MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Trump sẽ “tính sổ” với các đối thủ ra sao khi trở lại Nhà Trắng?

12-11-2024 - 13:15 PM | Tài chính quốc tế

Việc ông Trump trở lại Nhà Trắng với tư cách tổng thống thứ 47 của nước Mỹ gửi tới những người từng chống đối ông một tín hiệu không mấy tích cực.

Trong phát biểu chiến thắng tại Florida ngày 6/11, Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố rằng “đã đến lúc đoàn kết” và “gạt bỏ những chia rẽ trong 4 năm qua lại phía sau”. Nhưng chỉ hơn 2 ngày sau đó, ông bắt đầu tuyên bố sẽ “tính sổ” với những người từng chống đối và “kiếm chuyện” với ông.

Ông Trump sẽ “tính sổ” với các đối thủ ra sao khi trở lại Nhà Trắng?- Ảnh 1.

Ông Donald Trump. Ảnh: CNN

Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump cũng nhiều lần tuyên bố sẽ “trả lại” những gì ông cho rằng ông đã bị đối xử bất công. Điều này khiến cả đồng minh và đối thủ của ông Trump cho rằng sẽ có một “làn sóng trả đũa” sau khi ông nhậm chức vào tháng 1/2025.

Khi còn tại nhiệm, ông Trump đã từng tìm cách sử dụng các cơ quan thực thi pháp luật chống lại các đối thủ chính trị của mình theo những cách chưa từng thấy trong thời kỳ hậu Watergate. Ông đã nhiều lần kêu gọi các tổng chưởng lý dười thời chính quyền của ông điều tra ông Obama, ông Biden và những thành viên khác của đảng Dân chủ khác như cựu Ngoại trưởng John Kerry, nhưng đều bị từ chối.

Danh sách dài những người đối lập với ông Trump

Kể từ năm 2022, khi bắt đầu chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump đã đưa ra hơn 100 lời đe dọa sẽ điều tra, truy tố, giam giữ hoặc trừng phạt những người đối lập hoặc chống đối ông.

Ông Trump từng tuyên bố sẽ chỉ định một công tố viên đặc biệt để truy tố ông Joe Biden. Ông cũng nói rằng bà Harris nên bị “truy tố vì những hành động” của bà về chính sách biên giới.

Ông Trump cũng chia sẻ các bài đăng nói rằng cựu Tổng thống Barack Obama và cựu hạ nghị sĩ bang Wyoming, Liz Cheney - người chỉ trích ông nhiều nhất trong đảng Cộng hòa, phải bị xét xử tại các tòa án quân sự.

Công tố viên đặc biệt Jack Smith cũng “nằm trong tầm ngắm”. Ông Smith phụ trách 2 vụ án liên bang, một ở Washington DC liên quan đến vai trò của ông Trump trong các sự kiện dẫn đến cuộc nổi loạn ngày 6/1/2021 và một ở Florida liên quan đến việc xử lý các tài liệu mật mà ông đã mang theo dù không được phép sau khi rời Nhà Trắng.

Tổng thống đắc cử Trump nói rằng ông sẽ không chỉ sẽ sa thải công tố viên đặc biệt Smith “trong vòng 2 giây” vào ngày đầu tiên trở lại nhiệm sở mà còn cho rằng chính phủ “nên trục xuất” ông này khỏi nước Mỹ.

Ông Trump cũng tuyên bố sẽ truy tố một thành viên của bồi thẩm đoàn Georgia và đe dọa phạt “án tù dài hạn” đối với những nhân viên bầu cử mà ông cho là đã gian lận trong cuộc bầu cử năm 2020.

Ngoài ra, một cái tên khác không thể không kể đến là Adam Schiff, cựu Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ và vừa mới đắc cử ghế thượng nghị sĩ của bang California tại Thượng viện. Ông Adam Schiff từng có những phát ngôn chỉ trích gay gắt hướng đến ông Trump, đặc biệt trong những vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại.

Ông Schiff cũng là người lãnh đạo cuộc luận tội ông Trump lần đầu tiên tại Hạ viện vào cuối năm 2019.

Ông Trump có thể làm những gì?

Hiện vẫn chưa rõ ông Trump có thực hiện việc truy tố những người đối đầu với ông hay các đối thủ khác hay không.

Đôi khi, ông Trump có những tuyên bố giận giữ nhưng lại không thực hiện. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy. 8 năm sau chiến thắng đầu tiên, ông Trump trở lại Nhà Trắng với tâm trạng “giận dữ” hơn.

Ông Trump có thể không đi xa đến mức điều tra ông Biden sau khi ông đã thắng cử. Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã dành nhiều năm để điều tra gia đình ông Biden và không đưa ra được bằng chứng để tiến hành luận tội.

Ông Trump cũng có thể sẽ không nhắm vào Phó Tổng thống Kamala Harris, nhưng các đồng minh của ông cho rằng ông sẽ theo đuổi ít nhất một số mục tiêu mà ông đã từng nhắc đến.

Văn phòng của ông Trump không phản hồi đề nghị bình luận về việc liệu ông có thực hiện những tuyên bố “sẽ trả thù” trong chiến dịch tranh cử của mình hay không. Nhưng một số cố vấn cho biết nếu ông thực sự làm như vậy thì cũng không có gì ngạc nhiên. Theo họ, những gì xảy ra với ông Trump trong 4 năm qua không phải là điều dễ dàng lãng quên và tha thứ.

Các thành viên đảng Cộng hòa cho biết nhóm cố vấn của Tổng thống đắc cử cũng có quan điểm trái ngược về vấn đề này.

Một số trợ lý và đồng minh cứng rắn nhất của ông Trump lập luận rằng những gì họ gọi là “các cuộc tấn công pháp lý” nhằm vào ông Trump đã vượt quá giới hạn và ông không nên khoan nhượng.

Một số cố vấn khác cho rằng điều đó không hiệu quả và sẽ gây tổn hại đến di sản của ông Trump. Họ lập luận rằng, ông nên tập trung vào chương trình nghị sự quan trọng như cắt giảm thuế và hạn chế làn sóng nhập cư.

Quyết định bổ nhiệm ai vào vị trí đứng đầu Bộ Tư pháp được coi là một chỉ báo về hướng đi mà ông Trump sẽ thực hiện.

Nếu đó là một người như Matthew G. Whitaker, một cựu công tố viên liên bang có quan điểm cứng rắn, người từng giữ chức quyền Bộ trưởng Tư pháp trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, thì điều đó có nghĩa là Tổng thống đắc cử quyết tâm trừng phạt những người đã từng chống đối ông.

Nếu đó là một người như Jay Clayton, chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch dưới thời ông Trump hiện đang làm việc tại Sullivan & Cromwell, hay Robert J. Giuffra Jr., đồng chủ tịch của Sullivan & Cromwell và là cựu cố vấn cho ủy ban Whitewater của Thượng viện đã điều tra Tổng thống Bill Clinton, thì đó sẽ được coi là dấu hiệu cho thấy ông Trump muốn tập trung nhiều hơn vào việc hạn chế làn sóng nhập cư và các ưu tiên khác.

Ngoài bộ trưởng tư pháp, ông Trump có thể thực hiện “kế hoạch trả thù” thông qua các đồng minh tại Quốc hội. Hai nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện, Jim Jordan và Barry Loudermilk, ngày 8/11 ám chỉ rằng họ sẽ điều tra công tố viên đặc biệt Jack Smith trong nhiệm kỳ tiếp theo.

Theo Hoàng Phạm

VOV

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên