; lợi nhuận sau thuế 755 tỷ đồng, tăng 48% và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 355 tỷ đồng, tăng 20% so với thực hiện năm trước.

Ban lãnh đạo đánh giá mảng giống cây trồng, lương thực (Vinaseed) và thuốc bảo vệ thực vật, khử trùng sẽ hưởng lợi từ việc sản xuất kinh doanh không còn bị cản trở do dịch bệnh, giãn cách xã hội năm 2022. Nhu cầu lương thực thiết yếu tăng cao cũng thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh giống và sản phẩm bảo vệ thực vật.

Mảng thực phẩm bánh kẹo (Bibica) dự kiến có sự phục hồi tốt cùng với sự tăng lên của sức cầu nội địa sau dịch, kỳ vọng doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng về mức trước dịch. Trong khi đó, mảng hạt xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng cao từ năm 2021, sẽ thực hiện việc tăng quy mô sản xuất trong năm 2022 để đáp ứng nhu cầu rất cao hiện tại với các sản phẩm của công ty.

Mảng xuất khẩu thủy sản (Thực phẩm Sao Ta - FMC, Aquatex Bến Tre - ABT) sẽ hưởng lợi từ nhu cầu lớn từ các thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật... khi các nước này đã mở cửa trước Việt Nam và đang trong giai đoạn phục hồi mạnh của nền kinh tế. Cuối cùng, việc hợp nhất kết quả kinh doanh cả năm của CTCP Khử trùng Việt Nam - VFC cũng sẽ đóng góp đáng kể cho tăng trưởng năm 2022 của cả tập đoàn, trong bối cảnh VFC có kế hoạch tăng trưởng mạnh doanh thu và lợi nhuận năm nay nhờ hợp tác chiến lược với Syngenta.

Năm vừa qua, dịch bệnh bùng phát mạnh trên khắp cả nước, với đặc điểm hoạt động kinh doanh dàn trải tại nhiều vùng miền, Tập đoàn PAN cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ngay từ đầu, tập đoàn đã triển khai quyết liệt, kịp thời các kể hoạch sản xuất kinh doanh linh hoạt nhằm thích ứng tốt với những diễn biến phức tạp của thời tiết, thị trường và tình hình dịch bệnh. Nhờ vậy, dù phải giảm công suất, tăng chi phí vận hành, toàn bộ thành viên của PAN vẫn duy trì hoạt động sản xuất không bị đình trệ, nhiều đơn vị thậm chí đã đạt mức tăng trưởng kỷ lục trong bối cảnh khó khăn.

Cụ thể, mảng tôm xuất khẩu tăng 27%, mảng giống cây trồng tăng 16% và mảng hạt và snack tăng 61%. Cá tra và nước mắm cũng tăng lợi nhuận ấn tượng lần lượt 133% và 25%.

Theo đó, doanh thu thuần hợp nhất toàn tập đoàn đạt 9.972 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 510 tỷ, tăng 53% và lợi nhuận sau thuế hợp nhất cho cổ đông công ty mẹ đạt 295 tỷ, tăng gần 60%. Kết quả này đã bao gồm lợi nhuận tài chính từ đánh giá lại khoản đầu tư vào Công ty Khử trùng Việt Nam (HNX: VFG), sau khi nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 50% và hợp nhất báo cáo tài chính.

Kết thúc cuộc họp, tất cả các tờ trình đều được ĐHĐCĐ thông qua.

Về phương án tăng vốn được phê duyệt tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường hồi đầu năm, ông Nguyễn Duy Hưng cho biết ngay sau cuộc họp đó, hồ sơ tăng vốn đã được trình lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK). Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc xem xét các phương án tăng vốn cho doanh nghiệp được cơ quan quản lý đòi hỏi cẩn trọng hơn, mất nhiều thời gian hơn so với bình thường. Đây không phải vấn đề riêng của Tập đoàn PAN và ban lãnh đạo cũng đã có kiến nghị lên cơ quan chức năng.

Riêng đối với tập đoàn, vị Chủ tịch cho biết bất chấp diễn biến thị trường hiện nay, phương án tăng vốn được trình lên UBCK không có gì thay đổi. Tuy nhiên chính vì chưa biết rõ thời điểm được chấp thuận tăng vốn nên tập đoàn quyết định tạm thời không chia cổ tức năm 2021 và 2022 để dành nguồn lực thực hiện chiến lược M&A, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trong giai đoạn tới.

Theo Ngọc Hà

Người đồng hành

Trở lên trên