OPEC + có thể bơm thêm bao nhiêu dầu để hạ nhiệt cơn sốt giá?
Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) là hai trong số ít các nhà sản xuất dầu trên toàn cầu có công suất dự phòng để có thể nhanh chóng sử dụng để tăng sản lượng, giúp bù đắp phần nguồn cung mất đi từ Nga hoặc các nơi khác, từ đó hạ nhiệt cơn sốt trên thị trường lúc này.
- 11-03-2022Tổng thống Nga: Moscow sẽ tiếp tục xuất khẩu dầu và khí đốt, kể cả sang Ukraine
- 11-03-2022Giá xăng tăng lên gần 30.000 đồng/lít
- 11-03-2022Giá xăng cao kỷ lục trên toàn cầu, các chính phủ hành động khẩn cấp
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, hai nhà sản xuất vùng Vịnh nói trên của OPEC nắm giữ công suất dự phòng khoảng 1,8 triệu thùng/ngày với khả năng có thể "đáp ứng nhu cầu tức thì", bằng gần 2% nhu cầu thế giới và gần như toàn bộ trong tổng tất cả tổng số 2,2 triệu thùng/ngày công suất như vậy hiện có trên toàn cầu.
Công suất sản xuất và công suất dự phòng của các nước sản xuất dầu (trừ Iran) (Chú thích: * Công suất sản xuất; ** Công suất dự phòng có thể đáp ứng tức thì; *** công suất dự phòng có thể đáp ứng trong 90 ngày)
Rystad Energy ước tính Saudi Arabia, UAE, Iraq và Kuwait có tổng cộng khoảng 4 triệu thùng/ngày công suất dự phòng có thể được đưa ra thị trường trong khoảng thời gian 3-6 tháng.
Chuyên gia phân tích Louise Dickson của Rystad Energy cho biết: "Hầu hết các quốc gia này có công suất lưu trữ trên bờ biển rộng lớn, cộng với khả năng tăng khai thác, đồng nghĩa có thể gia tăng xuất khẩu thêm vài triệu thùng chỉ trong vài tuần, nếu không nói là vài ngày."
Công suất sản xuất dầu dự phòng của OPEC+
Con số đó vẫn ít hơn sản lượng dầu mà Nga sản xuất. Nga cạnh tranh với Saudi Arabia vị trí nhà xuất khẩu dầu thô và sản phẩm dầu hàng đầu thế giới, với lượng xuất khẩu khoảng 7 triệu thùng/ngày, tương đương 7% nguồn cung toàn cầu.
Sau khi Nga thực hiện "chiến dịch đặc biệt" ở Ukraine, bắt đầu vào ngày 24 tháng 2, lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung đã khiến giá dầu quốc tế tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2008, với dầu Brent đạt hơn 139 USD/thùng trong tuần này.
Giá dầu sau đó đã giảm do kỳ vọng của thị trường rằng một số nhà sản xuất có thể bơm thêm dầu vào thị trường.
OPEC +, bao gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ, Nga và các đồng minh của họ, có thỏa thuận nâng dần sản lượng mỗi tháng thêm 400.000 thùng/ngày. Nhóm này đã từ chối bơm tăng hơn nữa, kể cả khi giá dầu tăng vọt.
Mặc dù giá dầu đã giảm 13% trong ngày thứ Tư (9/3) và tiếp tục giảm trong ngày 10/3, mức giảm mạnh nhất kể từ những ngày đầu của đại dịch, gần hai năm trước, sau khi Đại sứ UAE tại Washington cho biết Abu Dhabi ủng hộ việc tăng sản lượng và sẽ khuyến khích OPEC xem xét sản xuất nhiều dầu hơn nữa, song giá hiện vẫn quá cao so với sức chịu đựng của thị trường.
Mặt khác, những bình luận sau đó từ UAE làm giảm triển vọng sẽ có thêm dầu từ OPEC. Cụ thể, UAE cho biết nước sản xuất vùng Vịnh vẫn cam kết với liên minh OPEC + và chỉ Bộ năng lượng của họ chịu trách nhiệm về chính sách dầu mỏ. Bộ trưởng Năng lượng nước này, Suhail al-Mazrouei, nói rằng quốc gia của ông tin tưởng vào giá trị mà OPEC + mang lại cho thị trường.
Về phía mình, Saudi Arabia đã không đưa ra bình luận công khai nào về vấn đề này trong tuần này, trong khi Iraq - có thể tăng sản lượng thêm 300.000 thùng/ngày theo quan điểm của IEA - cho biết sản lượng cao hơn là không cần thiết.
Nhu cầu dầu mỏ thế giới đang hồi phục nhanh, dự kiến sẽ đạt mức trước đại dịch trong năm nay, và việc thiếu đầu tư đầy đủ trong thời gian qua đã khiến năng lực của nhiều nhà sản xuất bị hạn chế. Một số quốc gia, đặc biệt là các thành viên châu Phi của OPEC +, đã phải vật lộn để đáp ứng các hạn ngạch sản lượng hiện có.
Sản lượng dầu của OPEC+ trong tháng 1 và mức chênh lệch so với mục tiêu (ước tính của IEA trong báo cáo về Thị trường dầu mỏ tháng 2).
IEA trong tháng 2 đã ước tính sản lượng của Iran có thể bổ sung thêm 1,3 triệu thùng/ngày nếu nước này được giải phóng khỏi các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, cơ hội đó ngày càng mờ nhạt khi các cuộc đàm phán giữa Iran và các cường quốc thế giới nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 gặp nhiều khó khăn.
Giá dầu tuần này đã hạ nhiệt, với mức giảm tính chung cả tuần vào khoảng 8% - giảm nhiều nhất kể từ tháng 11 năm ngoái, sau khi tăng hơn 20% trong tuần trước.
Giá giảm do nhiều yếu tố: Các nhà giao dịch tìm kiếm các giải pháp để có thể khắc phục sự gián đoạn nguồn cung dầu của Nga; hy vọng một số nước sản xuất như Iran, Venezuela và UAE có thể hành động để tăng nguồn cung; và Tổng thống Nga Putin tuyên bố có "những thay đổi tích cực nhất định" trong các cuộc đàm phán với Ukraine.
Tuy nhiên, sự giảm giá dầu lúc này khó bền vững, bởi trong ngắn hạn, tình trạng thiếu hụt nguồn cung khó có thể được lấp đầy bởi sản lượng bổ sung từ các nước khác. Kỳ vọng vào việc một số thành viên OPEC+ tăng sản lượng cũng mong manh, bởi Nga là thành viên trong nhóm này.
Phó Thủ tướng Nga, Alexander Novak, mới đây cảnh báo các nước phương Tây có thể đối mặt với giá dầu trên 300 USD/thùng và khả năng đóng cửa đường ống dẫn khí đốt chính giữa Nga và Đức.
Hiện thị trường vẫn đang theo dõi sát những diễn biến liên quan đến dầu mỏ. Giá dầu sắp tới dự báo sẽ còn tiếp tục bấp bênh, nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục tăng cao, nhưng cũng không loại trừ sẽ lao dốc mạnh mẽ như những gì đã diễn ra trong những ngày qua.
Tham khảo: Refinitiv