MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông trùm điện tử Sony tái sinh sau thời kỳ tăm tối

26-12-2021 - 08:13 AM | Doanh nghiệp

Ông trùm điện tử Sony tái sinh sau thời kỳ tăm tối

“Nhiệm vụ của tôi là làm sống lại niềm tự hào trong những gì chúng tôi làm để mang lại giá trị cảm xúc”, cựu CEO Kazuo Hirai đã nói như vậy khi nhìn lại chặng đường hồi sinh Sony.

Sony từng là thương hiệu quyền lực nhất trên thị trường điện tử tiêu dùng với hàng loạt sản phẩm đình đám và chất lượng như tivi màu Trinitron, máy nghe nhạc Walkman, máy chơi game PlayStation, Blue-ray, laptop Vaio, smartphone Xperia, tivi Bravia… Tuy nhiên, như nhiều công ty Nhật Bản khác, Sony bỏ lỡ cuộc cách mạng kỹ thuật số và bị các công ty điện tử Hàn Quốc, Trung Quốc lấn lướt. Sony thua lỗ liên tiếp hàng tỷ USD và mất chỗ đứng trên mọi mặt trận, từ smartphone, laptop tới tivi. Vào thời kỳ tăm tối nhất, chúng ta có thể đọc được vô số bài báo, bình luận và báo cáo về Sony mổ xẻ một chủ đề duy nhất: “Ai đã giết Sony”.

Ông trùm điện tử Sony tái sinh sau thời kỳ tăm tối - Ảnh 1.

Ông Kazuo Hirai (trái) và ông Kenichiro Yoshida

Tuy nhiên, ánh sáng đã đến với Sony vào năm 2012, khi CEO Howard Stringer đề cử ông Kazuo Hirai điều hành tập đoàn, người mà ông đánh giá là có “tư duy cứng rắn và kỹ năng lãnh đạo”, sẵn sàng thực hiện thay đổi.

Kazuo Hirai, thuyền trưởng hướng ngoại và lôi cuốn

Ngay sau khi nhậm chức, ông công bố chiến lược “One Sony” nhằm cải tổ và vực dậy Sony, với ưu tiên cao nhất đặt vào điện tử, khi đó chiếm khoảng 60% toàn bộ danh mục kinh doanh. Sony muốn là người dẫn đầu trong ba lĩnh vực: hình ảnh kỹ thuật số, game và sản phẩm, dịch vụ liên quan tới di động. Ông khẳng định không vứt bỏ bộ phận tivi bất chấp đây là năm thứ 8 liên tiếp “báo động đỏ”. 5 năm sau, Sony của ông Hirai đã đạt được 2 trong 3 mục tiêu, đó là hình ảnh kỹ thuật số và game. Ông cũng thẳng tay bán mảng kinh doanh laptop Vaio, tái cấu trúc các bộ phận khác, giảm 37.400 nhân lực toàn cầu xuống 125.300.

“Chúng tôi là một công ty làm mọi người cảm động”, ông Hirai phát biểu trong một cuộc họp báo cáo chiến lược với các nhà phân tích và nhà đầu tư năm 2017. Bí quyết để nhen nhóm sự trở lại của Sony là khơi dậy xúc cảm với các sản phẩm. Ông Hirai là “tín đồ” cuồng nhiệt của khái niệm Kando, đề cao thiết lập kết nối cảm xúc với khách hàng, tạo ra lòng trung thành.

Theo ông, các sản phẩm Sony cần có giá trị cả về mặt tính năng lẫn cảm xúc. Ông áp dụng Kando với mọi bộ phận và làm sống lại vinh quang đã phai nhạt. “Ai cũng có thể cung cấp chức năng song cảm xúc là thứ đã nằm trong triết lý thiết kế của Sony, một phần trong DNA Sony từ khi công ty thành lập 71 năm trước. Chúng tôi đã đánh mất nó một thời gian và công việc của tôi là làm sống lại niềm tự hào trong những gì chúng tôi làm để mang lại giá trị cảm xúc”, ông nói với The Guardian đầu năm 2018.

Trọng tâm trong chiến lược của ông Hirai là tạo ra các thương hiệu bền vững, ảnh hưởng lớn đến văn hóa thiết kế của Sony. Ông ngồi lại với giám đốc mỗi bộ phận và khuyến khích họ duy trì thiết kế nếu họ tin rằng đó là một thiết kế tốt. Cách tiếp cận đó đặc biệt hiệu quả với máy ảnh RX cao cấp và tai nghe Sony. Dù vậy, công ty cũng chuyển sự tập trung sang AI và robot, cảm biến hình ảnh và PlayStation.

Chiến lược “One Sony” cho thấy thành quả sau 5 năm nhưng không vì thế mà ông Hirai tự mãn. Ông không cho rằng đây là lúc diễu hành chiến thắng mà nhiệm vụ của Sony là không trượt chân như trong quá khứ.

Kenichiro Yoshida, chiến lược gia trầm lặng

Năm 2018, ông Hirai từ chức CEO Sony và trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị, nhường chỗ cho Giám đốc Tài chính Kenichiro Yoshida. Ông xem đây là “thời điểm lý tưởng để chuyển giao quyền lực cho ban lãnh đạo mới, vì tương lai của Sony”. Tháng 3/2019, ông Hirai thông báo rời Sony sau 35 năm gắn bó.

Ông Yoshida là cánh tay phải của ông Hirai và là Giám đốc cấp cao của Sony từ năm 2005. Theo ông Hirai, ông Yoshida sở hữu kinh nghiệm dày dạn và những phẩm chất lãnh đạo kiên định cần có để quản lý các mảng kinh doanh đa dạng tại Sony, cũng như là người lý tưởng để thúc đẩy công ty trong tương lai.

Người hâm mộ và nhà đầu tư của Sony có thể bất ngờ. Tuy nhiên, ông Yoshida chính là ứng cử viên nặng ký nhất cho chức vụ CEO và tiếp tục hành trình vực dậy Sony mà ông Hirai khởi xướng 6 năm trước đó. Nguyên nhân là vì ông có mặt trong mọi đường đi, nước bước khi hãng điện tử Nhật Bản cắt giảm nhân sự, bộ phận không hiệu quả. Động thái được xem là rủi ro đối với các doanh nghiệp trong nước, nơi lịch sử và các mối quan hệ được đánh giá cao hơn tiền bạc.

Ông Yoshida hỗ trợ ông Hirai thực hiện nhiều phần trong chiến lược “One Sony”. Một trong những điều này là mang đến sự minh bạch hơn cho mỗi bộ phận. Ông cũng phụ trách bán đi những bộ phận hoạt động kém như máy tính cá nhân, sẵn sàng bút toán giảm khi cần thiết. Với thâm niên công tác từ năm 1983, ông hiểu rõ Sony “từ trong ra ngoài”.

Dưới sự lãnh đạo của ông Yoshida, Sony tiếp tục tăng trưởng bất chấp nghịch cảnh. Dịch Covid-19 kéo đến, gây ảnh hưởng trầm trọng tới kinh tế thế giới. Tuy nhiên, Sony vẫn khép lại năm 2020 thành công. Kết thúc năm 2020, Sony chiếm 46% thị trường cảm biến hình ảnh smartphone trị giá 15 tỷ USD. Cũng trong năm này, PlayStation là máy chơi game phổ biến nhất thế giới với thị phần khoảng 57,5%. Trên thị trường tivi, Sony xếp thứ ba, sau Samsung và LG, với 8% thị phần. Từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2021, Sony ghi nhận doanh thu thường niên tăng 9%, đạt 83,3 tỷ USD, thu nhập ròng thường niên đạt kỷ lục 10,8 tỷ USD. Lợi nhuận của các bộ phận phim ảnh, âm nhạc, game đều tăng.

Thành công của bộ phận cảm biến hình ảnh đã đền đáp quyết định cứng rắn của ông Yoshida trước áp lực ép bán của nhà đầu tư. Ông nhìn thấy tương lai lâu dài của Sony ở trong các mảng như bảo hiểm nhân thọ, thiết bị y tế, bù đắp cho tổn thất của mảng điện tử. “Trong quá khứ, chúng tôi đa dạng để sống sót. Bây giờ, tôi muốn đa dạng là một thế mạnh”, ông nói.

Theo ông Yoshida, một nhà lãnh đạo phải “đưa ra quyết định cần thiết vào thời điểm cần thiết và chịu trách nhiệm về kết quả”. Hai trọng trách khác là “vạch ra định hướng cho công ty, bao gồm mục tiêu và hướng đi” và “quyết định giao cho ai nhiệm vụ nào, trong bao lâu”.

Kết quả kinh doanh gần đây của Sony khiến các nhà đầu tư khó tính nhất cũng phải gật gù. Theo nhà phân tích Masahiro Ono, Sony là công ty điện tử Nhật Bản duy nhất vượt mốc lợi nhuận trước khủng hoảng Lehman. Năm 2019, Sony gây bất ngờ khi hợp tác với Microsoft trong game đám mây. Với một chiến lược gia tài ba như ông Yoshida, bắt tay với đối thủ là điều nên làm nếu dự báo tương lai của cả ngành không khả quan.

Dưới bàn tay của bộ đôi Hirai và Yoshida, Sony đã hồi phục một cách thần kỳ nhưng rất khác biệt so với trước. Chuyển đổi thường là một chuỗi các lựa chọn khó khăn, từ bỏ thị trường truyền thống. Những gì bạn chọn không làm cũng quan trọng không kém những gì bạn theo đuổi. Không có nhiều công ty sẵn sàng xoay trục kinh doanh hoàn toàn, song Sony đã làm được. Đúng như những gì ông Hirai tâm sự khi nghỉ hưu, “Tôi tự tin mọi người tại Sony được sắp đặt hợp lý dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ của ông Yoshida và sẵn sàng xây dựng một tương lai tươi sáng hơn nữa cho Sony”.

Theo Du Lam

ICT News

Trở lên trên