MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Trương Văn Phước: Chính sách thuế mới của Tổng thống Trump chỉ tác động nhỏ đến kinh tế Việt Nam

14-03-2018 - 12:25 PM | Tài chính quốc tế

"Những thay đổi về thuế nhập khẩu mới đây của ông Trump sẽ tác động không đáng kể đến Việt Nam, vì chúng ta đã và đang đa dạng hóa thị trường cũng như các sản phẩm để thúc đẩy xuất khẩu".

Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong năm 2018 và sẽ chỉ chịu những tác động không đáng kể từ chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đó là nhận định của ông Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia.

Trả lời phỏng vấn của Bloomberg, ông Phước cho biết Chính phủ Việt Nam hy vọng sẽ có thể đàm phán một số thỏa thuận thương mại với Mỹ - vốn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam - để giảm nhẹ các rào cản. Theo ông, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh các thỏa thuận tự do thương mại (FTA) với các nước khác trong nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc hàng cao nhất thế giới.

"Nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong năm nay, với mức lạm phát có thể kiểm soát được và đồng nội tệ tương đối ổn định", ông Phước – cũng là 1 thành viên trong Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – nhận định. "Những thay đổi về thuế nhập khẩu mới đây của ông Trump sẽ tác động không đáng kể đến Việt Nam, vì chúng ta đã và đang đa dạng hóa thị trường cũng như các sản phẩm để thúc đẩy xuất khẩu".

Tuần trước ông Trump đã ký sắc lệnh đánh thuế 25% lên thép nhập khẩu và 10% lên nhôm nhập khẩu. Trong 2 tháng đầu năm 2018, Việt Nam xuất khẩu số thép trị giá 104 triệu USD sang Mỹ, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và thị trường Mỹ chiếm khoảng 16% tổng kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.

Do đó Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh các FTA với những quốc gia khác, như Nhật Bản và Châu Âu, để giảm thiểu bất kỳ tác động bất lợi nào xuất phát từ động thái mới của ông Trump.

Hôm 8/3, Việt Nam đã cùng với 10 quốc gia khác ký vào hiệp định CPTPP (phiên bản TPP với 11 nước thành viên sau khi Mỹ rút lui từ tháng 1 năm ngoái). Việc Mỹ rút khỏi TPP đã từng được nhìn nhận là 1 cú sốc lớn đối với Việt Nam, bởi thị trường Mỹ chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, đà hồi phục của hoạt động thương mại toàn cầu cùng với sức hấp dẫn từ nguồn lao động trẻ, giá vẫn rẻ đã giúp Việt Nam trở thành thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Năm ngoái kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,81% và mới đây Thủ tướng đã nêu ra con số ước tính GDP tăng trưởng 7,4% trong quý I. Theo ông Phước, một nền kinh tế nhỏ như Việt Nam nhất thiết phải duy trì tăng trưởng cao và Chính phủ đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng GDP ở quanh mức 7%.

"Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng", ông Phước nói. "Chính phủ đang có những động thái mạnh mẽ để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, chẳng hạn như cắt giảm đáng kể số lượng giấy phép, giúp doanh nghiệp giảm chi phí bằng cách tiết kiệm thời gian xin phép, và quan trọng hơn cả là thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư với việc đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng".

Ông Phước cũng cho biết để giúp nền kinh tế có thể chống chọi được những cơn gió ngược từ chủ nghĩa bảo hộ đang dâng lên ở Mỹ và nhiều thị trường khác, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến các thị trường quốc tế để có đối sách kịp thời, đảm bảo đạt được các mục tiêu kinh tế đã đề ra cho năm nay.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên