MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Vũ Bằng chỉ ra 3 điểm luật dự thảo có thể làm giảm khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp

Ông Vũ Bằng, nguyên chủ tịch UBCKNN, thành viên tổ tư vấn Chính phủ cho rằng có 3 điểm trong dự thảo nếu được ban hành có thể làm giảm khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Tại hội thảo lấy ý kiến dự thảo luật chứng khoán sửa đổi do UBCK tổ chức sáng 7/11, ông Vũ Bằng – nguyên chủ tịch UBCKNN, thành viên tổ tư vấn Chính phủ đã đưa ra những góp ý để bộ luật có tính hiệu quả hơn, gỡ rối cho các doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Bằng, ban soạn thảo dự luật nên có sự nới lỏng về điều kiện, nhưng tăng cường tính minh bạch về thông tin để giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Trên thực tế, có doanh nghiệp huy động vốn nhưng dùng sai mục đích. Chúng ta không nên vì những vấn đề như vậy mà siết chặt các điều kiện khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Ông Vũ Bằng cho rằng có 3 điểm trong dự thảo nếu được ban hành có thể khiến doanh nghiệp khó khăn hơn trong khả năng tiếp cận vốn.

Điểm thứ nhất là khái niệm chào bán riêng lẻ. Luật mới chỉ quy định về khái niệm chào bán riêng lẻ trên phạm vi rất hẹp so với thông lệ quốc tế. Việc chúng ta thắt chặt lại như vậy khiến doanh nghiệp không có cửa huy động vốn. Rất nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, trung bình muốn chào bán riêng lẻ nhưng sẽ rất khó do phạm vi quy định chào bán riêng lẻ quá hẹp.

Theo dự thảo, chúng ta đã mở thêm ra một số đối tượng được chào bán riêng lẻ nhưng quy định vẫn khác xa với thông lệ quốc tế. Chào bán riêng lẻ theo quy định được chia ra 3 nhóm nhà đầu tư đủ điều kiện gồm các nhà đầu tư chuyên nghiệp - qualified investor (CTCK, ngân hàng, quỹ đầu tư); nhà đầu tư chứng khoán đủ tiêu chuẩn tự chịu trách nhiệm (người có giấy phép hành nghề nhân viên) và doanh nghiệp có vốn 1.000 tỷ đồng. Mức vốn 1.000 tỷ đồng tại Việt Nam là quá cao khiến ít doanh nghiệp tiếp cận được. Ngay tại Singapore thì luật cũng chỉ yêu cầu doanh nghiệp có vốn khoảng 140 tỷ đồng (sau quy đổi).

Đối với cá nhân, quy định hiện nay khá phức tạp, trong khi hoàn toàn có thể chỉ cần chứng minh tài sản thông qua sổ đổ, sổ tiết kiệm khi mở tài khoản chứng khoán.

Điểm thứ hai là điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng. Theo điều 12 của dự thảo, tối thiểu 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông sở hữu từ 1% trở lên vốn điều lệ của tổ chức phát hành. Theo ông Bằng, đây là điều tân tiến nhưng trong điều kiện Việt Nam hiện nay rất khó áp dụng.

Không những vậy, điều 25 dự thảo lại nêu rằng, nếu không đảm bảo điều kiện này thì đợt phát hành sẽ được xem là không thành công và hủy bỏ. Điều này không chỉ khiến doanh nghiệp khó huy động vốn mà còn rất tốn kém.  Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng nâng điều kiện công ty đại chúng về vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng. Kết hợp cả 3 yếu tố trên khiến doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn vì không đáp ứng được tiêu chí. Do vậy, cần cân nhắc lại những dự thảo luật này.

Điểm thứ ba ông Vũ Bằng nêu ra là việc nếu doanh nghiệp vi phạm sử dụng vốn, bị xử phạt hành chính không được cấp phép công ty đại chúng, quỹ cũng sẽ gây khó cho thị trường.

Ngoài ra, ông Vũ Bằng cũng cho rằng yêu cầu doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 300 tỷ trở lên mới được chào bán trái phiếu là quá lớn, gây khó khăn cho việc huy động vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo ông Vũ Bằng, điều cần thiết nhất là tính minh bạch, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp chứ không phải là vốn. Nguyên chủ tịch UBCKNN mong muốn ban soạn thảo luật chứng khoán sửa đổi lưu ý những điều này.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên