Ông Putin công bố kế hoạch tại Việt Nam: Nga muốn đưa Việt Nam tiến sâu lĩnh vực tạo "địa chấn" toàn cầu
Ông Putin đã đưa ra 1 đề nghị với Việt Nam trong bối cảnh các chuyên gia nhận định, Việt Nam đang trên đà thành "người chơi lớn" trong lĩnh vực này. Thông tin chi tiết được ông công bố sau đó.
Ông Putin công bố kế hoạch cung cấp LNG cho Việt Nam
Theo hãng thông tấn RIA Novosti (Nga), trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam ngày 20/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ mong muốn nâng cao hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng.
Tại cuộc hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Putin nhấn mạnh, Nga sẵn sàng thiết lập nguồn cung khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) dài hạn cho Việt Nam.
RIA cho hay, khi trả lời các phóng viên cùng ngày, nhà lãnh đạo Nga đã cho biết cụ thể về kế hoạch cung cấp LNG cho Việt Nam. Theo đó, "Nga có thể vừa sản xuất LNG tại Việt Nam, vừa cung cấp LNG cho Việt Nam từ lãnh thổ Nga".
"Có nhiều lựa chọn ở đây: Chúng ta có thể tham gia xây dựng các cơ sở hóa lỏng phù hợp, hoặc chúng ta có thể cung cấp LNG cho Việt Nam từ lãnh thổ Liên bang Nga. Dù là phương án nào thì điều này cũng khả thi, có triển vọng ở đây" - Ông Putin nói.
Đề cập tới việc Nga có thể sản xuất LNG tại Việt Nam, theo hãng thông tấn TASS (Nga), trong bài xã luận "Nga và Việt Nam: Tình hữu nghị được thử thách qua thời gian" do đích thân ông Putin chắp bút và đăng trên báo Nhân dân (Việt Nam) ngày 19/6, nhà lãnh đạo Nga đã công bố dự định triển khai các dự án LNG của tập đoàn Novatek - nhà sản xuất và xuất khẩu khí LNG hàng đầu của Nga.
"Novatek dự định triển khai các dự án LNG trên lãnh thổ Việt Nam" - Ông Putin viết.
Novatek là một trong số ít tập đoàn năng lượng được Nga cấp giấy phép xuất khẩu LNG trực tiếp. Theo báo điện tử Chính phủ, trong số 11 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước được ký kết nhân chuyến thăm của ông Putin có bản ghi nhớ về hợp tác tại Việt Nam giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Novatek.
Nga muốn đưa Việt Nam tiến sâu lĩnh vực tạo "địa chấn" toàn cầu
Trước khi ông Putin nói về kế hoạch sẵn sàng cung cấp LNG dài hạn cho Việt Nam, truyền thông Nga đã nhiều lần đề cập tới vấn đề này. Tập đoàn Novatek cũng đã ít nhất 3 lần bày tỏ sự quan tâm đối với lĩnh vực LNG ở Việt Nam.
LNG được xem là "nhiên liệu hóa thạch" sạch nhất hiện nay, bởi không thải ra muội than, khói hoặc bụi trong quá trình đốt cháy khí tự nhiên. Bên cạnh đó, điện khí LNG không phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên như điện gió hay điện mặt trời nên ít gặp phải tình trạng gián đoạn.
Với những ưu thế vượt trội, LNG trở thành cái tên tạo "địa chấn" trên khắp các châu lục. Tại Mỹ, tờ El Pais cho biết, sức hút của LNG được ví như một "cơn sốt vàng" thời hiện đại, làm rung chuyển các trung tâm năng lượng.
Hàng loạt cơ sở LNG được xây dựng để phục vụ nhu cầu xuất khẩu, đưa Mỹ trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới trong năm 2023.
Trong khi đó, theo ghi nhận của tờ Fortune tháng 1 năm nay, các trạm đầu-cuối LNG đang xuất hiện dày đặc dọc theo bờ biển châu Âu. Năm ngoái, hơn 20 trạm LNG xây mới hoặc mở rộng đã được lên kế hoạch trên khắp EU. Giờ đây các trạm này đang đi vào hoạt động và "lượng LNG đổ vào Liên minh châu Âu ngày càng nhiều".
Tại châu Á, theo Reuters, lượng nhập khẩu LNG đã tăng lên mức kỷ lục vào tháng 12/2023 với 26,61 triệu tấn, đưa châu lục này đã trở thành khu vực nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới.
Nhận định về xu hướng LNG tại Việt Nam trong bài viết tháng 7/2023, hãng tin Sputnik (Nga) cho rằng, sau khi tiếp nhận lô đầu tiên với 70.000 tấn LNG do tập đoàn năng lượng đa quốc gia Shell cung cấp vào năm ngoái, Việt Nam đã chính thức hòa mình vào xu hướng LNG của thế giới.
Hãng tin Nga đánh giá, LNG là "nguồn nhiên liệu cầu nối" trong quá trình Việt Nam chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang sác loại nhiên liệu sạch, đồng thời là lựa chọn hợp lý trước những thách thức thời gian tới, khi nhiệt điện than không thể mở rộng (Việt Nam sẽ dừng hẳn việc sử dụng than để phát điện vào năm 2050, theo Quy hoạch điện VIII) và thủy điện hết dư địa phát triển.
Trong kế hoạch Quy hoạch điện VIII, Việt Nam đang đặt mục tiêu đưa tổng nguồn nhiệt điện khí tái hóa từ LNG lên 14,9% vào năm 2030. Sputnik cho rằng, để đáp ứng mức này, Việt Nam phải có nguồn đầu vào LNG xấp xỉ 15 triệu tấn/năm, và Nga hoàn toàn có thể trở thành nguồn cung cấp khí hóa lỏng cho Việt Nam trong dài hạn.
Novatek từ lâu đã nhìn thấy "cơ hội vàng" ở Việt Nam
Hãng tin CNBC tháng 10/2023 dẫn lời các chuyên gia nhận định, Việt Nam nằm trong số các nước Đông Nam Á sẽ trở thành động lực chính cho thị trường LNG vào năm 2030.
Với nhu cầu LNG có xu hướng tăng mạnh trong vài năm tới theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam được dự đoán sẽ trở thành điểm sáng trên thị trường LNG và đang trên đà trở thành "người chơi lớn" trong lĩnh vực này.
"Dự kiến nhu cầu LNG từ châu Âu sẽ đạt đỉnh vào năm 2027, sau đó giảm vào năm 2030. Khi đó, Đông Nam Á, nhất là Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, sẽ là động lực tăng trưởng" - Ông Tony Regan, trưởng bộ phận khí đốt châu Á-Thái Bình Dương của NexantECA (công ty tư vấn về năng lượng và lọc dầu) nhận định.
Nhận thấy cơ hội lớn ở Việt Nam, ngay từ tháng 8/2021, Novatek đã công bố thành lập văn phòng đại diện tại Hà Nội, với mong muốn phát triển loạt dự án cung ứng LNG cho Việt Nam.
Theo hãng thông tấn Interfax, vào tháng 10/2022, khi trả lời truyền thông Nga, ông Leonid Mikhelson - người sáng lập, đồng thời là Chủ tịch Novatek cho biết, tập đoàn này đang nghiên cứu khả năng cung cấp LNG cho các nhà máy điện đang hoạt động hoặc xây mới của Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo ông Mikhelson, "Novatek đang nghiên cứu khả năng xây dựng 1 trạm LNG tại Việt Nam".
Tới tháng 7/2023, các đại diện của Novatek đã có buổi làm việc với Tổng Giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong, bày tỏ mong muốn hợp tác với tập đoàn của Việt Nam trong lĩnh vực mua bán LNG giai đoạn 2023-2026.
Trong thông báo chính thức sau buổi làm việc, Novatek nhấn mạnh rằng tập đoàn đánh giá rất cao cơ hội hợp tác với PV GAS.
Tháng 3 năm nay, trong buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Novatek lần nữa bày tỏ sự quan tâm đến nhiều dự án trong lĩnh vực LNG tại Việt Nam.
Giám đốc phát triển kinh doanh Novatek E.N.Golm cho biết, Novatek đang đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực khí hóa lỏng tại Việt Nam, không chỉ bao gồm việc tham gia dự án điện LNG Cà Ná với các đối tác khác, mà còn cả việc tiếp cận thị trường khí đốt đang phát triển của Việt Nam.
Với kết quả tốt đẹp sau chuyến thăm Việt Nam của ông Putin và công bố của nhà lãnh đạo Nga, có thể kỳ vọng Novatek sẽ sớm triển khai các dự án LNG tại Việt Nam trong thời gian tới.
Đời sống pháp luật