Ông Võ Quang Huệ: Với kỷ lục 21 tháng từ khi khởi công đến vận hành, VinFast sẽ tạo nên kỳ tích mới cho ngành công nghiệp ô tô thế giới
Vị lãnh đạo cấp cao của tập đoàn Vingroup cho rằng khu vực kinh tế tư nhân nói chung hoàn toàn có thể đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế nếu được hỗ trợ về mặt cơ chế.
- 30-04-2019Thaco và VinFast nhìn từ bài học phát triển công nghiệp ô tô của "Detroit châu Á" và chaebol lớn thứ hai Hàn Quốc
- 19-04-2019Dư địa tăng trưởng ngành còn rất lớn, VEA, THACO, VinFast được đánh giá như thế nào?
- 16-04-2019VinFast chốt lịch khánh thành nhà máy vào tháng 6, sớm 3 tháng so với dự kiến
Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân diễn ra chiều ngày 2/5, ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách VinFast đã đề xuất một số giải pháp cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phát triển công nghệ cao thông qua kinh nghiệm cá nhân của Vingroup.
Ông Võ Quang Huệ cho biết Vingroup đang trải qua quá trình thay đổi toàn diện, từ việc ban đầu chỉ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, du lịch và bất động sản, đến nay họ xác định tầm nhìn trở thành tập đoàn công nghệ, công nghiệp, thương mại dịch vụ đẳng cấp quốc tế.
Cụ thể, tháng 9/2017, Vingroup khởi động cho chiến lược này bằng việc khởi công tổ hợp sản xuất ô tô và xe máy điện VinFast tại Hải Phòng, với mong muốn xây dựng một thương hiệu ô tô Việt có thể đóng góp đột phá cho nền kinh tế. Đến 14/6 tới đây, VinFast sẽ chính thức đưa nhà máy sản xuất ô tô vào vận hành, sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch đề ra.
"Với kỷ lục 21 tháng từ khởi công, xây dựng, lắp đặt cho tới chạy thử vận hành, VinFast sẽ tạo nên kỳ tích mới cho ngành công nghiệp ô tô thế giới", ông Võ Quang Huệ tự tin khẳng định.
Song song với đó, ông nhấn mạnh VinFast cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào R&D, tự nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Chỉ sau chưa đến 2 năm kể từ ngày thành lập, VinFast đã có trong tay 3 mẫu ô tô, 1 sản phẩm xe máy điện, và đang tiếp tục cho ra đời những dòng sản phẩm mới trong đó có xe buýt điện.
"Chúng tôi cho rằng tập trung vào quá trình R&D các sản phẩm mới, có hàm lượng công nghệ cao sẽ khiến chúng ta rút ngắn, thậm chí có thể đi song song với các quốc gia phát triển trong lĩnh vực mới như xe điện, điện tử, công nghệ thông minh".
Đến nay, việc nghiên cứu phát triển sản phẩm của VinFast đã thuyết phục được các đối tác quốc tế cùng tham gia, cũng như thu hút nhiều chuyên gia trong và ngoài nước về làm việc.
Với những bài học thực tiễn từ VinFast, đại diện tập đoàn Vingoup đã đưa ra 1 số ý kiến góp phần thúc đẩy kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển như sau:
Thứ nhất, cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao và các hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Thứ hai, cần đẩy mạnh việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo đại học, đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế đất nước.
Thứ ba, cần tiếp tục tạo điều kiện cho chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo tiếp tục phát huy, góp phần thu hút chất xám của đội ngũ Việt Kiều. chúng tôi nhận thấy, mô hình kinh tế tư nhân sẽ có điều kiện tốt để mời những nhà khoa học về làm việc, từ đó góp phần phát triển quốc gia.
Thứ tư, cần mạnh mẽ có những chính sách để thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phát triển.
Thứ năm, cần tạo điều kiện cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Qua việc VinFast hợp tác với LG Chem và một số đối tác nước ngoài khác như Appico, Lear, ZF, Bosch..., Vingroup nhận thấy sắp tới đây sẽ có thêm các công ty khác sẽ chọn Việt Nam là điểm đến để xây dựng các nhà máy cung cấp dịch vụ đến các nước trong khu vực.
"Chúng tôi tin rằng với sự hỗ trợ của Đảng, nhà nước, các bộ ban ngành, tập đoàn Vingroup nói chung và VinFast nói riêng sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển theo hướng ngày càng nhanh hơn, chất lượng hơn, đóng góp hiệu quả nhiều hơn cho xã hội", ông Võ Quang Huệ khẳng định.
Trí Thức Trẻ