MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Nguyễn Văn Bình: Cần Thơ hướng đến sứ mệnh dẫn dắt, tác động lan toả tích cực đến các địa phương khác trong vùng

Trưởng Ban kinh tế Trung ương nhấn mạnh:Thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xứng đáng là Thành phố trung tâm của vùng ĐBSCL, thực hiện sứ mệnh dẫn dắt và có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương khác trong Vùng.

Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp với Thành ủy Cần Thơ tổ chức Hội thảo "Phát triển bền vững TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 45-NQ/TW chủ trì Hội thảo.

Thành ủy Cần Thơ cho biết sau 15 năm  thực hiện Nghị quyết số 45 về xây dựng và phát triển thành phố trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Cần Thơ đã khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế cho phát triển.

Theo đó, kinh tế tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Quy mô của nền kinh tế được mở rộng; ngân sách cân đối và có điều tiết về Trung ương. 

Cụ thể, trong giai đoạn 2006 - 2019, tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt mức bình quân 7,27%/năm cao hơn mức trung bình toàn quốc, cao nhất trong vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long (KTTĐ). Trong đó: GDP giai đoạn 2006-2010 tăng bình quân 15,45%; giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 5,94% và giai đoạn 2016 - 2019 tăng bình quân 7,27%.

GRDP 2019  đạt mức hơn 100.000 tỷ đồng, gấp 5 lần so với năm 2005, đứng đầu vùng KTTĐ vùng ĐBSCL và đứng thứ hai trong toàn Vùng, hàng năm đóng góp khoảng 1,8% GDP cả nước. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 88,3 triệu đồng, gấp 7,1 lần so năm 2005. Năng suất lao động không ngừng tăng lên và dẫn đầu toàn Vùng với mức 143 triệu đồng/năm. Dự kiến đến năm 2020, quy mô GRDP đạt hơn 120.000 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt hơn 97 triệu đồng/năm.

Thu ngân sách theo dự toán trung ương giao tăng bình quân 12,4%/năm, trong đó thu nội địa tăng bình quân 14,3%/năm trong giai đoạn 2006-2019.

Về cơ cấu kinh tế Cần Thơ có những chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo; từng bước khẳng định vai trò trung tâm của Vùng về công nghiệp và dịch vụ, nhất là về thương mại và du lịch. Hoàn thành trước thời hạn chương trình nông thôn mới và đang xây dựng các xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Môi trường đầu tư và kinh doanh cũng được cải thiện cùng với cải cách thủ tục hành chính đã thúc đẩy các khu vực kinh tế phát triển đa dạng; thu hút được nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

Thành phố cũng chủ động, tích cực tham gia các thể chế hợp tác quốc tế về môi trường, đóng góp nỗ lực chung trong quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên; phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. TP Cần Thơ là thành viên trong mạng lưới 100 thành phố trên toàn cầu có khả năng chống chịu (100RC), được vinh danh, nhận "Chứng chỉ ASEAN thành phố tiềm năng để trở thành thành phố bền vững về môi trường lần thứ 3 về không khí sạch".

Ghi nhận các kết quả của Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, thành phố đạt được các kết quả to lớn và toàn diện trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, bên cạnh nhưng điểm đã đạt được, Cần Thơ chưa hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp và trung tâm của vùng ĐBSCL như Nghị quyết đã đề ra.

Về định hướng phát triển Cần Thơ thời gian tới, ông Nguyễn Văn Bình đề nghị phát triển Cần Thơ không thể tách rời và cần gắn chặt với vùng ĐBSCL. Phát triển Cần Thơ phải vì vùng ĐBSCL và vùng ĐBSCL vì Cần Thơ, từ đó xây dựng Cần Thơ trở thành đô thị trung tâm vùng.

Ông đề nghị phát triển cần phải thích ứng với biến đổi khí hậu; quan tâm đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nhằm tăng cường kết nối với các địa phương; phát triển công nghiệp cần lựa chọn lĩnh vực phù hợp với đặc thù của thành phố, vừa phù hợp với tư cách là một trung tâm của vùng; phát triển Cần Thơ trở thành trung tâm cung cấp các dịch vụ và giải pháp khoa học công nghệ có giá trị gia tăng cao cho vùng trên mọi lĩnh vực đặc biệt về nông nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo; tận dụng nguồn lực nội tại về đất đai và con người đang nằm trong nông nghiệp hiện nay để khai thác tối ưu nguồn tài nguyên này phục vụ phát triển công nghiệp và dịch vụ.

Đặc biệt, Cần Thơ phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với đào tạo nguồn nhân lực, vốn được coi là điểm nghẽn lớn nhất hiện nay của Cần Thơ và vùng ĐBSCL; thu hút doanh nghiệp để gắn việc đào tạo với sản xuất và thu hút nguồn lao động tại địa phương, tránh việc di chuyển lao động sang khu vực khác gây ra nhiều vấn đề về xã hội như hiện nay.

"Mục tiêu đến năm 2030, TP Cần Thơ là thành phố xanh, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc miền Tây Nam Bộ, thuộc nhóm các thành phố phát triển hàng đầu Đông Nam Á, là trung tâm của vùng ĐBSCL về công nghiệp; dịch vụ; giáo dục và đào tạo; y tế chuyên sâu; khoa học và công nghệ; văn hóa, du lịch và thể thao. Là đô thị sông nước, văn minh, sinh thái, đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL, nơi đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao. Đối với tầm nhìn đến năm 2045, TP Cần Thơ là thành phố xanh, văn minh, hiện đại thuộc nhóm các thành phố phát triển hàng đầu Châu Á", ông nói.

N.Dương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên