MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Phan Đức Hiếu: Cải cách không phải là để báo cáo ai làm tốt, ai làm xấu

Chuyên gia đến từ CIEM cho rằng tinh thần cải cách môi trường đầu tư kinh doanh năm nay rất mạnh mẽ, với phương pháp tiếp cận quy mô và toàn diện hơn.Chính phủ chủ trương rà soát lại toàn bộ quy định pháp luật đang gây cản trở hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp.Quan điểm cải cách của Chính phủ là thực sự vì quá trình phát triển của Việt Nam, chứ không phải chỉ để "làm đẹp" các xếp hạng quốc tế.

Trao đổi với Người Đồng Hành nhân dịp đầu năm mới, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận các động thái cải cách môi trường kinh doanh, gỡ bỏ rào cản cho doanh nghiệp năm 2020 là rất khác biệt. Quyết tâm cải cách mang tinh thần, phương pháp được các tổ chức quốc tế đề xuất song mục tiêu là phục vụ lợi ích thực sự của quốc gia chứ không phải chỉ để thăng hạng.

- Tiếp nối tinh thần cải cách mạnh mẽ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp những năm qua, ngay từ đầu năm mới 2020, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 02 về cắt bỏ những rào cản kinh doanh, xúc tiến thành lập tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về cải cách... Ông nhìn nhận như thế nào về những động thái này?

- Năm nay, quyết tâm cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, rào cản kinh doanh cho doanh nghiệp từ Chính phủ được thể hiện bằng những hành động rất mạnh mẽ, khác biệt so với trước. Khác với việc tổ chức một hội nghị phát động toàn quốc sau nghị quyết như năm 2019, từ sau Tết Dương lịch đến nay, Chính phủ đã có ít nhất 3 cuộc họp với những nội dung khác nhau, trong đó có việc cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh, chỉ số tiếp cận điện năng... theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB).

Chính phủ không chỉ đứng theo dõi, đôn đốc mà còn “xắn tay” vào làm, bàn chi tiết đến từng nội dung như: sẽ sửa đổi những nội dung gì, tại thông tư nào, hướng thay đổi ra sao, thời gian thực hiện và hiệu quả như thế nào...? Những biện pháp như vậy mới đảm bảo được khả năng thực thi.

Ông Phan Đức Hiếu: Cải cách không phải là để báo cáo ai làm tốt, ai làm xấu - Ảnh 1.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). Ảnh: Bảo Linh


Một điểm nhấn khác theo tôi cũng chưa từng có là Chính phủ chủ động thực thi các giải pháp cải cách thay vì đợi Bộ, ngành. Ví dụ Nghị quyết 02 trước đây giao các Bộ, ngành thực thi. Nếu phải sửa đổi về thế chế, bộ đề xuất sửa sau, đó trình lên Chính phủ. Nhưng năm nay, Chính phủ dự kiến, nếu việc sửa đổi thể chế thuộc thẩm quyền bộ trưởng ban hành các thông tư, thì bằng thẩm quyền của mình, Thủ tướng sẽ ra quyết định bãi bỏ những văn bản đó và có hiệu lực thực thi ngay. Điều này cho thấy quyết tâm của Chính phủ đã biến thành hành động, vì thế kỳ vọng môi trường đầu tư kinh doanh năm nay sẽ có kết quả tích cực hơn rất nhiều so với 2019. 

- Việc thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng có ý nghĩa như thế nào?

- Đó là cuộc họp ngay ngày làm việc đầu tiên sau Tết Dương lịch (2/1). Tổ này có nhiệm vụ đưa ra chương trình cải cách sâu rộng nhất so với các cải cách hiện hành. 

Hiện chương trình cải cách tập trung vào các nhóm như 10 lĩnh vực ưu tiên theo chỉ số về môi trường kinh doanh, cắt giảm điều kiện kinh doanh; thanh toán không dùng tiền mặt; thúc đẩy chính phủ điện tử; cải cách kiểm tra chuyên ngành... Bên cạnh những nhóm căn cơ này, chương trình cải cách của Tổ bao trùm và mở rộng hơn, đó là rà soát toàn bộ quy định pháp luật dù quy định ấy ở bất kỳ cấp độ nào mà gây ra rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải cắt bỏ. 

Ví dụ, trong quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh các bộ ngành luôn tranh đấu với nhau: Quy định này có phải điều kiện kinh doanh không? Nếu không phải thì ngay cả khi quy định gây cản trở cho doanh nghiệp, họ cũng bỏ ra ngoài. Bây giờ thì không còn phải tranh cãi nữa.

Tổ sẽ thực hiện chương trình cải cách toàn diện bằng các biện pháp như nguyên tắc "một đổi hai". Tức là nếu ban hành mới một thông tư thì phải cắt hai thông tư (văn bản). Hay nguyên tắc "một đổi một", nếu ban hành một nghị định mới thì phải bỏ đi một nghị định cũ. Đặc biệt Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong những cuộc họp này đều nhắc đi nhắc lại, tất cả những rào cản kinh doanh cho doanh nghiệp là do thông tư.

- Việc rà soát lại toàn bộ các quy định có làm giảm tình trạng cát cứ trong xây dựng pháp luật không?

- Ở cấp độ xây dựng luật, các bộ chủ quản vẫn có thể tham mưu, nhưng tình trạng cát cứ trong xây dựng nghị định phải chấm dứt. Theo tôi, khi xây dựng nghị định hướng dẫn luật thì cần là văn bản hướng dẫn cùng một nhóm vấn đề, cho nhiều Luật. Các bộ nên xóa bỏ tâm lý tham mưu nghị định này là cho bộ tôi. Như vậy mới giải quyết được mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật, mới nhìn được ở góc độ của doanh nghiệp.

Ví dụ, tất cả Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Quản lý phát triển đô thị... cùng liên quan đến đầu tư. Như vậy, cần một nghị định của Chính phủ hướng dẫn 5 luật và cùng đặt trên bàn cân thì mới tránh được tình trạng chồng chéo.

Nếu chúng ta tiếp tục cho các bộ xây dựng nghị định hướng dẫn kiểm tra chuyên ngành dựa trên luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật thì trong phạm vi quản lý của mình như Bộ Công Thương quản lý chuyên ngành kiểu khác, thậm chí có thể chồng chéo với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp. Như vậy, cần thiết phải một nghị định hướng dẫn chung về kiểm tra chuyên ngành, khi đó mới giúp cắt bỏ số lượng văn bản, giảm xung đột.

Việc này còn giúp nhà nước và doanh nghiệp đỡ tốn kém. Ngay bản thân hải quan hiện nay cũng nói rất rủi ro khi bản thân họ cũng khó nắm được hết 400 văn bản kiểm tra chuyên ngành của các bộ để áp dụng. Hay như cùng một dự án đầu tư, địa phương phải tìm hiểu 5 luật, 10 nghị định, 30 thông tư... Như vậy với một vị giám đốc Sở Kế hoạch hoặc Sở Xây dựng, rủi ro là rất lớn.

- Bên cạnh những thay đổi mạnh mẽ của Chính phủ, vai trò của các cơ quan đầu mối khác như Bộ Kế hoạch & Đầu tư và CIEM sẽ như thế nào?

- Vai trò của Văn phòng Chính phủ và các cơ quan tham mưu như Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã thay đổi, không chỉ đơn thuần là đứng nhìn, tổng hợp kết quả, báo cáo lên mà phải là cơ quan trực tiếp làm, hỗ trợ chuyên môn, tư vấn và đưa ra những cải cách... Bởi mục tiêu của chương trình cải cách không phải báo cáo ai làm tốt, ai làm xấu mà đảm bảo cải cách đó được thực thi và có tác động trên thực tế.

Hiện CIEM đang lên kế hoạch cho đoàn công tác chuẩn bị làm việc 10 bộ ngành về 10 lĩnh vực liên quan đến kinh doanh và do Bộ trưởng dẫn đầu. Đây là điều mà từ trước đến nay chưa bao giờ có.

- Những cải cách này nhằm nâng hạng môi trường đầu tư theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới?

- Tôi phải khẳng định rằng Việt Nam cải cách không phải vì nâng hạng mà vì lợi ích quốc gia. Như vậy hoạt động cải cách trong nhiều trường hợp có lợi ích lớn hơn rất nhiều.

Ví dụ, Ngân hàng Thế giới họ chỉ khảo sát tại những thành phố lớn nhưng nếu những cải cách trong Nghị quyết 02/2020 được thực thi sẽ tác động toàn bộ xã hội. Tinh thần của Chính phủ là lấy tinh thần cải cách của WB để thực thi những cải cách vì sự phát triển cho Việt Nam. Vì vậy, khi quá trình cải cách được thực hiện mạnh mẽ, thực chất thì kết quả sẽ được ghi nhận, việc thăng hạng là đương nhiên. 

- Ngoài những cải cách từ phía Chính phủ, bản thân doanh nghiệp cần thay đổi những gì để đảm bảo sức cạnh tranh không chỉ trong nước mà còn đủ khả năng vươn ra thế giới?

Câu chuyện cạnh tranh quốc tế đã rất khác so với tư duy kinh doanh hiện nay của đa phần doanh nghiệp. Nhiều trường hợp kinh doanh nhưng không có sự chuẩn bị một cách bài bản và những kịch bản ứng phó với rủi ro có thể xảy ra. Điều này khác hoàn toàn với nhà đầu tư nước ngoài. Trước khi gia nhập thị trường, họ tìm hiểu rất kỹ, kèm theo đó là hệ thống tư vấn, đảm bảo tính tuân thủ luật pháp. Chi phí hỗ trợ pháp lý được nhà đầu tư nước ngoài coi là một phần chi phí kinh doanh. Không có một nhà đầu tư nước ngoài nào đáp một chuyến máy bay sang Việt Nam chỉ để đi tìm hiểu xem ở đây có ngành, nghề, lĩnh vực nào có thể kinh doanh? Như vậy, khi cạnh tranh quốc tế, doanh nghiệp buộc phải làm quen với rủi ro và có sẵn những phương án ứng phó.

Hoạt động cải cách môi trường đầu tư kinh doanh nhìn ở góc độ nào đó, làm gia tăng áp lực cạnh tranh và đào thải đối với doanh nghiệp. Trước đây, môi trường kinh doanh khó khăn với nhiều giấy phép, thủ tục hành chính... nhưng ở góc độ nào đó, nó lại trở thành công cụ bảo hộ cho doanh nghiệp. Nhưng khi Chính phủ bãi bỏ những rào cản và thuận lợi hóa thương mại thì rất nhiều lĩnh vực, ngành được mở ra cho doanh nghiệp tham gia thị trường, đầu tư kinh doanh.

Ví dụ về hoạt động kinh doanh xăng dầu. Trước đây, nếu có một cây xăng ở vị trí A, họ có thể độc quyền bán xăng ở đó gần như suốt đời, nhưng sau này, khi Chính phủ bãi bỏ những điều kiện kinh doanh, quy hoạch xăng dầu, ngay lập tức ở khu vực đó xuất hiện thêm nhiều đơn vị kinh doanh khác. Thậm chí, đơn vị gia nhập thị trường trước hoàn toàn có thể bị phá sản nếu chất lượng, dịch vụ và tiện ích không được đảm bảo hoặc đi xuống. Trong trường hợp này, doanh nghiệp buộc phải đổi mới, sáng tạo để đáp ứng yêu cầu cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Theo Ngọc Hà

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên