MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Trump được đề cử Nobel Hòa bình vì thượng đỉnh liên Triều?

28-04-2018 - 20:50 PM | Tài chính quốc tế

Một thành viên đảng Cộng hòa của bang Indiana đang có kế hoạch đề cử Tổng thống Donald Trump nhận giải Nobel Hòa bình sau tiến trình đàm phán hòa bình của Triều Tiên và Hàn Quốc.

Ngày 27-4, hạ nghị sĩ Luke Messer thông báo ông đang thu thập sự ủng hộ từ các đồng nghiệp quốc hội để chính thức đề cử ông Trump. "Chúng ta đang nhìn thấy một tiến trình hòa bình chưa từng có và đó là kết quả trực tiếp từ sự lãnh đạo mạnh mẽ của Tổng thống Trump. Sau sự kiện lịch sử này, Tổng thống Trump nên được trao giải Nobel Hòa bình. Hòa bình chúng ta có được thông qua chiến lược sức mạnh là kết quả chưa từng có trước đây" - trích lời ông Messer.

Trước đó, vào tháng 3, ông Messer cũng tuyên bố rằng ông Trump "gần như chắc chắn" thắng giải Nobel Hòa bình nếu Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Cùng ý kiến này, thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết ông Trump xứng đáng nhận được giải thưởng danh giá trên nếu ông có khả năng đàm phán thành công việc phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng.

Ông Trump được đề cử Nobel Hòa bình vì thượng đỉnh liên Triều? - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump sắp được đề cử Nobel Hòa bình? Ảnh: The Hill

Vào ngày 27-4, 2 nhà lãnh đạo của Triều Tiên và Hàn Quốc đã ký cam kết hành động để "phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên" và chính thức chấm dứt cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ. Trong tuần trước đó, Triều Tiên cũng đồng ý ngừng thử tên lửa và hạt nhân trước hội nghị giữa Tổng thống Trump và ông Kim Jong-un.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm 28-4 khen ngợi cuộc họp thượng đỉnh liên Triều là "cột mốc lịch sử mới" đem đến thịnh vượng và tạo ra bước ngoặt cho bán đảo Triều Tiên.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Washington với sự tham dự của Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Trump nói cuộc gặp sắp tới với ông Kim sẽ đem lại những kết quả rõ ràng và bày tỏ hy vọng nó sẽ thành công. Tuy nhiên, ông Trump nói thêm: "Chúng tôi sẽ không lặp lại sai lầm của những chính quyền trước. Chúng tôi sẽ duy trì áp lực tối đa đến khi việc phi hạt nhân hóa diễn ra".

Trong một diễn biến khác, các quan chức tình báo Mỹ ngày 27-4 cho biết bãi thử hạt nhân mà Triều Tiên tuyên bố đóng cửa vẫn sử dụng được dù bị hư hại từ đợt thử nghiệm trước và có thể dễ dàng mở cửa trở lại.

"Không có lý do gì để kết luận rằng bãi thử Punggye-ri không còn hoạt động" - một quan chức tình báo giấu tên nói. Bình luận này dường như trái ngược với các báo cáo gần đây cho biết bãi thử không còn sử dụng được sau cuộc thử nghiệm hạt nhân hồi tháng 9.

Ông Jeffrey Lewis, giám đốc Chương trình Không phổ biến vũ khí nguyên tử của Đông Á tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, nói hình ảnh từ vệ tinh thương mại cho thấy có hoạt động tại một địa điểm ở "cửa Tây" trong bãi thử vào giữa tháng này.

Theo ông Lewis, cam kết đóng cửa bãi thử của Triều Tiên phần lớn chỉ là hành động mang tính biểu tượng vì ông Kim có thể dễ dàng hủy bỏ lệnh trên.

Theo Bảo Hạnh

Người Lao động

Trở lên trên